Đã có 68% hợp tác xã làm điều này để bán hàng trực tuyến
Đã có 68% hợp tác xã làm điều này để bán hàng trực tuyến
Khánh Nguyên
Thứ sáu, ngày 30/09/2022 11:08 AM (GMT+7)
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thị trường là một trong những giải pháp thúc đẩy các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác phát triển.
Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó, 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp. Hầu hết các HTX, liên hiệp HTX thành lập mới từ sau Luật HTX năm 2012 đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, nhiều HTX chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất; nhiều HTX tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường.
Kết quả khảo sát cho thấy, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số do tỷ lệ và hiệu quả chuyển đổi số chưa cao, chưa bền vững trong nhiều loại hình ngành nghề hoạt động và địa bàn hoạt động của HTX.
Cụ thể, trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm.
Ông Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch HĐQT HTX Sunfood Đà Lạt cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi số của HTX vẫn đang gặp không ít khó khăn do khả năng vốn hạn hẹp. HTX chỉ có thể làm mô hình mẫu trên khu vực sản xuất tập trung, từ đó dẫn đến quá trình chuyển đổi số không đồng bộ, hạn chế hiệu quả đầu tư.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị Nhà nước có thể đầu tư, xây dựng một nền tảng hệ sinh thái số dùng chung cho các HTX để hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, giúp HTX tận dụng, tiếp cận đúng hướng, nhanh và hiệu quả hơn với quá trình chuyển đổi số.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thạch bày tỏ mong muốn HTX ít nhất cũng phải được hỗ trợ như doanh nghiệp. Bởi theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê các giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ tối đa 50% chi phí giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số... nhưng HTX thì không có nội dung hỗ trợ này.
Chuyển đổi số, xu hướng tất yếu
Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện, trình ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa được những giải pháp đã được thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ phát triển HTX gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
"Chuyển đổi số là chìa khóa để mở ra trang mới trong phương thức quản lý, hoạt động của mô hình kinh tế này. Người giữ chìa khóa là tất cả chúng ta, những nhà quản lý, vận hành, tập thể, cá nhân… tất cả những người có khát vọng và tâm huyết đổi mới và nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế hợp tác và HTX"-Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là công khai, minh bạch, bình đẳng, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Chúng ta không quyết liệt đổi mới gắn với chuyển đổi số đối với mô hình kinh tế tập thể, HTX thì mô hình này sẽ tụt hậu và không thích ứng được với nền kinh tế hiện đại, kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số- Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, chúng ta phải đổi mới tư duy, bắt đầu từ nhận thức; có tầm nhìn xa, tổng thể; phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác. Xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, đi từ nhỏ đến lớn, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.