Bryan Underwood bị tuyên án vì tội phản quốc, cụ thể là toan bán các hình ảnh cùng các thông tin mật khác cho Bộ An ninh TQ. Trước khi tuyên án, bà Huvelle nói đến những trở ngại mà Bryan phải vượt qua - gồm vấn đề sức khỏe tâm thần cùng kế hoạch bán thông tin mật “rất dở hơi” của hắn. Bà nói: “Đây là vụ phản quốc dở hơi nhất mà tôi từng được nghe”. Vì sao?
|
Bị cáo Bryan Underwood |
Mất tiền vì chơi chứng khoán
Theo cáo trạng, Bryan từng là một bảo vệ dân sự Mỹ có mức bảo đảm an ninh cao (CAG) từ tháng 11.2009 đến tháng 8.2011. Nhiệm vụ của hắn gồm ngăn chặn các chính phủ nước ngoài chiếm đoạt các thông tin nhạy cảm hoặc được xếp diện “mật” của lãnh sự quán Mỹ ở Quảng Châu vốn lúc đó chưa xây xong. Hắn thường nhận hướng dẫn về cách xử lý và bảo vệ thông tin mật và các quy định an ninh của lãnh sự quán, gồm cấm chụp ảnh một số khu vực của lãnh sự quán. Hồi tháng 2.2011, Bryan được cơ quan an ninh yêu cầu giúp một dự án tại công trường và hắn đồng ý.
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) nói do hắn chơi chứng khoán hồi tháng 3 và 4.2011 nhưng bị mất gần 160.000USD nên hy vọng việc bán được lô ảnh những khu vực “không phận sự miễn vào” và cách tiếp cận công trình trụ sở lãnh sự quán Mỹ đang xây dở với giá từ 3 - 5 triệu USD. Hắn tính lợi dụng sự giúp đỡ cơ quan an ninh trên làm vỏ bọc để có thể liên lạc với chính quyền TQ, và nếu phía Mỹ phát hiện, hắn khai man rằng đang hỗ trợ cơ quan này.
Hắn còn viết một lá thư gởi Bộ An ninh TQ (MSS) bày tỏ ý nguyện được tổ chức một cuộc thỏa thuận “làm ăn”. Thư viết: “Tôi biết tôi có những thông tin và kỹ năng có thể có ích cho mục tiêu hoạt động của quý cơ quan. Và tôi biết quý cơ quan có thể hỗ trợ tài chính cho tôi”. Theo cáo trạng, Bryan toan gửi lá thư đến MSS ở Quảng Châu nhưng bị người gác cổng từ chối nhận thư. Sau đó Bryan để lá thư mở ngỏ trong căn hộ của hắn, hy vọng MSS sẽ tìm thấy vì hắn tin MSS thường lục soát lén nơi ở của người Mỹ.
Tháng 5.2011, Bryan lén đem máy ảnh vào lãnh sự quán đã xây xong và chụp ảnh một tòa nhà hạn chế người lui tới. Hắn dự tính sẽ sử dụng các ảnh này để giúp phía TQ nghe lén các quan chức Mỹ. Một chuyên gia của Vụ An ninh ngoại giao (thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) sau này xem các ảnh chụp, đã nhận xét các ảnh hắn chụp thuộc diện “mật”, để mất thì có thể gây tác hại nghiêm trọng cho Mỹ.
|
Lễ động thổ công trình xây dựng trụ sở lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu ngày 26-10-2009 |
Vụ chụp ảnh bị lộ, Cục Cảnh sát liên bang (FBI) thẩm vấn Bryan nhiều lần, hắn thừa nhận có tìm cách gặp MSS nhưng khai man rằng hắn làm thế để giúp một cơ quan an ninh Mỹ. Ngày 19.8.2011, hắn thú nhận kế hoạch bán ảnh, thông tin mật và cách tiếp cận lãnh sự quán cho MSS để có tiền. Ngày 31.8.2011, hắn bị buộc tội khai man và bị FBI bắt ngày 1.9.2011 nhưng sau đó được thả, với điều kiện không được rời khỏi Washington D.C (thủ đô Mỹ).
Đến ngày 21.9 năm ấy, hắn không trình diện tại một phiên tòa, thay vào đó để lại một lá thư báo tự tử giả trong phòng khách sạn, rồi hắn mua một xe đạp, nón bảo hiểm và nhiều món ăn nạp năng lượng để đi trốn. Hắn cũng đón xe đò đi xuống bang Califfornia. FBI sau đó phát hiện Bryan trong một khách sạn ở Los Angeles với 10.000USD tiền mặt và 80.000 yen (tiền Nhật Bản) và bắt hắn vào ngày 24.9.2011.
Ngày 30.8.2012, hắn đã bị buộc một tội danh “âm mưu tuồn thông tin quốc phòng cho một chính phủ nước ngoài”. Mức án tối đa của tội này là tù chung thân và phải nộp phạt số tiền tối đa 250.000USD. Lisa Monaco, lãnh đạo đơn vị an ninh quốc gia thuộc DOJ, nói: “Underwood phản bội sự tín nhiệm của quốc gia, bằng cách toan bán cách tiếp cận những khu vực an ninh của một lãnh sự quán Mỹ mà hắn được giao nhiệm vụ bảo vệ.
Vụ án này cho thấy chúng tôi rất đề cao cảnh giác trong việc bảo vệ bí mật quốc gia, đưa ra công lý những kẻ toan phá hoại bí mật quốc gia”. Chưởng lý Ronald Machen nói: “Tiếp cận thông tin mật là một trách nhiệm đặc biệt, cần phải được tôn trọng, không thể là một cơ hội tài chính để tranh thủ”. FBI nói Bryan toan phản bội tổ quốc bằng cách lợi dụng quyền tiếp cận thông tin mật để thủ lợi. May mắn là hắn bị bắt trước khi thông tin mật lọt vào tay địch. Cùng với các cơ quan khác, FBI sẽ tiếp tục nỗ lực chống lại các hành vi gián điệp đe dọa an ninh quốc gia”.
“Suy nghĩ quá ư ngớ ngẩn”
DOJ nêu các hành vi của hắn có thể tác hại đến an ninh quốc gia, và họ đề xuất Tòa án tối cao tuyên án 17 năm và 7 tháng tù, vì theo hướng dẫn án phạt cấp liên bang, Bryan phải đối mặt với bản án từ 15 - 20 năm tù. Nhưng nữ chánh án Huvelle quyết định không ban mức án dài. Bà nêu lý do Bryan “có vấn đề về tâm thần”, hắn đã phải trải qua thời thơ ấu bị bố mẹ nghiện rượu ra tay bạo hành: cha hắn từng nhiều lần muốn giết hắn (theo luật sư bào chữa Erich C. Ferrari), từng phục vụ lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và từng tham chiến ở chiến trường Iraq. Bên cạnh đó, Bryan chưa thật sự gây tác hại vì chưa thể tiếp xúc với quan chức TQ nào, khiến chưa thể nắm rõ cụ thể kế hoạch của hắn đến mức nào.
Nữ chánh án Huvelle nói bà cũng nhắc hai lần rằng Bryan trước khi phạm tội đã “từng sống mẫu mực”, và đã tốt nghiệp đại học. Bà cảm thấy tiếc vì bản lý lịch “sạch” đã có thể giúp Bryan có được việc làm tại lãnh sự quán Mỹ. Bà so sánh việc hắn không thể đưa lá thư “xin việc” ở Bộ An ninh TQ với việc một kẻ không nhà cửa muốn bước vào một ngân hàng: “Tôi chẳng bất ngờ vì bị cáo không nghĩ nghiêm túc về việc đó”. Bà khẳng định Bryan chẳng có lý tưởng phục vụ đất nước TQ, cũng không tham lam, mà chỉ vì hắn muốn tự cứu mình khỏi một trục trặc tài chính: “Bị cáo không suy nghĩ nghiêm túc. Bị cáo đã có một suy nghĩ thật ngớ ngẩn”.
Một khi mãn án tù, Bryan sẽ còn phải chịu sự giám sát trong hai năm. Trước tòa, Bryan òa khóc và nói với bà chánh án trước khi nghe tuyên án, rằng hắn bị bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, và bệnh này càng nặng khi hắn đăng lính vào lực lượng lính thủy đánh bộ. Trong bộ quần áo cam dành cho tù phạm, Bryan 32 tuổi nói hắn sẽ khỏe hơn khi ở tù vì sẽ có sự giúp đỡ của nhân viên y tế trong trạm xá nhà tù. Và hắn hứa “sẽ trở thành con người mới” khi mãn án. Hắn nói: “Tôi xin lỗi vì đã làm mất thể diện quốc gia”.
Các luật sư bào chữa trước đó nói Bryan là “một người đàn ông khiêm nhu và đã ăn năn”, đề nghị tòa chỉ tuyên án 5 năm tù. Luật sư Ferrari nói Bryan hành động không tỉnh táo vì đang phải chịu sức ép do tình hình tài chính eo hẹp, chứ “Thân chủ của chúng tôi không phải điệp viên bậc thầy”.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.