Cuộc thi viết ứng dụng tương tác giọng nói sắp đến hồi kết

Ngọc Phạm Thứ hai, ngày 16/11/2015 07:00 AM (GMT+7)
16 đội của cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015 đã hoàn thành thuyết trình ý tưởng và trình diễn ứng dụng trong đợt thi bán kết. Sau đó, 4 đội có số điểm cao nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết.
Bình luận 0

Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, S.M.A.C Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Ngày 14 và 15.11, 16 đội lọt vào bán kết đã trình diễn sản phẩm của mình. Ban tổ chức đánh giá, tất cả đều là ứng dụng có tính thực tế cao, trong đó có nhiều ứng dụng có khả năng góp phần giải quyết các bài toán của xã hội trong lĩnh vực giao thông, giáo dục, du lịch.

Tại vòng bán kết, mỗi đội có 10 phút để thuyết trình ý tưởng và trình diễn ứng dụng. Điểm đặc biệt của vòng thi này là ngoài ban giám khảo, mỗi đội còn được 2 đội bạn góp ý và đưa ra ý kiến phản biện. Tất cả các nội dung này đều được chấm và tổng hợp thành điểm cuối cùng của mỗi đội thi.

img

Các đội đang phản biện sản phẩm của nhau để "ăn điểm" từ ban giám khảo.

Trong đó, điểm cho phần thuyết trình ý tưởng chiếm 20%, phần trình diễn ý tưởng chiếm 60%, phần phản biện với giám khảo và 2 đội bạn chiếm 10%, 10% điểm cuối cùng dành cho phản biện/góp ý của đội thi dành cho 2 đội bạn khác.

Ghi nhận trong cuộc thi bán kết tại TP.HCM, ứng dụng SmartLearn của nhóm UIT - Pirate  King (ĐH CNTT) đầu tư khá kỹ lưỡng với sự áp dụng công nghệ nhận diện giọng nói lên toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm này đã không lọt được vào chung kết.

Theo đại diện nhóm UIT, ứng dụng SmartLearn giúp hạn chế tình trạng trẻ em nghiện smartphone. Ứng dụng sẽ kiểm soát thời gian dùng smartphone của trẻ bằng cách đặt ra các câu hỏi để bé trả lời. Sau mỗi khoảng thời gian nhất định, ứng dụng sẽ khóa máy và yêu cầu trẻ trả lời một số câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng điện thoại. Sau một khoảng thời gian do phụ huynh cài đặt, điện thoại sẽ tự tắt và trẻ không thể sử dụng điện thoại được nữa.

img

Ứng dụng SmartLearn giúp khóa điện thoại theo kiểu mới.

Kết quả, 4 đội lọt vào vòng chung kết là UET-TNA (ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội), 3TM (Đại học CNTT - ĐH Quốc gia TP.HCM), Infinity (Học viện Bưu chính viễn thông) và Feed&Quit (ĐH FPT TP.HCM) với các sản phẩm tương ứng:

- Mom & Kid: Robot kể chuyện, học toán giúp kể truyện theo yêu cầu, dạy trẻ học tính toán đơn giản.

- Người máy giao tiếp: Ứng dụng giúp theo dõi sự phát triển của trẻ dựa trên số liệu mẹ cung cấp để tư  vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp mẹ tra cứu những  triệu chứng, cách phòng bệnh cho bé... bằng lệnh điều khiển giọng nói.

- Hỗ trợ nấu ăn iCook: Ứng dụng iCook giúp chỉ dẫn công thức chế biến và tư vấn các món ăn, thống kê hàm lượng dinh dưỡng, chế độ ăn uống cho từng thành viên, quản  lý thiết bị nhà bếp, nhắc nhở ăn kiêng... Ứng dụng hứa  hẹn sẽ trở thành cẩm nang lý tưởng cho các bà nội trợ.

- Hỗ trợ dẫn đường: Người dùng chỉ cần nói thông tin về các điểm cần đến, ứng dụng sẽ lập tức chỉ dẫn các tuyến xe buýt cần đi (hoặc đường đi gần nhất cho các phương tiện khác) bằng giọng nói. Nếu đi sai đường,  hoặc đến nơi, ứng dụng sẽ phát thông báo.

Dự kiến trận chung kết S.M.A.C Challenge 2015 sẽ diễn ra vào ngày 19.12.2015.

Trước đó, trong 2 ngày 31/10 và 1/11, 48 đội lọt vào vòng 2 cuộc thi S.M.A.C Challenge 2015 đã có buổi trình bày chi tiết về ý tưởng cũng như hướng phát triển ứng dụng trên thực tế. 16 đội có ý tưởng sản phẩm rõ nét, khả năng ứng dụng thực tế cao đã được lựa chọn vào vòng bán kết của cuộc thi.

Ban tổ chức cho biết, Hà Nội là khu vực có đông đảo đội thi lọt vào vòng bán kết với 10 đội đến từ các trường Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Công nghệ, ĐH FPT, ĐH Thành Đô. 6 đội còn lại thuộc khu vực TP.HCM đến từ các trường ĐH CNTT - ĐHQG TP.HCM, ĐH FPT, ĐH Giao thông vận tải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem