Con đường huyền thoại: Người mở đường ra Bắc

Thứ sáu, ngày 21/10/2011 19:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong ngôi nhà 3 gian rộng rãi, bằng gỗ đước, lợp ngói đỏ nằm bên bờ sông Kiến Vàng thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân (Ngọc Hiển, Cà Mau) còn lưu giữ nhiều hình ảnh Anh hùng LLVTND Bông Văn Dĩa- người mở đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Bình luận 0

Hồi ký viết dở dang

Giữa ngôi nhà gỗ cũ, những chuyện thân thương ùa về theo ký ức những người thân của Anh hùng Bông Văn Dĩa. Bà Bông Thị Ưa (75 tuổi) - con gái thứ 2 của Anh hùng Bông Văn Dĩa - từng làm giao liên Đoàn 962, là người trực tiếp nuôi dưỡng, thờ phụng ông quãng cuối đời, lật từng trang hồi ký viết dở dang.

img
Chân dung Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa.

Nét bút run run, chữ nghiêng nghiêng, viết bằng bút bi màu đỏ như máu, trên 20 trang giấy úa vàng theo thời gian. Sơ lược về cuộc đời cơ cực, dọc ngang sông biển, vào Nam ra Bắc, hồi ký của ông Dĩa viết từ ngày 2.10.1980 đến ngày 31.5.1982 thì dừng lại, bởi khi ấy, ông “về” lòng đất rừng đước Mũi Cà Mau...

Ngày 21.6.1961, tại thôn Cái Xép, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Khu ủy Nam Bộ chỉ đạo cho ông Dĩa mở đường trên biển ra miền Bắc xin vũ khí. Ông đã thức nhiều ngày đêm để tìm hiểu yêu cầu chuyến công tác đặc biệt, chưa từng có trong đời. Rồi ông cùng đồng đội sửa lại chiếc ghe gỗ, tu sửa máy, chạy thử... mất cả tháng trời.

Ông Trần Bá Phước (73 tuổi) - ở ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển), nhớ lại: “Anh Hai Dĩa (Anh hùng Bông Văn Dĩa- PV) giỏi giang, có uy tín với anh em lắm. Ảnh không nói rõ sửa chữa tàu để làm gì, đi đâu, mà cứ biểu anh em làm suốt ngày đêm. Tôi làm thợ ghe biển nên phải đi tìm phụ tùng sửa chữa máy tàu để chạy thử. Chúng tôi lúc đó còn trẻ lắm, mới hơn 20, làm không biết mệt”.

Đêm 1.8.1961, chiếc ghe gỗ chở 8 người có giấy tờ hợp pháp của giặc, chở 2 tấn gạo trắng, rời rạch Cá Mòi- Mũi Cà Mau. Ông Dĩa trực tiếp cầm lái, sau 7 ngày đêm, chiếc ghe tới bến Nhật Lệ (Quảng Bình) thì bị công an bắt giữ.

Ông Trần Bá Phước - thợ máy, kể: “Đi trên biển mà chẳng biết đi đâu. Khi bị công an bắt giữ, anh Hai Dĩa luôn kêu gặp lãnh đạo Trung ương, nếu không sẽ bị lỡ việc lớn. Nhưng mấy anh công an nghi tụi tui là biệt kích giặc từ miền Nam đi ra”.

Ông Trần Bá Phước kể: “Mấy anh công an hỏi tụi tui đi đâu? Tôi nói đi gặp Bí thư Lê Duẩn. Một anh công an nói ngang, bĩu môi: “Còn nhỏ xíu mà tìm Tổng Bí thư, biết gì Tổng Bí thư mà đòi gặp?”.

Đồn Công an Nhật Lệ (Quảng Bình) giữ ghe suốt 3 ngày đêm mới thả, và họ cũng ra được miền Bắc xin Trung ương viện trợ thật nhiều súng, đạn để trang bị cho bộ đội đánh giặc. Lần đó, Bác Hồ khen ngợi chiến công độc đáo của Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa, người đi từ Nam ra Bắc bằng thuyền gỗ thô sơ: “Đi biển kiểu ấp thì xưa nay chỉ có ông Cô- lông- bô và chú!”

Tìm đường, chọn bến bãi

Trong những tháng ngày ở miền Bắc, ông Dĩa học hết lớp 3 và được Đoàn 125 Hải quân tiếp nhận. Ông lại cùng những thủy thủ theo mình ra Bắc trở lại miền Nam trên chiếc ghe gỗ thô sơ lần trước. Lần này, ông cùng đồng đội vừa đi, vừa vẽ bản đồ. Đặc biệt, họ phải tìm bến bãi an toàn để tập kết vũ khí, phân phát cho chiến trường miền Nam.

img
Bà Bông Thị Ưa chăm sóc mộ cha.

Đêm 10.4.1962, chiếc ghe gỗ lặng lẽ rời bến Nhật Lệ (Quảng Bình) hướng về miền Nam. Trên đường về, chiếc tàu gỗ gặp tàu giặc tuần tra, bị quần đuổi nhưng cuối cùng đã đến cửa Bồ Đề, xã Tân Ân (Ngọc Hiển, Cà Mau) vào 18.4.1962. Sau khi báo cáo tình hình cấp trên, ông Dĩa lại cùng một số đồng đội vượt biển ra đảo Hòn Chuối (Cà Mau), Thổ Chu, Nam Du (Kiên Giang)... nhưng thấy không nơi nào thích hợp làm bến đón thuyền chở vũ khí. Việc bỏ vũ khí ngoài biển rồi mò tìm để chở vô đất liền sẽ thất thoát nhiều. “Tôi thấy Vàm Lũng ở rạch Kiến Vàng, xã Tân Ân, là nơi nước đầy có lạch sâu 2-3m, có thể đưa tàu 30 tấn vào được”- hồi ký của ông Dĩa viết.

Đoàn 962 (nay là Trung đoàn 962 Anh hùng) do Anh hùng Bông Văn Dĩa làm Chỉ huy phó ra đời tại Mũi Cà Mau, lập chiến công “Đánh tàu trên sông Tam Giang”, bẻ gãy nhiều trận càn quét của quân thù chiến trường Nam Bộ.

Đêm 26.7.1962, ông Dĩa dùng chiếc ghe khoảng 6 tấn, chở 6 người, căng buồm, gắn máy, lại rời cửa Vàm Lũng vượt biển ra miền Bắc. Khi tới Nam Định vào ngày 1.8.1962, thủy thủ và tàu của ông Bông Văn Dĩa lại bị dân quân Nam Định bắt giữ giao cho công an. Nhưng sau đó, Đoàn 125 Hải quân bảo lãnh cho ông và đồng đội ra Hà Nội để báo cáo tình hình thăm dò các đảo và bến Vàm Lũng.

Cấp trên đồng ý cho tàu vào bến Vàm Lũng, xã Tân Ân (Ngọc Hiển) và chỉ định ông Bông Văn Dĩa làm Bí thư chi bộ. Đêm 14.10.1962, con tàu gồm 12 người và 35 tấn vũ khí rời Đồ Sơn (Hải Phòng). Đến sáng 20.10.1962, con tàu không số vào cửa Vàm Lũng, đến rạch Chùm Gọng. Trong hồi ký, ông Dĩa viết: “Tôi trực tiếp báo với Trung ương, Đoàn 125 rằng, chúng tôi đến nơi an toàn”.

Từ đó, đoàn tàu từ Bắc vượt biển vào Nam đi theo đường biển do ông Dĩa trinh sát, mở ra. Ông Dĩa được giao ở lại Vàm Lũng, tiếp nhận và hỗ trợ các tàu vào bờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem