Cuộc sống sau vầng hào quang của thần đồng 2 ngày lên 3 lớp

Thứ năm, ngày 25/12/2014 08:49 AM (GMT+7)
Cách đây 1 thập niên, chuyện cậu bé thần đồng Nguyễn Hoàng Thân, người dân tộc Tày biết đọc từ 3 tuổi và giành được nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học khi mới 5 tuổi đã từng được báo chí khai thác và lan truyền khắp nước. Sau vầng “hào quang” đó, cuộc sống của cậu bé ấy thế nào?
Bình luận 0

Đặc cách từ lớp 1 lên lớp 3

Nguyễn Hoàng Thân sinh năm 2000 tại Định Hoá, Thái Nguyên trong một gia đình không mấy dư dả. Người phát hiện ra tài năng thiên bẩm đặc biệt của Thân là ông Cung Văn Hóa (SN 1936, đồng đội cũ của ông ngoại Thân). Năm 2003 trong một lần về bản Duyên chơi, ông Hóa tình cờ thấy Thân đọc vanh vách dòng chữ nhỏ in trên bao thuốc lá và tấm danh thiếp một cách dễ dàng. Nghĩ cậu bé có khả năng đặc biệt, ông Hóa bèn thử thêm và hết sức ngạc nhiên. “Lúc ấy nhà cháu nghèo lắm nên tôi đề nghị gia đình cho tôi đón cháu xuống Hà Nội để rèn giũa, phát triển tài năng cháu thành viên ngọc sáng”, ông Hóa nhớ lại.

 

img

 

Bằng khen và những tấm ảnh gắn liền với sự thành công của Hoàng Thân được ông Hóa treo trang trọng trong phòng.

Từ ngày Thân theo ông Hóa xuống thành phố học tập, em chưa ốm đau, quấy khóc ngày nào. Ông Hóa coi đó là duyên phận gặp được Thân, nên dành khoản lương hưu ít ỏi của mình đầu tư cho cậu bé. Hàng ngày ông đèo Thân đi học, đến các cuộc thi, nhận giải thưởng, bằng khen trên chiếc xe đạp cũ; nhiều ngày hai ông cháu cặm cụi làm thiết bị sáng tạo trong căn nhà 10m2. Năm Thân lên 5, cậu bé được đặc cách vào học tại trường Tiểu học Đại Kim nhờ phần mền Toán học thông minh. Chỉ 2 ngày sau, nhà trường đặc cách tiếp, cho Thân lên thẳng lớp 3 nhưng ông Hóa không đồng ý, chỉ cho cậu bé lên học lớp 2. Thời gian đó, báo chí đã gọi cậu bé là “thần đồng” hay “siêu thần đồng”.

img

Hoàng Thân được vinh dự chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Trong ngôi nhà nhỏ ở khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông) giờ vẫn còn treo chi chít bằng khen, những bức ảnh đánh dấu thành công của “thần đồng” Nguyễn Hoàng Thân từ khi cậu mới 4 tuổi. Trong số đó, bức ảnh được treo cao nhất ở giữa là hình Thân vinh dự chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi cậu bé 5 tuổi trong lần đoàn tham dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng toàn quốc đến nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu.

Ông Hóa xúc động nhìn bức ảnh và kể lại, Thân là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn, lại đoạt giải nên được bắt tay Đại tướng. Đại tướng hỏi Thân lớn lên có nguyện vọng gì. Thân trả lời muốn trở thành một nhà khoa học hoặc bác sỹ để cứu chữa bệnh cho người nghèo, bà con dân tộc.

img 
Ông Hóa cùng Hoàng Thân trao đổi bài vở (ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Từng “trượt dốc” nghỉ học

Tuy nhiên, một thời gian dài sau “hào quang” ấy, Thân “trượt dốc”, thậm chí có lần bỏ học 5-6 buổi khi đang học lớp 8. Ngay sau khi nhận được phản ánh của nhà trường, ông Hóa đã gặng hỏi Thân. Cậu rụt rè tâm sự vì sợ cô giáo mắng khi chưa hoàn thiện phần mềm thiết kế học tập để tham gia cuộc thi.

“Có thời gian Thân bị xao nhãng học tập vì áp lực tâm lý nặng nề từ các cuộc thi ở nhà trường. Dù gì Thân vẫn chỉ là một đứa trẻ, khi bị đặt ra quá nhiều yêu cầu cao cũng như kỳ vọng lớn thì tự nhiên sẽ gây ra trạng thái chán nản”, ông Hóa nói thêm.

Biết vậy, nên ông Hóa luôn tìm cách để Thân có được cuộc sống bình thường, tránh xa áp lực của danh hiệu “thần đồng”. Giờ đây ở tuổi 14, Thân đang học lớp 11 tại trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội). Thân chia sẻ, em vẫn đảm bảo học lực khá và có sở trường với môn Toán, Hóa. Dù dành nhiều thời gian ôn cho kỳ thi đại học vào năm tới, nhưng Thân cùng ông Hóa vẫn không ngừng nghiên cứu để có nhiều công trình sáng tạo tham dự các cuộc thi. Thân cũng đang gấp rút hoàn thành thiết bị giảng dạy Lịch sử thông minh để tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2015.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng niềm vui của ông Hóa là thấy Thân khôn lớn, đoạt nhiều giải thưởng và phát huy được khả năng của mình. Nhưng ông cũng lo lắng rằng tài năng của Thân sẽ mai một nhất là khi giờ đây: “Thân là một đứa trẻ đặc biệt, tài năng của cháu nên được bồi dưỡng thường xuyên. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải đào tạo nhân tài như thế nào để cống hiến, giúp ích cho đời. Vì vậy, tôi mong muốn cháu Thân sẽ được nhà nước hỗ trợ, đào tạo thêm”.

Từ năm 2005 đến nay, Nguyễn Hoàng Thân đã đoạt nhiều giải trong cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc với các mô hình như sản phẩm học Toán thông minh; đồ dùng học tập bằng ảnh động, máy lau bảng từ xa… Vì yêu thích lịch sử nên Thân thích sáng tạo những mô hình khoa học gắn với lịch sử: Rừng vàng, Trận đánh Điện Biên Phủ và trận đánh quân Nguyên Mông.
(Theo Ngân Hà (An ninh Thủ đô))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem