Các địa phương chắc chắn phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra gay gắt không chỉ trong năm nay, mà về lâu dài tình trạng này còn xảy ra.
Trồng mía để tránh hạn
Từ 3 năm nay, ND xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mía tím để chủ động đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài. Gia đình ông Đinh Công Làn ở xóm Chù Bụa (Mỹ Hòa) đã trồng tới 7.000m2 (khoảng 45 nghìn cây mía tím). Với giá 6.000 đồng/cây trả ngay tại vườn, gia đình sẽ thu được khoảng 270 triệu đồng, lãi 200 triệu đồng.
Chủ tịch xã Bùi Ngọc Đàn cho biết: Là xã thuần nông nhưng việc cấy lúa ở Mỹ Hòa không được ổn định, do gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn nước tưới. Để chủ động đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài, xã đã vận động bà con chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những cây chịu hạn, trong đó tập trung vào trồng mía tím. Riêng năm 2011, xã sẽ trồng 300ha mía tím và 40ha mía trắng cung cấp cho Công ty Mía đường Hòa Bình.
Vài năm gần đây, huyện Bá Thước (Thanh Hoá) có khoảng 10% đất nông nghiệp khô hạn không thể cấy lúa. "Nhận thấy cây mía là cây trồng có giá trị lại chịu hạn tốt nên từ mô hình trồng mía thương phẩm ở xã Điền Trung, chúng tôi đã nhân rộng ra toàn huyện. Trung bình 1ha mía, đạt từ 180 - 220 triệu đồng/năm, cao gấp 2 - 3 lần cấy lúa!" - Phó Chủ tịch UBND Bá Thước Lò Văn Lến cho hay.
Chọn cây cần ít nước
Còn ở xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) từ nhiều năm nay đã khắc phục tình trạng hạn hán hàng năm bằng cách đưa diện tích gieo cấy lúa sang trồng khoai tây, khoai lang, dưa hấu. Đặc biệt mô hình trồng lạc che phủ xác hữu cơ đã có tác dụng rõ rệt trong việc hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất và chống rét cho cây, góp phần tăng tỷ lệ củ chắc, nâng cao năng suất lạc từ 60 - 80 kg/sào lên 1,2 - 1,3 tạ/sào).
Từ đầu năm 2010, mô hình trồng lạc xen sắn được ND xã Cao Phong huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) triển khai đã rất thành công, mang lại hiệu quả cao kinh tế gấp 2 lần trên cùng diện tích đất canh tác, lại không cần nhiều nước tưới. Ông Khổng Văn Cơ - Chủ tịch UBND xã Cao Phong cho biết: Ngoài sản lượng và giá trị thu được từ việc trồng lạc xen sắn thì mô hình này còn giúp thu được toàn bộ nguồn hữu cơ dinh dưỡng cao từ thân cây lạc sau khi thu hoạch được đem vùi vào gốc sắn.
Nhiều địa phương ở tỉnh lúa Thái Bình đang rộ lên phong trào chuyển diện tích lúa thiếu nước sang trồng cây rau màu cạn để tránh hạn. Đó là mô hình trồng khoai tây ở xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ), từ năm 2008 trở lại đây phát triển mạnh.
Ông Đoàn Văn Huân - Chủ nhiệm HTX Quỳnh Nguyên cho biết: Cây khoai tây không còn là cây trồng xen canh kết hợp được sao hay vậy nữa mà đã thực sự trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm, bởi nó phù hợp với chất đất ở đây và không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật cũng như nước tưới. Theo Sở NNPTNT Thái Bình, lợi ích trồng khoai tây rất cao, tiêu thụ và xuất khẩu đều tốt, hơn nữa lượng nước tưới cho khoai tây chỉ bằng 1/5 - 1/10 so với cấy lúa...
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Đến thời điểm này nhiều địa phương đã quyết liệt và ráo riết trong việc chuyển đổi cây trồng để chống hạn như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội… Nhiều mô hình đem lại lợi ích "kép" vừa chống hạn vừa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương còn "chần chừ, thiếu quyết đoán trong chỉ đạo thực hiện.
Hữu Thông - Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.