Cướp lộng hành Sài Gòn và “bàn tay Phật Tổ”

Hoàng Linh Chủ nhật, ngày 13/03/2016 11:36 AM (GMT+7)
Sự bất an khi phải ra đường là một đặc thù đáng xấu hổ của TP.Hồ Chí Minh.
Bình luận 0

Mấy hôm nay mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh từ lâu vắng bóng,cảnh sát hình sự bắt cướp trên đường phố. Tính chất sống động, dữ dội, không dàn dựng do chính người dân chụp được gợi nhớ hình ảnh lừng lẫy một thời làm nên thương hiệu của cảnh sát hình sự: đội SBC (săn bắt cướp).Những bình luận cho thấy người dân hoan hô lực lượng công an và mong muốn sớm ngăn chận được nạn cướp giật hoành hành.

Thực tế ai cũng thấy, sự bất an khi phải ra đường là một đặc thù đáng xấu hổ của TP.HCM. Nếu bạn đi xe máy, bạn có thể bị giật túi xách, dây chuyền, điện thoại….còn nếu  đi trong xe ô tô thì cũng không yên, dây chuyền, điện thoại không bị mất nhưng có khả năng bạn sẽ mất tài sản đáng giá hơn khi bị “vặt lỗ tai”.

 Tôi và người bạn đi trên chiếc BWW X6 trên đường Cống Quỳnh, đến đoạn trước bệnh viện phụ sản Từ Dũ thì những người trên xe có cảm giác “chạm phải cái gì đó”. Anh lái xe quẹo phải về hướng Nguyễn Thị Minh Khai, táp vào lề:

-Nó bẻ hai kính chiếu hậu rồi!

 Anh bạn tôi bình tĩnh xuống xe, đến xe bánh mì, xe thuốc lá, chỗ vá bơm xe…hỏi gì đó rồi điện thoại. Lát sau anh lên xe:

-Kiếm cà phê uống, đợi tí nó mang lại trả.

 Gần một giờ sau có người bịt khẩu trang đi xe gắn máy đem 2 kính chiếu hậu tới:

-Bọn em lùng mãi mới mua được 2 quả gương hậu này…

 Anh bạn trao 10 triệu ngọt xớt và gọi lái  xe vào:

-Đúng 2 kính chiếu hậu của xe mình anh Hai ơi, em có làm dấu mà, nhìn là em nhận ra ngay.

 Bạn tôi đã đi nhiều dòng xe, nhiều lần bị cạy logo, bẻ kính chiếu hậu nên có kinh nghiệm.

img

Cướp giật lộng hành ở TP.HCM ngang nhiên, đặc biệt ở khu vực trung tâm.

Không ngờ chỉ vài ngày sau tôi cũng bị tương tự, giấy tờ quan trọng bỏ trong túi xách trong cốp xe máy bị cạy lấy sạch khi gửi xe đi vào 1 trung tâm thương mại. Tôi tự trách mình bất cẩn khi không chịu cho xe vào hầm gửi xe của trung tâm thương mại mà gửi bên ngoài.

Thay vì đi báo công an phường tôi tìm một giải pháp “vi diệu” hơn từ kinh nghiệm của ông bạn là đi “chuộc” lại. Cũng hỏi lòng vòng, cuối cùng một thằng nhóc đánh giày chủ động bước lại xin số điện thoại của tôi. Chưa tới mười phút sau có cuộc gọi.Thỏa thuận rất nhanh, 1 triệu đồng.

Tôi đứng tại chỗ chờ và thằng nhóc đánh giày mang giấy tờ đến giao, nhận tiền, không thấy túi xách:

-Đại ca nói túi xách của bác đẹp quá, tại xin giữ làm kỷ niệm. Lần sau bác có mất giấy tờ đại ca sẽ “bao” mấy quận, lấy 50% giá thôi.

 Tôi và người bạn đã chọn giải pháp thuận tiện, tiết kiệm cho mình nhưng trái pháp luật vì như thế cũng có nghĩa là tiếp tay cho tội phạm, chí ít là tội phạm trộm cắp, có tổ chức.

 Có vẻ như mỗi khu vực có vài băng nhóm hoạt động và có vẻ như chúng đều biết nhau?

 Người dân bình thường như tôi và bạn còn đoán định được như vậy nói gì đến công an địa phương nhưng tại sao nạn trộm cắp, cướp giật vẫn tồn tại ngang nhiên và kéo dài tại TP.HCM?

 Theo Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP.HCM, trong số 6.004 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong năm 2015, tội phạm xâm phạm tài sản (cướp giật, trộm cắp) vẫn xảy ra nhiều, chiếm tỷ lệ đến hơn 84%. Thực trạng này gây bất an, lo ngại trong nhân dân và du khách. Các vụ cướp giật, trộm cắp phần lớn phát sinh trong số thanh thiếu niên thất nghiệp, nghiện ma túy.

Riêng trên địa bàn trung tâm, theo đại tá Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Công an Q.1, trong số 345 vụ phạm pháp hình sự năm 2015 có đến 109 vụ cướp giật tài sản (chiếm tỷ lệ 31,59%), 177 vụ trộm cắp (51,3%); và trong số 109 vụ cướp giật tài sản có đến 55 vụ cướp giật tài sản của người nước ngoài.

Chính con số cũng biết nói, nó báo động về một tình hình mang dáng dấp thiếu kiên quyết trong đấu tranh chống tội phạm của cơ quan chức năng địa phương.

 Có người ví von rằng, các băng nhóm trộm cắp, cướp giật ngoài số ít mang yếu tố vãng lai, từ xa đến gây án còn lại đều ở tại chỗ hoặc hoạt động thường xuyên theo địa bàn. Công an phải biết thậm chí biết rõ như trong lòng bàn tay. Số phận của loại tội này cũng như Tề Thiên trong lòng bàn tay Phật Tổ mà thôi.

Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội do UBND TP.HCM tổ chức mới gần đây, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM phân tích rõ vai trò, trách nhiệm của công an và nhấn mạnh sẽ có biện pháp xử lý người đứng đầu nếu có biểu hiện đổ thừa cho dân hoặc vẫn để tội phạm tiếp tục xảy ra, không kéo giảm. Tướng Minh tiếp tục nhấn mạnh vẫn còn tình trạng nhà dân “khóa cửa vẫn mất” rồi công an lại đổ thừa “người dân mất cảnh giác” trong lúc đây chính là nhiệm vụ của công an.

Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Thành Phong cũng phát biểu như vậy:

-Chủ tịch các quận, huyện cũng là người phụ trách Đảng ủy cơ quan công an cùng cấp nên đòi hỏi phải có sự sát sao, quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống tội phạm. “Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải mang tính chất thường xuyên, quyết tâm cao; đừng có làm kiểu hình thức, đối phó. Chúng ta đến đây để xác định rõ trách nhiệm với nhau, thấy rõ trách nhiệm của nhau. Phải làm sao để bước ra khỏi hội trường này về là quyết tâm làm cho có hiệu quả. Bí thư Thành ủy cũng đã có chỉ đạo rồi, giờ chỉ còn bắt tay nhau mà làm để tội phạm không có đất sống”, ông Phong nói.

Vâng, trừ các loại tội phạm tiềm ẩn, tội phạm bộc phát…loại tội phạm mà chính như Công an TP.HCM công bố chiếm đến tỉ lệ 84% là tội xâm hại tài sản luôn hoạt động theo địa bàn, có nghĩa công an phải nắm được quy luật hoạt động hoặc nhân thân của chúng, cũng như Tề Thiên trong lòng bàn tay Phật Tổ mà thôi, cớ gì dẹp mãi không xong?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem