Cựu binh biên giới 40 năm coi sóc mộ đồng đội

Hoàng Táo Thứ sáu, ngày 26/07/2019 11:12 AM (GMT+7)
Suốt 40 năm qua, ông Thành ngày nào cũng đến nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng (Quảng Trị) để quét dọn, hương khói cho các phần mộ.
Bình luận 0

Xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng) có nghĩa trang liệt sĩ cấp xã lớn nhất tỉnh Quảng Trị với hơn 2.100 ngôi mộ, trong đó có 1.997 ngôi có tên tuổi, quê quán, 150 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Cựu chiến binh Hồ Xuân Thành (62 tuổi) là người duy nhất chăm sóc những phần mộ trong nghĩa trang này suốt 40 năm qua với mức thù lao 200.000 đồng mỗi tháng. 

Ông Thành kể việc coi sóc các phần mộ liệt sĩ đến với ông như một cơ duyên, vào khoảng năm 1988-1989, các đơn vị quân đội bàn giao hơn 2.000 ngôi mộ liệt sĩ cho xã Hải Thượng quản lý. Bấy giờ, nghĩa trang này nằm sát quốc lộ 1A, các phần mộ đều đắp bằng đất, xung quanh không có tường rào hay cửa cổng, cỏ dại mọc um tùm và thường bị trâu bò của dân vào phá. Bấy giờ, thấy ông Hồ Xuân Thành thường lui tới nghĩa trang để thắp hương cho chị gái nên xã vận động ông nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Thù lao thời ấy là ba tạ thóc mỗi năm. "Tôi chỉ nghĩ chăm sóc một thời gian rồi xã tìm người khác, ai ngờ gắn bó đến bây giờ", ông Thành nhớ lại. 

img

Người cựu binh ở hai chiến trường biên giới có 40 năm gắn bó với việc quản trang ở nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng. Ảnh: Hoàng Táo.

Cựu chiến binh Hồ Xuân Thành nhập ngũ năm 1977, thuộc biên chế Sư đoàn 304 Binh đoàn Hương Giang tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Năm 1979, đơn vị ông được điều động ra chiến trường biên giới phía Bắc. Năm 1981, ông ra quân rồi về lại quê hương Hải Thượng.

Lúc mới nhận chăm sóc, các phần mộ còn sơ sài, nhiều khi bị trâu bò hay gió thổi bay mất nên ngày nào ông Thành cũng phải lên kiểm tra, phát cỏ, đắp sửa lại các ngôi mộ. Thời ấy, đất nước đang khó khăn nên rất ít người đến thăm nghĩa trang liệt sĩ. Cuộc sống trông vào ruộng vườn của người cựu binh cũng không lấy gì làm dư dả, dù vậy các dịp rằm và đầu tháng âm lịch, ông vẫn đều đặn lên thắp hương đủ các phần mộ.

Năm 1991, nghĩa trang chuyển về địa điểm mới, xây dựng khang trang, hạ tầng dần hoàn thiện, ông Thành đi nhiều nơi xin từng cây bàng, cây phượng, phi lao về trồng lấy bóng mát, xin hoa về trồng tạo cảnh quan. Nhiều ngày gió Lào bỏng rát, ông gánh từng xô nước để tưới cho cây. Cứ tận tình và cần mẫn như vậy, người cựu chiến binh này đã biến nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng thành một khu vực rợp bóng mát, xanh như công viên.

40 năm gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ xã, ông Thành nhớ rõ từng ngôi mộ, từng dòng tên của hơn 2.000 liệt sĩ. Gia đình thân nhân liệt sĩ đến đây, chỉ cần đọc tên tuổi, đơn vị, ông Thành sẽ đón và chỉ dẫn đến tận nơi. 

Những năm sau này, xã không còn trả thù lao bằng thóc nữa, ông Thành được hỗ trợ 2,4 triệu đồng tiền coi sóc nghĩa trang. Ông nói số tiền này như là khoản động viên, chứ ông không đòi hỏi, vì đây là nghĩa cử với đồng đội. Từng ấy năm làm quản trang, không ít người ngỏ ý biếu tiền để nhờ ông "chăm sóc thêm" cho phần mộ của gia đình họ nhưng ông một mực không nhận. "Nhà nào nhiệt tình lắm thì tôi chỉ nhận gói chè, chứ tuyệt nhiên không nhận tiền", ông Thành kể.

Chủ tịch xã Hải Thượng Lê Ngọc Anh nói: "Ông Thành rất tận tâm, nhiệt tình và sẵn sàng hỗ trợ các gia đình liệt sĩ nếu họ cần nhờ vả". Hiện, nhà nước không có chế độ hỗ trợ cho quản trang ở các nghĩa trang liệt sĩ cấp xã huyện, nên khoản tiền ông Thành nhận là từ ngân sách xã Hải Thượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem