Cuộc trùng phùng nước mắt

Thứ bảy, ngày 22/10/2011 06:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những cái bắt tay rất chặt, những cái ôm ấm áp, nụ cười rạng rỡ và cả giọt nước mắt nghẹn ngào khi họ - những chiến binh cảm tử của đoàn tàu không số, gặp lại nhau tại nơi khởi đầu của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Bình luận 0

Nhìn ảnh lại nhớ người

Cung Văn hóa Việt - Tiệp (Hải Phòng), nơi diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, một cựu chiến binh trong trang phục của sĩ quan hải quân cứ trầm ngâm ngắm nhìn những bức ảnh đen trắng đã ố vàng bởi thời gian được ban tổ chức trưng bày ngoài sảnh. Cứ đăm đắm một hồi thì người cựu binh ấy lại lấy khăn tay thấm những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt hồng hào, rắn rỏi.

img
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các cựu chiến binh trong lễ dâng hương tại Bến K15- Đồ Sơn (Hải Phòng).

Hỏi chuyện, ông tự giới thiệu là Ngô Văn Tân - người cựu binh trẻ nhất trên tấm ảnh chụp những cán bộ, chiến sĩ chuyến tiền trạm đầu tiên ra Bắc của đơn vị HN75 - tiền thân của Đoàn 962. Nếu tính luôn cả 4 chuyến liên tục sau đó, ông là một trong 3 nhân chứng lịch sử còn lại tham gia vận chuyển, mở đường cho hàng loạt chuyến tàu lịch sử chi viện vũ khí từ Bắc vào Nam của tàu Phương Đông 1, con tàu đầu tiên mở đường biển chuyển vũ khí từ Bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) vào Nam.

Chỉ vào tấm ảnh đó, ông Tân bùi ngùi kể lại, quê ông ở huyện Cái Nước (Cà Mau). Năm đó (1961), ông mới 20 tuổi, đang là bộ đội địa phương thì được cấp trên lựa chọn xung vào tổ công tác đặc biệt gồm 7 người đi thuyền con tiền trạm từ Cà Mau ra bến sông Nhật Lệ, Quảng Bình, sau đó lại trở vào Nam.

Chuyến đi ấy, ông và các đồng chí của mình có nhiệm vụ trinh sát, lựa theo con nước để tìm luồng lạch bí mật nhất, tối ưu nhất cho những chuyến tàu chi viện vũ khí sau này. Sau chuyến đi mở đường đó, ông và các đồng chí của mình lại ra Bắc, bước xuống tàu Phương Đông 1 để chuyển chuyến vũ khí đầu tiên vào Nam bằng đường biển.

Bồi hồi, ông Tân bảo, mới đó đã non nửa thế kỷ trôi qua. Trong ảnh, năm đó, tóc ông còn xanh mà giờ đã bạc. Ngắm bức ảnh, ông ngỡ tưởng cảnh xưa như mới xảy ra hôm qua thôi, khi ông và các đồng chí, đồng đội của mình bước chân xuống tàu với một khí thế hừng hực quyết tử cho từng chuyến đi vượt ngàn hiểm nguy bão tố.

Ngày ấy, ông và đồng đội khắc cốt ghi tâm khẩu hiệu, tàu còn thì người còn, tàu mất thì người mất. Bây giờ, sau 50 năm, những người trong ảnh, trừ ông, tất cả đã về nơi thiên cổ. Người gửi mình dưới đáy biển sâu, người ra đi bởi tuổi cao, sức yếu. Bởi thế, suốt từ sáng, khi thấy lại bức ảnh này, ông cứ lặng đi, cứ tuôn mãi không thôi hai hàng lệ ướt.

Nước mắt tìm nhau

Cựu chiến binh Vũ Văn Trinh - người An Dương, Hải Phòng. Gần 50 năm trước, ông là thủy thủ đã có gần chục chuyến vượt trùng dương trên tàu không số. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt trên, bởi công việc nên ông cũng không có điều kiện gặp lại những đồng chí, đồng đội của mình. Từng giây, từng phút, ông ngóng chờ ngày hội ngộ cảm động này.

Vì nỗi mong chờ đó nên sáng nay, ông cứ cuống quýt khóc, cười. Khôn xiết mừng vui, ông không thể làm chủ được cảm xúc của mình. Bắt tay, ôm ghì thật chặt từng người, bỗng dưng ông lại lặng đi. Ông thấy thiếu một người mà trước khi tới đây, ông đã nghĩ thể nào cũng gặp. Người đó là Hải đội phó Hải đội 5 của ông năm nào, ông Trần Nam Hách quê ở Ninh Bình.

Nghe anh em trong ban liên lạc báo lại, ông Hách ốm nặng nên không đến được. Thuở trước, ở đơn vị, ông và ông Hách thân nhau như anh em ruột thịt. Mấy hôm trước, qua điện thoại, ông biết ông Hách cũng giống như mình, cũng khát khao bỏng cháy ngày trùng phùng xúc động này. “Vắng mặt thì chắc chắn ông ấy bệnh nặng lắm. Có tuổi rồi chẳng biết thế nào! Có lẽ sau cuộc này, tôi sẽ vào thăm ông ấy!” - ông Trinh bùi ngùi bày tỏ.

Chung tâm trạng với cựu chiến binh Vũ Văn Trinh là Anh hùng LLVTND Nguyễn Đắc Thắng -nguyên là Thuyền trưởng tàu 43 Anh hùng. Ông Thắng gần 80 tuổi, đến từ Cần Thơ xa xôi. Trong câu chuyện của mình, ông Thắng kể, ông đã có 15 chuyến chuyển vũ khí từ Hải Phòng vào các bến bí mật trong Nam. Trong 15 chuyến vượt biển đó thì có 13 chuyến hàng về bến an toàn. Hai chuyến còn lại, tàu của ông bị địch phát hiện, ông và các đồng chí của mình đã anh dũng chiến đấu và sau cùng phải phá hủy tàu, đánh chìm hàng để đảm bảo bí mật.

Cựu chiến binh Vũ Văn Trinh quê ở An Dương, Hải Phòng cứ cuống quýt khóc, cười. Bắt tay, ôm ghì thật chặt từng người, bỗng dưng ông lặng đi. Ông thấy thiếu một người. Người đó là Hải đội phó Hải đội 5 của ông năm nào - ông Trần Nam Hách quê ở Ninh Bình...

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bởi điều kiện không cho phép, ông chỉ có thể gặp lại những đồng đội ở trong Nam, chứ anh em nơi khác thì ông không gặp được.

Do thế, khi trở lại Hải Phòng trong buổi trùng phùng này, ông hy vọng sẽ được gặp lại tất thảy những đồng chí từng cùng ông vào sinh ra tử ngày xưa.

Tuy nhiên, mong muốn đó của ông đã không thành hiện thực. Qua anh em, ông được biết, trong số 14 người trở về từ biển cả trên tàu của ông thuở trước thì đã gần nửa không còn nữa. Nhớ đồng đội, đồng chí xưa nên khi trò chuyện, ông đã không khỏi ngậm ngùi.

Những cái bắt tay, những cái ôm ghì đầy cảm xúc tưởng như kéo dài bất tận trong cuộc hội ngộ ngập tràn nước mắt, nụ cười ấy. Có lẽ, tất thảy những cựu binh ấy đều muốn thời gian đứng lại để giây phút chia tay không bao giờ đến nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem