Cước viễn thông chưa giảm: Lợi ích ai lên trên?

Thứ tư, ngày 14/07/2010 08:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc thực hiện giảm giá cước phải có lộ trình để tránh tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Đây chính là lý do khiến Bộ TT&TT chưa đề nghị giảm giá cước...
Bình luận 0
 img
Giảm giá cước di động là mong mỏi của người tiêu dùng.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn VNPT - đơn vị chủ quản của 2 mạng di động lớn là MobiFone và VinaPhone đã có công văn đề nghị Bộ TT&TT cho phép giảm giá cước từ 10-15%.

Trước đó, trong tháng 1 và tháng 4 - 2010, VNPT cũng đã 2 lần đề nghị Bộ TT&TT cho phép điều chỉnh giảm cước di động cho 2 mạng MobiFone và VinaPhone ở mức như 10 - 15%. Viettel cũng có đề nghị tương tự như VNPT. Tuy nhiên, đến nay, Bộ TT&TT vẫn chưa có văn bản đồng ý cho đề nghị giảm giá cước này.

Một trong những lý do để các “ông lớn” viễn thông gấp rút đề nghị giảm giá cước là do con đường cạnh tranh, giành và giữ khách hàng thông qua các đợt khuyến mãi "khủng" đã bị siết chặt từ 1-7.

Theo Thông tư số 11/2010 của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp không được khuyến mãi quá 50% giá trị thẻ nạp vào tài khoản của thuê bao trả trước đang hoạt động các chương trình khuyến mãi giảm giá không được vượt quá 90 ngày/năm; mỗi chương trình khuyến mãi không quá 45 ngày...

Theo khảo sát của NTNN, hầu hết những chủ thuê bao di động được hỏi đều đồng tình với đề nghị giảm cước. VinaPhone và MobiFone có tổng số thuê bao trên mạng vào khoảng hơn 60 triệu trong khi đó Viettel cũng có khoảng hơn 40 triệu thuê bao. Vì vậy, số lượng người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm cước là rất lớn.

Trả lời NTNN về việc giảm giá cước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, Bộ sẽ để các doanh nghiệp tự quyết định giá cước theo quy định trong Luật Viễn thông (có hiệu lực từ 1-7-2010).

Tuy nhiên, việc thực hiện phải có lộ trình để tránh tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Đây chính là lý do khiến Bộ TT&TT chưa đề nghị giảm giá cước nhằm cân đối lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ như Vietnamobile, Beeline, S-Fone, EVN Telecom và cả DN chưa hoạt động là Đông Dương Telecom, VTC.

Theo TS. Nguyễn Quang A, nên để cho các doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị được giảm giá cước; còn các doanh nghiệp nhỏ, đơn vị nào đủ sức cạnh tranh thì tồn tại, không đủ sức thì có thể bị "bật ra". Bộ TT&TT không nên nới lỏng các quy định quản lý và để tự thị trường điều phối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem