Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0": Mỗi dự án là một “đứa con tinh thần”

Bùi Hồng Liên Thứ tư, ngày 23/05/2018 13:06 PM (GMT+7)
Chiều nay 23.5, tại Hà Nội, Ban Giám khảo Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" sẽ tiến hành họp để chấm chung khảo 30 dự án dự thi đã lọt vào chung khảo. Đây là cuộc thi lần đầu tiên do Báo NTNN phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ KHCN tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù là năm đầu tiên tổ chức nhưng số lượng tác phẩm dự thi gửi về Ban tổ chức (BTC) rất lớn. Trong đó có những hồ sơ trình bày dự án hết sức phong phú, đa dạng, thể hiện sự hấp dẫn riêng của một sân chơi dành cho nông dân áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Bình luận 0

Đa dạng về tác giả và mô hình

Qua vòng sơ khảo thứ nhất, BTC đã lựa chọn được 96/968 tác phẩm để đánh giá chất lượng của các hồ sơ tham dự cuộc thi. Nhìn chung, những dự án này đều được đầu tư bài bản, mang tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản sạch. Trong số các dự án gửi về Báo NTNN, Báo đã lựa chọn và đăng tải được một số dự án, mô hình trên các số báo giấy hàng tuần và báo Điện tử Dân Việt.

img

  Nông dân Võ Văn Sơn (áo trắng) ở Ninh Thuận với mô hình chinh phục vùng cát trắng bạt ngàn để nuôi tôm công nghệ cao.  Ảnh: Công Tâm

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng Biên tập Báo NTNN, Phó Trưởng ban giám khảo cho hay: "Nhìn chung, 30 dự án lọt vào chung khảo Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” đa dạng về lứa tuổi, vùng miền. Có 28 tác giả nam và 4 tác giả nữ đến từ các địa phương trong cả nước, nhiều nhất là TP.HCM, Hà Nội, Đồng Tháp… Tác giả dự thi cao tuổi nhất là bà Phạm Thị Huân, 64 tuổi (ở TP.HCM) với mô hình “Xử lý trứng với công nghệ mới”. Tác giả dự thi trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Duy Tuấn, 26 tuổi (ở Hà Nội) trong nhóm các tác giả của Dự án “Ứng dụng trồng rau thông minh – Egarden”.

Một điểm nổi bật khác của các hồ sơ dự thi, đó là nhiều dự án được đầu tư với số tiền lớn, các sản phẩm được tạo ra đều có nguồn gốc xuất xứ, sạch và đã có thị trường bao tiêu, tiết kiệm được sức lao động cũng như giải quyết được vấn đề lao động, việc làm cho người nông dân. Theo đó, dự án được đầu tư nhiều tiền nhất là “Xử lý trứng với công nghệ mới” với số tiền lên tới 110.000.000.000 đồng của bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) ở TP.HCM, và dự án được đầu tư ít tiền nhất là “Cải tiến lắp đặt máy nhịp tim cho máy vắt sữa bò” chỉ với 20.000.000 đồng của ông Nguyễn Trung Lập ở TP.HCM".

img

Ông Võ Quan Huy với buồng chuối sẽ mang thương hiệu Fohla xuất ngoại.  Ảnh: Trần Đáng

"Trong số 30 dự án đã được lựa chọn vào vòng trong, hiện tại chỉ có Dự án “Hệ thống châm phân theo kiểu nông dân 4.0” là sắp được thực hiện trong đầu tháng 6 tới, còn lại 29 dự án là đã và đang được thực hiện. Đặc biệt, một số dự án có quy mô đầu tư nhỏ vẫn được lựa chọn bởi tính áp dụng đơn giản, dễ dàng mà đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, việc ứng dụng Internet, mạng xã hội… trong quảng bá sản phẩm nông sản được những nông dân này tận dụng triệt để: Sản phẩm có đầu ra ổn định, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài"- ông Hoài cho biết thêm.

Theo như dự kiến, chiều ngày 23.5, tại trụ sở Báo NTNN, BTC cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0” 2018 sẽ tổ chức họp chấm chung khảo cuộc thi. Trên cơ sở kết quả xét chọn các hồ sơ dự thi, Hội đồng giám khảo sẽ đánh giá và kết luận cuối cùng về danh sách các dự án được trao giải “Tôi là Nông dân 4.0”. Dự kiến, BTC Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" sẽ trao giải trong tháng 6 tới đây.

Cuộc thi có nhiều ý nghĩa

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Lân Hùng - chuyên gia nông nghiệp, thành viên Ban giám khảo cho hay: "Tôi là Nông dân 4.0" là một cuộc thi rất hay và ý nghĩa, đưa khoa học công nghệ vào để áp dụng thành tựu nông nghiệp 4.0. Cụ thể hơn, đó là ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 (Internet, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ chiếu sáng, công nghệ robot…) vào nông nghiệp sao cho giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Cuộc thi cũng huy động được sự sáng tạo của nông dân cả nước, nhằm tìm ra những phương pháp công nghệ tối ưu nhất cho toàn bộ quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Chính những dự án tham dự thi cuộc thi là những gợi ý để các nhà khoa học tìm đến và kết hợp cùng với nhà nông tìm ra những phương pháp làm hay, đem lại hiệu quả cao nhất cho nông dân.

"Trong số những mô hình tham gia dự thi tại cuộc thi lần này, tôi đặc biệt ấn tượng với Dự án "Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao" của nông dân Võ Văn Sơn (Ninh Thuận) với tính hiệu quả vượt trội. Mỗi năm, gia đình ông Sơn có thể thu về trên 21 tỷ đồng. Đây là con số tuyệt vời, là niềm mơ ước của nhiều nông dân trong cả nước"- ông Hùng thông tin.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Để hiện thực hóa xu thế đó, việc tăng cường liên kết gắn với hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư được xem là nhiệm vụ then chốt.

Nói về Cuộc thi “Tôi là Nông dân 4.0”, ông Nguyễn Văn Bộ - chuyên gia khoa học, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo chia sẻ: “Nông nghiệp công nghệ cao”, “nông nghiệp 4.0” là những cụm từ đang rất “thời thượng”. Đó vừa là mong muốn và mục đích, vừa là nỗi hoài nghi lớn giữa tình trạng lạc hậu, ngổn ngang của ngành nông nghiệp trong nước. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, những năm qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu tập trung giải quyết bức thiết của thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả nước đã được triển khai.

Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức nhưng tôi thực sự rất bất ngờ về số lượng người tham gia cũng như gửi dự án về cho Cuộc thi. Đó là những dự án rất chất lượng, phong phú và đa dạng. 30 dự án, mô hình lọt vào chung khảo là những dự án đặc sắc nhất, bám sát các thể lệ, tiêu chí do BTC đề ra. Cụ thể, chất lượng của những dự án nông nghiệp của các cá nhân, nhóm cá nhân tham dự cuộc thi được đánh giá khá cao. Nhiều dự án tham dự được đầu tư bài bản, sáng tạo và ứng dụng rất tốt công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản sạch.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ
làm Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi

Theo đó, Ban giám khảo cuộc thi gồm 7 người, trong đó ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ làm Trưởng Ban giám khảo; nhà báo Nguyễn Văn Hoài- Phó Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt là Phó Trưởng Ban giám khảo.

Các thành viên khác trong Ban giám khảo gồm bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Môi trường (Bộ NNPTNT); ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương; ông Hồ Thanh Tùng- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC; ông Nguyễn Văn Bộ-chuyên gia khoa học, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Lân Hùng - chuyên gia nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem