Cuộc tranh giành đẫm máu ngôi vị của mẹ con Võ Tắc Thiên

Thứ năm, ngày 29/06/2017 12:30 PM (GMT+7)
"Hổ dữ không ăn thịt con" nhưng Võ Tắc Thiên lại đang tâm giết chết những người con do mình sinh ra để đánh đổi lấy quyền lực cao nhất.
Bình luận 0

Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Kể từ khi bà qua đời (16.12.705) tới nay đã hơn 1.300 năm, nhưng cuộc đời bà vẫn còn đó những bí ẩn khó giải, “đánh đố” giới sử học và nghiên cứu trong ngoài nước Trung Quốc.

Võ Tắc Thiên sinh hạ được bốn người con trai là Lý Hoằng, Lý Hiền, Lý Hiển, Lý Đán và hai người con giá là An Định công chúa, Thái Bình công chúa.

Nếu nói về những mưu kế độc ác để vươn lên vị trí Chiêu Nghi thì nhiều vô cùng, nhưng việc “hổ dữ lại ăn thịt con” là một vấn đề khác, khi chính tay Võ Tắc Thiên bóp chết con gái mới được vài ngày tuổi là An Định công chúa để đổ tội cho Vương Hoàng hậu

Điều đó đã khiến Cao Tông tức giận, cho điều tra thì biết Vương hoàng hậu mới đến thăm. Đường Cao Tông không nắm được sự tình, Võ Tắc Thiên lại khóc lóc thảm thiết khiến Cao Tông xuất hiện ý định phế truất Vương Hoàng hậu.

img

Võ Tắc Thiên người đàn bà đầy mưu kế và độc ác

Trong cách lý giải này, Võ Tắc Thiên giống như ma vương giết người không chớp mắt, có thể hạ thủ ngay cả con đẻ của mình. Nhưng cũng có tài liệu không ghi chép kỹ càng về cái chết của công chúa, nên người đời vẫn hoài nghi về việc có phải chính Võ Tắc Thiên giết chết con gái.

Tuy vậy, có một điều phải khẳng định rằng, chính Võ Tắc Thiên đã lợi dụng cái chết của con gái để bà bước lên nấc thang quyền lực cao hơn.

Năm 655, Võ Tắc Thiên cũng ngồi được vào vị trí Hoàng hậu. Sau khi giết tể tướng Thượng Quan Nghị bởi âm mưu làm phản thì lịch sử nhà Đường đã được ghi lại với một quãng thời gian "nhị Thánh lâm triều". Giai đoạn này, Đường Cao Tông thiết triều nhưng Võ Tắc Thiên ngồi cạnh để giám sát và mọi việc lớn nhỏ đều phải có sự đồng ý của bà mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, tham vọng của Võ Tắc Thiên không dừng lại ở đó. Bà còn muốn đi xa hơn trong cuộc tranh giành quyền lực chốn cung đình. Điều này gây ra cuộc chiến giành ngôi vị hoàng đế giữa Võ Tắc Thiên và các thái tử.

Thái tử Lý Hoằng là con đẻ của Võ Tắc Thiên, bản thân bà cũng luôn kỳ vọng ở con trai mình.

Sau này Lý Hoằng trở thành Thái tử, Võ Tắc Thiên trở thành Thiên hậu. Nhưng dường như Võ hậu vẫn chưa hài lòng với việc “buông rèm nhiếp chính” và đó là khởi đầu cho việc Võ Tắc Thiên lại quay trở lại đối phó với chính con đẻ của mình.

Theo China.com.cn, mối quan hệ giữa hai mẹ con rạn nứt bởi xuất hiện một số tình tiết nhạy cảm. Võ Tắc Thiên vốn hy vọng con trai mình có thể giúp bà một tay chuyện triều chính, nhưng Lý Hoằng bắt đầu có những hành vi bất kính với Mẫu hậu.

Một lần, Cao Tông đưa Thiên hậu đi thị sát ở Lạc Dương, Lý Hoằng ở lại cung với vai trò Thái tử thay phụ hoàng và mẫu hậu xử lý việc triều chính. Một hôm Lý Hoằng đi tới Cung Dịch Đình. Ở đó Lý Hoằng gặp hai chị cùng cha khác mẹ là công chúa Nghĩa Dương và công chúa Tuyên Thành. Hai vị công chúa này bị nhốt trong cung cấm hơn chục năm nay, không được gặp ai, đến nỗi sau này đã bị câm.

Lý Hoằng nhìn thấy họ liền động lòng trắc ẩn, viết cho Cao Tông một bức thư, hy vọng có thể thả hai người chị đó ra ngoài để họ làm người bình thường. Võ Tắc Thiên vô cùng tức giận, gây cản trở. Vì thế, trong lòng Võ Tắc Thiên cảm thấy bị công kích rất lớn. Và đây chính là ngòi nổ cho xung đột giữa hai mẹ con Võ Tắc Thiên và Lý Hoằng.

Võ hậu cũng bị kết tội đã đầu độc chết con trai cả là thái tử Lý Hoằng vào năm 675 vì thái tử tỏ ý chống lại việc mình can dự vào triều chính (dù có giả thuyết khác là thái tử đã qua đời tự nhiên vì lao phổi).

Khi sức khỏe Cao Tông xấu đi, ông đã có ý định truyền ngôi cho Thái tử Lý Hoằng. Đúng lúc Cao Tông có ý định này thì Lý Hoằng lại đột ngột qua đời khiến hậu thế có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.

img

Chân dung người đàn bà quyền lực nhất lịch sử Trung Hoa

Ép Thái tử Lý Hiền phải tự sát

Sau khi Thái tử Lý Hoằng qua đời ít lâu, Thái tử Lý Hiền được đưa lên thay thế. Trong mắt Võ Tắc Thiên, Lý Hiền là đứa con văn võ toàn tài, rất được lòng Mẫu hậu. Sau khi lập làm Thái tử, lại làm một việc rất có ý nghĩa là tổ chức quan lại chú thích cuốn "Hậu Hán thư".

Đạo sĩ Minh Sùng Nghiễm được Thiên Hoàng và Thiên Hậu coi trọng, thường gièm pha với bà: "Thái tử không thể thừa kế được, Anh vương (Lý Triết) có dung mạo giống Thái Tông", Lại nói: "Tương vương (Lý Đán) về sau sẽ đại quý".

Thiên Hậu cũng cho soạn Thiếu Dương chánh phạm và Hiếu tử truyện ban cho Hoàng thái tử, lại nhiều lần quở trách ông ta vô cớ, nên Thái tử khi ấy trong lòng luôn rất bất an.

Năm 681, Minh Sùng Nghiễm bị giết, Thiên Hậu nghi ngờ là do Thái tử Lý Hiền làm, nên càng ghét hơn. Vào năm 680, các phe cảnh Tiết Nguyên Siêu, Bùi Viêm, Cao Trí Chu (với sự giật dây của Thiên Hậu) tố cáo Thái tử Lý Hiền mưu đồ bất chính. Thiên Hoàng sai điều tra, lục soát được trong phủ Thái tử nhiều đồ binh khí. Cao Tông không nỡ trị tội, Thiên Hậu nói: "Là con dân mà mưu nghịch, thiên địa bất dung; nay đại nghĩa diệt thân, có thể nào xá được ?". Thiên Hậu liền hạ lệnh phế Thái tử, đày ra Ba Thục, vào tháng 10.681

Sau đó, Thiên Hậu lập tức chọn lập Anh vương Lý Triết làm Thái tử thay thế, đổi tên thành Lý Hiển. Cuối cùng, Võ Tắc Thiên phái tướng quân Khâu Thần Tích tới nơi Lý Hiền bị giam giữ, ép Lý Hiền phải tự sát.

Phế truất Trung Tông Lý Triết

Ngày thứ hai sau khi Lý Hiền bị phế truất thì đứa con thứ 3 của Võ Tắc Thiên là Lý Hiển được lên ngôi Thái tử, đổi tên thành Lý Triết. Sau khi làm Thái tử, Lý Triết chỉ ham vui chơi, không chuyên tâm lo việc triều chính như Lý Hiền. Cho tới khi biến cố xảy ra, Cao Tông qua đời tại Lạc Dương.

Đối với Võ Tắc Thiên, Cao Tông băng hà là một cơ hội tuyệt hảo để giành ngôi Hoàng đế, nhưng bà vẫn sắp xếp cho Thái tử kế vị trước linh cữu của Cao Tông theo di thư mà ông để lại. Thực ra, bà đã biết mình nắm phần thắng trong tay bởi trong bức di thư có viết "Thái tử kế vị trước linh cữu, việc lớn trong triều không có người quyết thì đều nghe theo Thiên hậu."

Cao Tông qua đời, Hoàng đế mới bận bịu việc tang lễ trong vòng 27 ngày theo quy định, không thể xử lý việc triều chính. Trong khoảng thời gian này, Võ Tắc Thiên sẽ thay Hoàng đế cai quản việc nước.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, Võ Tắc Thiên phải tìm cách dàn xếp mọi việc để việc chuyển giao quyền lực sang tay bà sẽ diễn ra thuận lợi nhất. Đầu tiên bà thăng quan tiến chức cho người thân của Lý Đường Tông. Đồng thời bà bắt đầu tăng cường sức mạnh quân đội, thăng chức cho những người tin cậy của bà trong Ngự lâm quân.

img

Thái Bình công chúa là người duy nhất được an toàn

Năm Tự Thánh, Võ Tắc Thiên mời văn võ bá quan trong triều tới điện Càn Nguyên, tuyên bố phế truất Đường Trung Tông Lý Triết, lập đứa con thứ 4 của bà là Lý Đán thành Hoàng đế Đường Duệ Tông.

Đường Duệ Tông là đứa con rất ngoan ngoãn, nhìn thấy thảm cảnh của những người anh trai liền chủ động thỉnh cầu mẫu hậu thay mình thiết triều. Còn ông lui về phía sau làm một vị Hoàng thượng bù nhìn, hữu danh vô thực. Nhưng không phải ai cũng như Duệ Tông chỉ mong bảo toàn tính mạng.

Sau khi Võ Tắc Thiên nắm hết quyền bính trong tay, bên trong quan lại và hoàng thân quốc thích dấy lên làn sóng phản đối quyết liệt, thậm chí xuất hiện những cuộc binh biến phản loạn.

Đặc biệt, năm 684, xuất hiện sự kiện "Dương Châu khởi binh" nhằm phản đối Võ Tắc Thiên trực tiếp nắm quyền. Đây là cuộc binh biến phản loạn có quy mô lớn nhất từ khi nhà Đường được thành lập, nhưng cũng bị Võ Tắc Thiên nhanh chóng dập tắt.

Tuy nhiên, cuộc phản loạn này này đã ảnh hưởng rất lớn tới cục diện triều đình bởi nó liên can tới Tể tướng Bùi Đàm. Bùi Đàm cũng là người phản đối Võ Tắc Thiên kế vị Hoàng đế nên tham gia vào cuộc binh biến.

Sau khi phản loạn được dẹp yên khoảng 20 ngày thì Bùi Đàm bị chém tại Lạc Dương. Ngay sau khi giết Bùi Đàm, tại hiện trường, Võ Tắc Thiên giáo huấn quân thần nói: "Trong số các ngươi nếu là quan văn thì còn có ai lợi hại hơn Bùi Đàm, địa vị chắc chắn hơn Bùi Đàm sao?" Không ai dám lên tiếng.

Từ đó về sau trong triều không còn ai có thể tạo vây cánh uy hiếp tới sự lộng quyền của Võ Tắc Thiên nữa. Điều này đồng nghĩa với việc Võ Tắc Thiên đã chiến thắng trong cuộc tranh giành ngôi vị Hoàng đế với các Thái tử và quan lại trong triều, bà trở thành nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Diệp Thảo (Khoevadep)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem