Rời quân ngũ năm 1996, anh Hoan về quê lấy vợ rồi làm công nhân cho Nông trường trồng tiêu Tân Lâm đóng trên địa bàn huyện Cam Lộ. Công việc cực nhọc, mô hình quản lý yếu kém nên thu nhập của người lao động chẳng đáng là bao.
Anh Nguyễn Ngọc Hoan chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: Ngọc Vũ
Năm 1997, anh Hoan quyết định rời nông trường về nhà làm kinh tế hộ. Đất đai ngày ấy bao la nhưng vốn liếng, máy móc không có. Vợ chồng anh Hoan tay rựa tay cuốc khai hoang được 5ha đất đồi để trồng tràm. Cây bụi khai hoang vợ chồng anh thu nhặt đem bán để có tiền đong gạo và dành dụm được một ít mua 2 con lợn giống.
Nhờ “mát tay”, chỉ vài năm sau anh Hoan có đàn lợn trên 50 con. Có vốn dắt lưng, năm 2011 anh Hoan quyết định vay thêm vốn ngân hàng xây dựng trại nuôi lợn quy mô lớn, khép kín. Hiện nay, anh nuôi thường xuyên 40 lợn nái sinh sản. Mỗi năm 4 lứa, anh Hoan xuất bán trên 800 con lợn thịt, lãi khoảng 400 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Hoan còn nuôi thêm đàn bò sinh sản, dê, gà, vịt…Những loại vật nuôi này giúp anh có thêm thu nhập, cung cấp phân chuồng bón cho 300 gốc tiêu trong vườn, khoai môn, gừng... Riêng 300 gốc tiêu cho anh Hoan khoản lãi hơn 40 triệu đồng/năm.
Ở vùng Cùa đất đai rộng lớn, người dân trồng sắn, khoai nhiều nhưng đầu ra hạn chế. Anh Hoan quyết định mua xe tải để thu mua nông sản giúp nông dân. Ngoài ra, anh còn làm đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cho bà con trong xã. Để giúp bà con trong xã cùng làm giàu, năm 2014 anh Hoan đề xuất ý tưởng rồi thành lập Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết gồm 8 thành viên, do anh làm giám đốc.
“Thành lập HTX sẽ mang lại lợi ích lớn cho người chăn nuôi, đặc biệt HTX đã có sự liên kết 4 nhà, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, được nhà nước quan tâm, hỗ trợ…” – anh Hoan chia sẻ. Hiện nay, HTX đang triển khai xây dựng mô hình trang trại khép kín chăn nuôi lợn công nghiệp với số lượng 300 nái sinh sản và 3.000 lợn thịt/lứa, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.