Trẻ bỏ ăn vì... thất tình
Có con gái đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận 1 - TPHCM, chị Hồng kể rằng một dạo đã thấy con là lạ, có nhiều thay đổi như thích làm đẹp, hay ngại ngùng, lén viết nhật ký cùng những hờn dỗi vô cớ. Lúc đầu chị nghĩ cháu tuổi “ương ương” có nhiều rắc rối về chuyện bạn bè trong lớp.
|
Học sinh tiểu học trong giờ tập thể dục |
Thế nhưng gần đây, cháu thường bỏ ăn, chẳng màng chuyện học hành… lại còn hay đóng cửa khóc. Vợ chồng chị lo lắng không hiểu có chuyện gì với con bé. “Tôi chỉ vỡ lẽ cho đến hôm, đi học về cháu hậm hực vào phòng ném hết chăn gối, sách vở khóc toáng lên: “Tại sao Hùng thích bạn Ân chứ không phải con?”.
Được mẹ vỗ về hỏi chuyện, cô con gái 12 tuổi mới nguôi ngoai bày tỏ nỗi lòng, đó là cháu và bạn Hùng trong lớp đã "yêu nhau" được hơn một tháng, tình cảm rất thắm thiết. Nhưng gần đây, Hùng không trò chuyện và cũng không… lén nhìn cháu trong giờ học nữa mà lại thân thiết với bạn Ân lớp bên cạnh.
Không kiềm chế được khi con mới “nứt mắt” đã yêu đương, chị quát tháo, mắng mỏ và bắt con không được nghĩ đến cậu bạn tên Hùng.
“Thế nhưng, tình hình chẳng thay đổi, vài hôm sau cháu càng suy sụp hơn vì nhận được lời chia tay chính thức của cậu kia. Cháu cũng chẳng kể thêm chuyện gì với mẹ. Nó còn bé, sao đã yêu đương dữ vậy?” - người mẹ lo lắng.
Không hiếm những tình huống các em học sinh ở tuổi thiếu nhi có biểu hiện tình cảm với bạn khác giới khá rõ như thường nhìn lén nhau, viết thư tỏ tình, thậm chí là hẹn hò. H.A, học sinh lớp 6 Trường THCS Vân Đồn (quận 4), cho hay lớp mình có hơn 40 bạn thì có phân nửa đã có người yêu.
“Các bạn thường viết thư chuyền trong lớp, tặng quà và hẹn nhau đi chơi, ít đôi còn hôn vào má nhau nữa… Giận dỗi nhau thì rất nhiều và một số bạn còn bị thất tình” - H.A. nói.
Cô bạn thân của H.A. bị “đá”, khóc lóc rất đau khổ. Khi thấy cậu bạn của mình đi chơi với người bạn khác thì chỉ muốn "chết quách cho xong".
Nhiều giáo viên tiểu học chia sẻ họ không khỏi lúng túng khi gặp tình huống học sinh “nhí” của mình thật tình kêu ca mỗi khi đến trường không nhìn thấy người bạn mà mình “thầm thương” thì không học được.
“Chúng tôi đã từng gặp trường hợp nữ sinh lớp 5 chặn đường cô bạn gái lớp bên cạnh chửi bới, đòi “dọa xử” vì tội dám… đi chơi với người yêu của mình” - cô giáo Thanh Hoa cho hay.
Theo cô Hoa, diễn biến tâm lý tình cảm của học sinh tuổi mới lớn rất phức tạp mà giáo viên do gánh quá nhiều công việc chuyên môn nên không có thời gian để chia sẻ với các em. Hơn nữa, chính giáo viên cũng bối rối trước những chuyện tình cảm các em. Không ít thầy cô lên tiếng dọa nạt, cảnh cáo làm các học sinh thêm xấu hổ, hoảng sợ.
Người lớn không được “phóng đại”
Bà Giang Thị Xuân Thu, chủ nhiệm CLB Cha mẹ học sinh trường Bồi dưỡng Văn hóa 218 Lý Tự Trọng, cho hay trong những buổi họp mặt, nhiều phụ huynh than thở chuyện con mình còn nhỏ nhưng đã sớm vướng vào chuyện tình cảm nam nữ. Khi đó, nhiều phụ huynh, giáo viên tỏ thái độ căng thẳng, mắng mỏ, quy kết trẻ hư hỏng, không lo học hành, mới "nứt mắt" đã bày đặt yêu đương…
Qua những cuộc tiếp xúc với các em học sinh, theo bà Thu, cảm xúc con trẻ là có thật, nếu người lớn phủ nhận tình cảm đó là cái sai của người lớn. Chính họ vì lo cho con mà nghiêm trọng hóa vấn đề nên ngăn cản, cấm đoán. Thật ra, PH nên “làm dịu” để bình thường hóa cảm xúc đó của con như nghe con tâm sự về chuyện tình cảm, mời các bạn của con về nhà chơi, PH cùng tạo sân chơi lành lạnh cho trẻ…
|
Trong sáng tình bạn tuổi học trò |
Bà Thu bày tỏ: “Khi người lớn phóng đại sự việc lên thì mọi thứ trong mắt trẻ càng trở nên nghiêm trọng và các em càng có những phản kháng vì cho rằng bố mẹ, thầy cô không hiểu mình. Có nhiều phụ huynh còn lớn tiếng với bố mẹ người bạn của con gây ức chế, bất mãn cho trẻ có thể dẫn đến nhưng hành vi tiêu cực”.
Trong khi đó, theo TS Vũ Gia Hiền, tình cảm nam nữ của học trò tuổi thiếu nhi là hoàn toàn bình thường, đúng với sự phát triển của các em theo cảm xúc giới tính qua các cấp độ thích - thương - yêu. Để giúp con vượt qua những giai đoạn khó khăn, chính phụ huynh phải hiểu rằng các em đang “thích”. Giờ thích bạn này, mai có thể thích bạn khác nên con gặp sự cố "buồn lòng" một chút cũng không phải là điều gì đó ghê gớm.
“Người lớn cần nhẹ nhàng chia sẻ với giúp con kiểm soát đúng trạng thái tình cảm “thích” của mình với những giới hạn nhất định. Còn nếu cấm đoán, ngăn cản, trẻ càng sớm lao vào yêu và khi đó hậu quả rất khó lường” - TS Vũ Gia Hiền nhấn mạnh.
Theo Dân Trí
Vui lòng nhập nội dung bình luận.