Trên thực tế, giá cả hàng hóa vẫn khá ổn định, tính đến thời điểm này. Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam - doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart, cho biết, hiện giá hàng hóa phục vụ dịp Tết vẫn tương đối ổn định, chưa có dấu hiệu biến động khi giá xăng vừa điều chính tăng mạnh
Theo bà Hậu, nhu cầu mua sắm hàng Tết năm nay dự kiến sẽ tăng từ 10-20% so với cùng kỳ, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống có thể tăng tới 30%. Song, phía siêu thị Fivimart vẫn giữ mức giá ổn định như ngày thường.
Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc SaigonFood, cũng cho hay, công ty sẽ tiếp tục giữ giá các mặt hàng Tết như ngày thường mặc dù giá xăng đã tăng nhiều đợt. Song, theo bà Lâm, lần điều chỉ giá xăng tăng đến gần 1.000 đồng/lít có thể sẽ khiến người kinh doanh tăng giá hàng hóa và làm thị trường biến động.
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lại khẳng định hàng hóa Tết vẫn tăng mạnh dù giá xăng dầu không tăng.
Theo ông Phú, giá xăng dầu tăng mạnh chắc chắn sẽ tác động đến giá cả thị trường, nhưng thường phải sau khoảng 15 ngày mới thấy được sự tác động đó. Lần tăng giá xăng này cũng không phải ngoại lệ, nó sẽ kéo giá hàng hóa tăng lên khoảng 4-5% dù giá xăng dầu chỉ chiếm 20% giá thành sản xuất.
Tuy nhiên, ông Phú cũng cho rằng, giá xăng chỉ là một phần tác động rất nhỏ tới giá hàng hóa. Bởi, cả mấy chục năm nay, cứ đến thời điểm giáp Tết năm nào cũng vậy, các mặt hàng Tết đều đua nhau tăng giá.
Cụ thể, với hàng hóa bánh kẹo, bia rượu được điều phối bởi các doanh nghiệp sản xuất lớn thì giá chỉ tăng vài phần trăm so với ngày thường. Riêng các mặt hàng điều vị (mặt hàng tươi sống như thịt, cá, giò, chả, thủy sản, hoa quả,... ) giá đều tăng từ 15-30%.
“Những mặt hàng này phụ thuộc vào thời tiết mùa vụ, phụ thuộc vào nguồn cung. Cầu nhiều mà cung khan hiếm thì giá sẽ tăng cao ngất ngưởng và ngược lại”, ông Phú nói. Tết năm ngoái, thành phố Hà Nội nói có hơn 30.000 tấn rau xanh để bình ổn thị trường nhưng đến cuối cùng rau xanh vẫn tăng giá gấp 4 lần, thịt cá cũng đua nhau tăng mạnh.
Theo ghi nhận, trên thị trường, giá cả các loại hàng hóa thời điểm hiện tại vẫn tương đối ổn định. Song, tiểu thương tại hầu hết các chợ đều khẳng định, sang tới thời điểm nửa cuối tháng 12 âm lịch hàng hóa sẽ đồng loạt tăng. Còn tăng ở mức độ nào thị phụ thuộc vào mỗi mặt hàng.
Đơn cử như: mặt hàng thịt lợn giá thường tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, thủy sản, thịt giá cầm tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg tùy loại, hoa quả các loại tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg, cá biệt có mặt hàng chuối xanh, hoa tươi sẽ tăng giá mạnh, thậm chí sẽ tăng giá gấp đôi.
Đại diện các DN vận tải cho biêt giá xăng tăng thì cước vận tải cũng chưa tăng ngay được. Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nhận xét, giá xăng tăng song việc điều chỉnh giá cước cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh.
Vị này cho rằng, để quyết định tăng giá hay không, doanh nghiệp phải cộng các đợt tăng giá trong năm rồi trừ đi các đợt giảm giá, từ đó đưa ra con số chính xác giá xăng đã tăng, giảm bao nhiêu phần trăm. Sau đó, họ mới đưa ra quyết định điều chỉnh giá cước được. “Không phải xăng tăng là doanh nghiệp lập tức tăng giá cước vận tải ngay” - ông Bình khẳng định.
Đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, giá xăng tăng ngày 20.12 không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12 do đã ở cuối kỳ chốt chỉ số tính giá. Cho nên, nếu có tác động thì giá xăng sẽ tác động đến chỉ số giá cả hàng hóa tháng 1.2017.
B.Hân - L.Bằng (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.