Đệ nhất phu nhân Rosmah Mansor và chồng là Thủ tướng Malaysia khi còn tại chức.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), ngay từ đầu những năm 2015, người dân Malaysia đã biểu tình phản đối kế hoạch áp thêm thuế tiêu dùng, trong khi Đệ nhất phu nhân khi đó là Rosmah Mansor tiêu xài hết sức hoang phí.
Cuộc sống xa hoa bậc nhất
Bà Rosmah than vãn trong một bài phát biểu tại diễn đàn về thuế rằng bà phải trả 1.200 ringgit (tương đương 300 USD) cho một lần nhuộm tóc. Ở thời điểm đó mức lương tối thiểu ở Malaysia là 900 ringgit/tháng.
Phát ngôn của bà Rosmah đã khiến nhiều người Malaysia giận dữ. Họ đã để ý thấy những chiếc đồng hồ, những chiếc túi xách tay hàng hiệu mà bà mang theo khi xuất hiện cùng chồng khi đó là Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Mãi đến gần đây, sau khi cảnh sát thu giữ hàng trăm chiếc túi xách tay, bao gồm nhãn hiệu thời trang cao cấp Hermes và rất nhiều đồ trang sức từ căn hộ mà gia đình Najib sinh sống thì dư luận mới đặc biệt chú ý tới bà Rosmah.
Nhiều người dân Malaysia đặt câu hỏi rằng làm thế nào mà bà Rosmah có số tiền khổng lồ để chi trả cho cuộc sống xa hoa của mình. Người ta còn so sánh bà với Imelda Marcos, người từng bỏ lại hơn 1.200 đôi giày sau khi chồng mình, nhà độc tài Ferdinand Marcos, bị lật đổ ở Philippines năm 1986.
Năm 2016, tờ Wall Street Journal của Mỹ từng tiết lộ thông tin chấn động rằng bà Rosmah đã chi hơn 6 triệu USD cho quần áo, giày dép và đồ trang sức. Ở thời điểm đó, mức lương của Thủ tướng Malaysia nhận được chỉ là 100.000 USD/năm.
Trong một chuyến đi đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, bà Rosmah đã thuê nguyên một máy bay Airbus A-319 của hãng hàng không Emirates. Toàn bộ chi phí cho hành trình dài này lên tới 1 triệu ringgit (247.000 USD).
Cảnh sát thu giữ hộp đựng túi xách hàng hiệu từ nhà riêng của ông Najib.
Đáng chú ý rằng máy bay cất cánh từ một sân bay quân sự Malaysia. Có thể bà Rosmah không muốn phải chờ đợi nên đã yêu cầu máy bay hạ cánh tại đây.
Bà Rosmah từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ cho những sở thích xa xỉ của mình. "Có một số phụ kiện và quần áo tôi đã mua bằng tiền riêng. Như vậy thì có gì sai?", bà Rosmah, 66 tuổi đã nói như vậy khi được hỏi về những chỉ trích xung quanh lối sống của bà, trong một cuốn tiểu sử xuất bản năm 2013.
"Là một phụ nữ và là vợ của một lãnh đạo, tôi phải chăm chút cho ngoại hình của mình. Người Malaysia sẽ xấu hổ nếu các nước khác chê cười bà vợ luộm thuộm của Thủ tướng", bà Rosmah nói.
Trước tâm bão chỉ trích của dư luận, bà Rosmah thông qua luật sư riêng chỉ trích chính quyền Malaysia để lộ "thông tin chi tiết về những vật phẩm bị tịch thu". Bà Rosmah và ông Najib hiện bị cấm xuất cảnh.
Gần 300 hộp đựng túi xách hàng hiệu và hàng chục chiếc túi chứa đầy tiền mặt, nữ trang là một phần trong số những thứ cảnh sát đã thu giữ từ các bất động sản liên quan tới gia đình cựu Thủ tướng Najib. Trong số này có những chiếc túi Birkin của Hermes và ít nhất 10 đồng hồ xa xỉ. Những chiếc túi này có giá lên tới hàng trăm nghìn USD.
Bộ Tư pháp Mỹ từng cáo buộc rằng một phần trong số tiền bị trộm từ Quỹ nhà nước Malaysia (1MDB) được sử dụng để mua trang sức cho bà Rosmah, bao gồm 27 triệu USD cho một viên kim cương hồng thuộc loại hiếm và thêm 1,3 triệu USD cho 27 dây chuyền vàng.
“Tôi không hề hoàn hảo”
Cuộc sống xa hoa của bà Rosmah từ lâu đã là tâm điểm chỉ trích của người dân Malaysia.
Bà Rosmah có một khởi đầu khá khiêm tốn. Bà sinh năm 1951 ở Kuala Pila, một thị trấn nhỏ ở bang Negeri Sembilan, tây nam Malaysia.
Theo cuốn tiểu sử năm 2013, bà theo học ngành xã hội và nhân chủng học tại một trường đại học ở địa phương trước khi lấy bằng thạc sĩ ở Đại học bang Louisiana, Mỹ.
Cuốn tiểu sử đề cập tới những khó khăn về tài chính mà bà Rosmah gặp phải khi còn là sinh viên. Tốt nghiệp Đại học, bà Rosmah công tác tại một ngân hàng nông nghiệp với mức lương chỉ 800 ringgit/tháng.
Tới năm 1987, bà Rosmah nghỉ làm để tập trung gây dựng gia đình với ông Najib, khi đó là Bộ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên của Malaysia.
Sau khi ông Najib trở thành Thủ tướng, bà Rosmah tập trung vào làm từ thiện, hỗ trợ các tổ chức vận động y tế và ủng hộ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi.
Một ngày sau khi Mỹ đưa ra cáo buộc về thương vụ mua bán viên kim cương hồng trị giá 27 triệu USD, luật sư của bà Rosmah đã gửi thông điệp dọa sẽ kiện bất cứ ai đưa các thông tin "sai, làm hại" tới bà.
Trong trang cuối cùng của cuốn tiểu sử, bà Rosmah đề nghị người dân Malaysia chấp nhận con người của mình. "Tôi hy vọng người dân có thể chấp nhận thực tế rằng tôi chỉ là người bình thường. Tôi không hề hoàn hảo".
Thú chơi xa xỉ của bà khiến nhiều người thời nay phải “tròn mắt kinh ngạc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.