Cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà khi sống "oanh liệt”, cuối đời lao lý

PV Thứ năm, ngày 18/07/2019 15:00 PM (GMT+7)
Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV từng được coi là "linh hồn" của nhà băng này với 35 năm gắn bó. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà cũng đã có không ít sai phạm nghiêm trọng về hoạt động cho vay. Đây cũng là lý do đẩy ông Trần Bắc Hà vào vòng lao lý kể từ cuối năm 2018. Hôm nay, thông tin ông Trần Bắc Hà tử vong cũng đã được các cơ quan liên quan xác nhận.
Bình luận 0

Theo nguồn tin của Dân Việt, ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tử vong trên đường đến bệnh viện Quân y 105 sau hơn 7 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Được biết, ông Trần Bắc Hà bị bệnh ung thư gan nhiều năm nay và từng chữa trị ở nước ngoài.

Ông Trần Bắc Hà sinh ngày 19/8/1956 tại Ân Thanh, Hoài Ân, Bình Định. Ông Hà bắt đầu vào làm việc tại BIDV vào tháng 2/1981. Sau 10 năm công tác, tháng 7/1991 ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định khi vừa tròn 35 tuổi.

Tháng 10/1999, ông là Phó tổng giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV. Ngày 19/8/2016, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Như vậy, tính đến khi nghỉ hưu, ông Trần Bắc Hà đã có 35 năm công tác tại BIDV và 8 năm 8 tháng giữ chức Chủ tịch HĐQT của BIDV.

img

Dấu ấn sâu đậm nhất của ông Trần Bắc Hà đầu tiên phải kể đến công lao của ông trong việc niêm yết BIDV lên sàn chứng khoán. Từ khi ông Trần Bắc Hà bắt đầu làm Chủ tịch BIDV, ngân hàng này đã có những sự thay đổi to lớn, trong đó có việc sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB).

Trước đó, trong hai ngày 23-24/5/2015, BIDV đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của Hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo đúng nhận diện của BIDV. Từ ngày 25/5/2015, toàn bộ các chi nhánh của MHB hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV.

img

Năm 2013, thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt từng làm xôn xao dư luận hồi bấy giờ và khiến cho thị trường chứng khoán một phen chao đảo. Thị trường chứng khoán khi đó giảm mạnh, gần 34.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD) đã “bốc hơi” do vốn hóa hai sàn Hà Nội, TP.HCM giảm.

Qua gần 4 tháng điều tra, Tổng cục An ninh II - Bộ Công An đã tìm ra 3 người (42 tuổi, 38 tuổi và 33 tuổi, công tác tại TP.HCM và Hà Nội) tung tin đồn. Ba người này là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia đầu tư chứng khoán, tuy không có mục đích phá hoại nhưng có động cơ vụ lợi về kinh tế.

Năm 2017, tin đồn ông Hà bị bắt lại rộ lên sau khi nội dung kết luận điều tra của Bộ Công an cho thấy ông có ký duyệt cho vay đối với Ngân hàng Xây Dựng. Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Hà nói vẫn bình thường.

Tuy nhiên, ngày 29/11/2018, tin đồn đã chính thức thành sự thật khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà vì có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu từ và phát triển Việt Nam (BIDV).

img

Trước đó, tại kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (cuối tháng 6.2018), cơ quan này thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV do có nhiều vi phạm được Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định "rất nghiêm trọng", trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ liên quan vụ án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, Ủy ban Kiểm tra trung ương nhấn mạnh là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Chưa hết, tháng 1/2019, ông Trần Bắc Hà tiếp tục bị khởi tố bổ sung về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Hà bị cáo buộc có sai phạm liên quan việc phê duyệt, cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.

Tính đến tháng 6 năm 2018, tổng giá trị tài sản của gia đình Trần Bắc Hà tại Lào là gần 15000 tỷ đồng. Tài sản đứng tên cá nhân hay doanh nghiệp ở thành phố Quy Nhơn liên quan đến gia đình ông Hà đã bị phong tỏa để phục vụ điều tra.

Cuối tháng 3/2019, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng, 34 tuổi, chủ tịch HĐQT Công ty CP An Phú, trụ sở tại TP Quy Nhơn, Bình Định, cũng bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem