Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có liên quan tới vụ án Nhàn AIC vừa bị đề nghị truy tố hay không?
Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn có liên quan tới vụ án Nhàn AIC vừa bị đề nghị truy tố hay không?
Gia Bình
Chủ nhật, ngày 20/10/2024 08:55 AM (GMT+7)
Có lời khai thể hiện ông Trương Minh Tuấn khi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo cho Công ty AIC trúng thầu, nhưng không có căn cứ chứng minh. Cảnh sát cũng chưa làm rõ được Nguyễn Thị Thanh Nhàn có từng “chi phối” Bộ Thông tin Truyền thông hay không.
Trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin Truyền thông, cảnh sát đề nghị Viện kiểm sát truy tố 13 người.
Trong số đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC (đang bỏ trốn, đã bị tuyên vắng mặt 30 năm tù trong 3 vụ án khác) và Nguyễn Trọng Đường, cựu Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Thông tin Truyền thông, cựu Giám đốc VNCERT.
Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong phiên tòa xét xử vụ án tại Mobifone năm 2019.
Kết luận thể hiện, khi Bộ Thông tin Truyền thông thực hiện "Dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin trên mạng" (Dự án), ông Trương Minh Tuấn làm Bộ trưởng.
Dự án được giao VNCERT làm chủ đầu tư nên Nguyễn Thị Thanh Nhàn cử nhân viên phối hợp với cơ quan này trong việc xây dựng hồ sơ thầu. Các bị can sau đó thông thầu, dùng "quân xanh, quân đỏ" đấu thầu để Công ty AIC trúng với giá cao, gây thiệt hại hơn 17 tỷ đồng cho ngân sách.
Quá trình điều tra, Nguyễn Trọng Đường có lời khai thể hiện năm 2016, được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo gặp ông Nguyễn Ngọc Duyên – khi đó là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Thông tin Truyền thông, hướng dẫn thủ tục để lập và triển khai Dự án.
Qua gặp gỡ, bị can Đường hiểu Công ty AIC sẽ là đơn vị cung cấp thiết bị cho Dự án nên chỉ đạo người trong VNCERT phối hợp cùng nhân viên AIC xây dựng danh mục trên cơ sở trang thiết bị hiện có với tổng mức dưới 100 tỷ đồng. Các phương án giá đầu ra và thiết bị hoàn chỉnh do vậy được xây dựng theo hướng "đảm bảo lợi nhuận cho Công ty AIC".
Ông Trương Minh Tuấn khai giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông trong giai đoạn 2016 – 2019 và có quen biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ Công ty AIC. Tuy vậy, ông khẳng định không chỉ đạo Nguyễn Trọng Đường phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia xây dựng Dự án, đấu thầu rồi trúng thầu tại VNCERT.
Ông Nguyễn Ngọc Duyên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, có lời khai thể hiện được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo rà soát nhu cầu đầu tư của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin Truyền thông để tập hợp, đề xuất Bộ Tài chính bổ sung nguồn vốn năm 2016.
Ông Duyên sau đó tham mưu cho ông Trương Minh Tuấn ký đề xuất cấp bổ sung vốn thực hiện dự án là 95 tỷ đồng trên cơ sở đề xuất từ VNCERT. Quá trình này, ông Duyên không tiếp xúc hoặc nhận chỉ đạo gì liên quan Công ty AIC.
Cơ quan điều tra cho rằng, dù Nguyễn Trọng Đường có lời khai về việc "hiểu ý" ông Trương Minh Tuấn chỉ đạo VNCERT cho Công ty AIC trúng thầu Dự án nhưng không có tài liệu nào khác chứng minh. Do vậy, chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với ông Tuấn trong vụ án này.
Vụ án cũng có dấu hiệu vi phạm về phân bổ vốn cho Dự án. Việc này xảy ra trong giai đoạn phê duyệt Dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đấu thầu.
Tuy nhiên, đối tượng chính chỉ đạo triển khai trong giai đoạn làm thất thoát tài sản là Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn. Cảnh sát do vậy chưa thể làm rõ được có hay không hành vi "tiêu cực, chi phối" Bộ Thông tin Truyền thông trong việc đề xuất xin vốn. Khi bắt được Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ việc này.
Liên quan ông Trương Minh Tuấn, năm 2019, vị cựu Bộ trưởng đã bị phạt 14 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.