Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam: Xin hãy trả cho ngày 20.11 từ “tri ân” đúng nghĩa

Hà Minh (tổng hợp) Thứ năm, ngày 20/11/2014 06:44 AM (GMT+7)
Dưới góc độ vừa là một nhà giáo, vừa là phụ huynh học sinh, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam - chị Phan Hồ Điệp chia sẻ: "Sợ nhất là khi cô còn đang chưa tan lớp, phụ huynh chạy nhào đến, giúi vội vàng cho cô cái phong bì".
Bình luận 0

Trên trang cá nhân của mình, nhân chuyện một phóng viên hỏi về "món quà nào chị nhớ nhất khi được nhận trong ngày 20.11", chị Phan Hồ Điệp đã bày tỏ tâm sự của mình về ngày này, cụ thể là về văn hóa "tặng quà" cho các thầy cô.

img

Chị Phan Hồ Điệp bên chồng và con trai - thần đồng Đỗ Nhật Nam. Ảnh: Facebook nhân vật.

Theo chị Điệp, là một nhà giáo, ngày này quà gì được tặng đều ý nghĩa, miễn là trong món quà đó chứa đựng cả một tấm lòng của người tặng: "Ngày 20.11, người ta cứ nói nhiều về việc tặng quà cho thầy cô, là hoa, là phong bì hay là hiện vật. Mình thì nghĩ đơn giản, là gì cũng được miễn người tặng gói ghém trong đó một tấm lòng", chị Điệp chia sẻ.

Chị Điệp cũng hé lộ, hai món quà mà chị không thể quên dịp 20.11 là:

"Một chú chó nhỏ, mẹ của một em học sinh mang đến vì nhà cô có ổ chó con vừa nở. Mình thích món quà này lắm, mừng rú. Nhưng mẹ mình thì không đồng ý cho nuôi vì mẹ sợ nhà chật quá không có chỗ nuôi. Nên mẹ lại thuê xích lô ôm đến nhà cô, nhờ cô nuôi hộ, để lại mình tiếc nuối ngậm ngùi.

img
Đoạn chia sẻ của chị Điệp trên trang cá nhân.

Món quà thứ hai là bức tranh khắc trên đá có hình của mình và học trò lớp 4. Sau nhiều năm không gặp, các em vẫn giữ tấm hình ấy và khắc lên đá, như một lời hứa sắt son, chúng em sẽ ở mãi bên cô".

Chị tâm sự: "Ngày 20.11, người ta cứ nói nhiều về việc tặng quà cho thầy cô, là hoa, là phong bì hay là hiện vật. Mình thì nghĩ đơn giản, là gì cũng được miễn người tặng gói ghém trong đó một tấm lòng.

Sợ nhất là khi cô còn đang chưa tan lớp, phụ huynh chạy nhào đến, giúi vội vàng cho cô cái phong bì. Sợ nhất là trước cổng trường đông, phụ huynh lao đến, nhét vào tay cô cái bưu thiếp.

Nếu phụ huynh nào nghĩ là bằng cách đó có thể đổi lấy sự quan tâm của cô đối với con thì mình e là không đúng.

Đa phần các cô cần sự quan tâm lâu bền hơn thế, cần một sự cộng tác thực lòng.

Mình biết những đồng nghiệp của mình, ngày 20.11 thường bỏ tiền túi ra tặng các em sinh viên để các em có tiền tổ chức những hoạt động của mình.

Mình biết có những em sinh viên của mình, khi ra trường đi dạy, những ngày này chỉ mong tiếng ngọng nghịu gọi cô mà không có chứ chưa nói đến những lời chúc mừng.

Phải chăng chúng ta đã quá quen nhìn vào, quen nói về những điều xấu mà quên đi những cái tốt vẫn đang có, đang hiện hữu hàng ngày.

Xin hãy giữ cho những người làm nghề chút bâng khuâng, xao xuyến mỗi dịp 20.11.

Xin hãy trả cho ngày 20.11 từ "tri ân" đúng nghĩa của nó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem