Cuối năm là mùa làm ăn, thế mà nhiều loại dịch bệnh khó chữa vẫn "không tha" người chăn nuôi

Nguyễn Vy Thứ năm, ngày 19/11/2020 17:40 PM (GMT+7)
Đến nay, ngành chăn nuôi cơ bản đã chủ động khống chế dịch tả lợn châu Phi và bệnh lở mồm long móng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ và diễn biến thời tiết cuối năm, nhất là để phục vụ thị trường dịp Tết, lại không cho phép người chăn nuôi chủ quan.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh như thế tại Hội nghị triển khai kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi  và bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025 tổ chức tại TP.HCM ngày 19/11.

Theo Cục Thú Y, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát sinh 1.409 ổ dịch tả lợn châu Phi. Trong đó có 496 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 kéo dài sang năm nay; 27 ổ dịch mới và 886 ổ dịch tái phát tại 50 tỉnh thành. Tính ra, tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 76.900 con, tương đương 3.845 tấn thịt.

Cuối năm, dịch bệnh vẫn thách thức ngành chăn nuôi - Ảnh 1.

Theo Cục Thú Y, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát sinh 1.409 ổ DTLCP

Theo TS Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y, thời gian qua dịch tả lợn châu Phi chủ yếu chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Nguyên nhân chính do mầm bệnh đã lưu hành rộng rãi trong quần thể, tồn tại trong môi trường các ổ dịch cũ. Thời tiết diễn biến phức tạp trên diện rộng làm giảm sức đề kháng của vật nuôi trong khi chưa có vaccine phòng bệnh.

Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, thậm chí tại một số địa phương vẫn con tồn tại phương thức chăn nuôi thả rông gây khó khăn trong chống dịch.

Tái phát từ ổ dịch cũ hoặc phát sinh tại các hộ tiếp giáp, gần với khu vực đã xảy ra dịch từ năm 2019. Lợn giống mua về không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thức ăn dư thừa còn được sử dụng cho chăn nuôi.

"Giá lợn hơi rất cao từ đầu năm đến nay nên người chăn nuôi tập trung tăng đàn, tái đàn trong điều kiện chăn nuôi có độ an toàn thấp, khó áp dụng các biện pháp phòng dịch bền vững" - TS Long nhấn mạnh.

Cuối năm, dịch bệnh vẫn thách thức ngành chăn nuôi - Ảnh 2.

Quy mô chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỷ lệ cao (Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Với công tác quản lý, việc kê khai tái đàn từ cấp xã vẫn chưa thực hiện tốt. Hệ thống thú y huyện không còn nên mạng lưới thú y cơ sở còn mỏng, khiến công tác giám sát và quản lý dịch bệnh chưa tốt.

Tính đến tháng 10 năm nay, tổng kinh phí đã chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phòng chống dịch ước tính trên cả nước là trên 13.000 tỷ đồng. Tuy dịch bệnh cơ bản đã được khống chế nhưng Cục Thú y nhận định, dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ tái phát và lan rộng trong thời gian tới.

Với bệnh lở mồm long móng, hiện cả nước chỉ có 13 ổ dịch tại 4 tỉnh. Như vậy tuyệt đại đa số (99,1%) trong tổng đàn gia súc 34 triệu con an toàn với bệnh này. Tương tự, gần 100% tổng đàn gia cầm 520 triệu con cả nước an toàn với bệnh cúm gia cầm.

Tuy nhiên, bệnh viêm da nổi cục xảy ra từ giữa tháng 10/2020 đến nay đã xảy ra ở 4 tỉnh đáng lo ngại. qua kiểm tra cho thấy, khả năng bệnh này đã xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương và cũng không loại trừ bệnh có thể đã xuất hiện ở những nơi khác nhưng chưa được phát hiện. 

Nguy cơ bệnh viêm da nổi cục lây lan diện rộng là rất cao. Đây là bệnh mới, từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cuối năm, dịch bệnh vẫn thách thức ngành chăn nuôi - Ảnh 3.

Việc chủ động phòng ngừa ở các hộ chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Thanh Hiểu

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong giai đoạn cuối năm, khi việc mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn tăng cao; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa càng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bùng phát. Việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi cùng các bệnh khác không được phép lơ là.

Riêng với bệnh dịch tả lợn châu Phi, lần đầu tiên ngành nông nghiệp có một kế hoạch phòng chống cấp quốc gia. Trước đó, chúng ta đã căn bản xây dựng được hệ sinh thái nghiên cứu, giám sát quá trình phòng chống dịch bệnh. Triển vọng có vaccine cho dịch tả lợn châu Phi vào năm 2021 là có khả năng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: "Tiềm năng của ngành chăn nuôi trong tái cơ cấu vẫn còn rất lớn. Giai đoạn mới cần tiếp tục có sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho tới người chăn nuôi, đặc biệt là vai trò quan trọng của ngành thú y từ Trung ương đến địa phương để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025". 

Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025 đặt mục tiêu cụ thể có trên 90% số xã không có bệnh dịch trong 2 năm; trên 95% số xã trong 2 năm tiếp theo và trên 99% trong 2 năm cuối.

Đồng thời xây dựng thành công ít nhất 500 cơ sở chăn nuôi và 50 chuỗi an toàn sinh học. 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% quy mô vừa và 80% quy mô nhỏ áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Công tác nghiên cứu tập trung xây dựng ít nhất 2 phòng thí nghiệm quốc gia đạt ATSH cấp độ III và nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem