Cựu nhà báo nghèo và chiếc cần câu cơm cho nghệ sĩ khốn khó
Cựu nhà báo nghèo và chiếc cần câu cơm cho nghệ sĩ khốn khó
Nguyễn Huy
Thứ sáu, ngày 23/09/2022 14:06 PM (GMT+7)
Anh tên Trần Đại Phú, một cái tên đẹp và tươi sáng theo nghĩa giàu có. Thế nhưng anh lại nổi tiếng với bút danh Khổ Gia Trường, cái tên tạo cảm giác quá khổ sở và bất hạnh.
Quả thật, cái tên vận vào cuộc đời khi anh sống bềnh bồng nay đây mai đó kiểu lãng tử, đầu đầy thơ nhưng túi tiền luôn rỗng. Vậy nhưng, anh đã làm được một việc mà không phải ai cũng có thể làm - là nhịp cầu nối với nghệ sĩ có điều kiện để giúp nghệ sĩ nghèo có chiếc cần câu mưu sinh.
Bỏ ngành kỹ thuật theo cải lương
Trần Đại Phú có bên ngoại gốc Huế, bên nội Phú Yên và anh sinh ra và lớn lên tại quê hương của nội. Hết trung học, anh thi đậu vào khoa Kỹ sư điện Trường Đại học kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn (sau 1975 đổi tên thành Đại học Bách khoa). Lúc đó, vì gia cảnh nghèo, anh một buổi đi học, một buổi đi dạy mưu sinh. Trong hành trình ấy, anh bị hấp dẫn bởi nghề báo và tự học hỏi phương cách viết báo. Anh đã cộng tác cho nhiều tờ báo tuổi học trò.
Cái duyên tình cờ đưa anh đến với nghệ thuật cải lương, bị hút hồn anh lao theo say mê tìm hiểu. Sau 1975, anh bỏ hẳn kỹ thuật để theo đuổi nghề báo. Anh viết giỏi cả 2 mảng bóng đá và cải lương, nhưng với cải lương, anh có một cơ duyên sâu đậm hơn.
Vào những năm 1985, anh chia tay với người vợ đầu. Buồn, anh lang thang theo các đoàn cải lương tỉnh lẻ. Tại đó, anh phụ làm tất cả các việc và tiếp xúc trực tiếp các thầy đờn và thầy tuồng, nhờ vậy anh rành rẽ các bài bản cải lương hơn cả nghệ sĩ lâu năm. Tận dụng tài viết lách và kiến thức tích lũy trước đó, khởi đầu anh viết tuồng.
Dần dần, anh làm đạo diễn dàn dựng. Anh ăn cơm tổ nghiệp cải lương suốt một thời gian dà, và đó là lý do anh biết và quen thân tất cả các nghệ sĩ từ đoàn nhỏ đến đoàn lớn, kể cả những người mà ngày nay nhắc tên không ai còn nhớ đến.
Sau thời gian lang bạt kỳ hồ, anh trở về Sài Gòn tham gia thành lập báo Sân khấu vào năm 1988. Anh cống hiến cho tờ báo từ vị trí phóng viên lên đến Tổng thư ký tòa soạn. Trong thời gian ấy, anh là người tổ chức bài vở cho báo và nhờ kiến thức cải lương sâu rộng, anh được mời vào vị trí giám khảo rất nhiều cuộc thi cải lương. Vị trí được tôn trọng là Chủ tịch Hội đồng giám khảo báo chí cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức.
Vào năm 2022, tờ báo tan rã, anh là người còn ở lại đến phút sau cùng. Anh thành lập tờ Tin sân khấu online cập nhật nhiều hoạt động của nghệ sĩ cải lương cho đến nay.
Lá rách đùm lá nát
Hồi còn làm cho báo Sân khấu, Khổ Gia Trường ở luôn trong tòa soạn báo. Anh không có nhà vì thu nhập ít mà còn lang bạt và hay giúp người. Sau khi báo Sân khấu đóng cửa, anh về tá túc tại Chùa Nghệ Sĩ. Ở đó, anh điều hành tờ Tin Sân khấu online và nghe ngóng tình hình của anh em nghệ sĩ nghèo, neo đơn.
Mùa dịch Covid-19 ập tới, anh em nghệ sĩ kẹt cứng vì đa số ngày nào có làm mới có ăn, không làm là đói. Hơn ai hết, Khổ Gia Trường hiểu điều đó, anh tìm mọi cách len lỏi ra ngoài giúp anh em. Anh đã kêu gọi NSND Lệ Thủy phát tiền và thực phẩm cho hàng trăm nghệ sĩ và hậu đài tại trước cổng sân khấu 5B suốt 9 tuần lễ. Sau đó, dời qua bên hông nhà hát Hòa Bình.
Khi các nghệ sĩ mắc Covid-19 phải điều trị tại nhà, anh đã mang thuốc của lương y Lâm Đức, chồng nghệ sĩ Cẩm Tiên phát cho hàng trăm gia đình, mặc dù lúc đó anh đang mắc bệnh suy tim nặng. Vào dịp Tết năm 2022, anh cũng đã tổ chức phát quà và tiền cho hằng trăm gia đình nghệ sĩ, hậu đài đang khó khăn.
Cơn đại dịch qua đi, xã hội trở lại bình thường, nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn khổ. Khổ Gia Trường kêu gọi các nghệ sĩ có điều kiện thực hiện chương trình tên "Cần câu cơm nghệ sĩ". Theo đó, mỗi lần, anh sẽ đề cử một nghệ sĩ nghèo cần giúp đỡ. Anh em nghệ sĩ có điều kiện hơn sẽ góp tiền. Địa điểm trao tiền diễn ra tại cà phê Nhớ Kỷ Niệm của danh hài Hồng Tơ. Số tiền giúp đỡ này sẽ cho nghệ sĩ được nhận làm vốn mưu sinh.
Đến nay họ đã giúp được 17 người. Trong đó, có 2 nghệ sĩ được giúp xe gắn máy để chạy xe ôm hoặc làm phương tiện đi diễn. Phần còn lại giúp vốn bán vé số, bán bánh mì hoặc bán thức ăn sáng. Vài nghệ sĩ được giúp đỡ, có đồng vô đồng ra, góp tiền giúp cho người kế tiếp.
Nói về chương trình này, danh hài Hữu Nghĩa bộc bạch: "Tôi đã được mời trao quà cho nghệ sĩ nên nhận ra đây là một chương trình ý nghĩa. Có quá nhiều nghệ sĩ đang khốn khó mà ngay cả chính tôi, người lâu năm trong nghề cũng không biết hết. Khi họ được giúp số vốn, họ xoay trở kiếm được miếng ăn qua ngày thì đó là niềm hạnh phúc.
Thú thật, ngay như tôi hiện tại vẫn còn làm được, vẫn không chắc chắn mai này mình sẽ ra sao, bởi vì, nghệ sĩ đâu có giỏi làm việc gì khác ngoài nghề diễn. Hết tuổi là hết được mời trong lúc tuổi cao bệnh tật đến. Có chiếc cần câu cơm này, dù không to lớn, nhưng được lắm".
Vào ngày 22/9, chương trình tặng tiền cho nghệ sĩ hài Vũ Quang đang bán thân bất toại nhiều năm qua. Hiện nghệ sĩ Vũ Quang đang dưỡng bệnh tại Bến Tre, người nhà anh nhận thay. Lần tặng này không phải giúp vốn làm ăn mà là tặng tiền thang thuốc. Tuy được gọi tên là " cần câu cơm" nhưng người làm chương trình cũng khá linh hoạt. Với nhiều trường hợp sức khỏe yếu kém, không thể hoạt động thì tiền và quà xem như cứu đói, chữa cháy ngắn hạn.
Khổ Gia Trường năm nay đã 71 tuổi. Anh sống cô độc một mình tại Chùa Nghệ Sĩ và đang mang nhiều chứng bệnh, trong đó có suy tim. Dẫu vậy, anh thấy rất hạnh phúc trong tinh thần tương trợ "lá rách đùm lá nát". Anh quan niệm đó là cách để anh có thể tri ơn tổ nghiệp cải lương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.