Đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với Covid-19

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 25/03/2022 08:05 AM (GMT+7)
Nhiều ngày nay, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã giảm ở mức hơn 100.000 trường hợp mỗi ngày. Một số chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với Covid-19, nếu có chuyển Covid-19 sang "bệnh nhóm B" thì cũng cân nhắc đến chính sách phí khám bệnh, tiêm vaccine...
Bình luận 0

Chuyển Covid-19 sang "bệnh nhóm B" phải căn cứ vào những yếu tố nào?

Mới đây, Bộ Y tế cho biết đang xây dựng Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023, trong đó có nội dung quan trọng nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Hiện nay, mặc dù số ca mắc Covid-19 mới vẫn cao trên 100 nghìn ca/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh nặng, tử vong lại rất thấp. Dịch Covid-19 đã đạt đỉnh và có chiều hướng đi xuống. Nhiều địa phương cho phép F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 đi làm. Học sinh thuộc diện F1 cũng đã được đến trường học tập.

Chuyển Covid-19 sang “bệnh nhóm B” phải căn cứ vào những yếu tố nào khi mỗi ngày vẫn còn hơn 100.000 ca mắc? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế mang bình oxy đến gia đình có F0 nặng tại Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, để đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B phải căn cứ vào diễn biến của dịch. 

Cụ thể, theo ông Phu, điều đầu tiên, Việt Nam cần xem xét dịch bệnh Covid-19 có còn gây bùng phát mạnh hay không, có xuất hiện các biến chủng nữa không và thể hiện tính ổn định qua các năm và dự báo được? 

Chuyển Covid-19 sang “bệnh nhóm B” phải căn cứ vào những yếu tố nào khi mỗi ngày vẫn còn hơn 100.000 ca mắc? - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: NVCC

Thứ hai, tình hình chuyển nặng và tử vong do nhiễm Covid-19 có lớn không, gây ra quá tải hệ thống y tế? Thứ ba, căn cứ vào khả năng đáp ứng về y tế, hiệu quả của vaccine, thuốc điều trị? Cuối cùng, dịch có ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an sinh của người dân hay không? 

"Nếu dịch đặc biệt lây lan nhanh, còn bệnh nhân nặng, quá tải đáp ứng y tế và khả năng kiểm soát dịch còn khó khăn thì chưa công nhận thành bệnh truyền nhiễm nhóm B được. Chúng ta phải căn cứ từ luận chứng khoa học đến thực tiễn mới đưa ra quyết định chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Hiện nay WHO cũng đang nghiên cứu xem xét đề xuất đưa Covid-19 sang bệnh lưu hành", ông Phu cho hay.

Chuyển Covid-19 sang “bệnh nhóm B” phải căn cứ vào những yếu tố nào khi mỗi ngày vẫn còn hơn 100.000 ca mắc? - Ảnh 3.

Ông Phu cho rằng, khi một dịch bệnh nhóm A chuyển sang nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch tễ sẽ có rất nhiều nội dung cần phải điều chỉnh về giám sát, xét nghiệm, quản lý ca bệnh… Các giải pháp ứng phó không nghiêm ngặt như nhóm A nữa. Ảnh: Phạm Chiểu

Ông Phu cho rằng, khi một dịch bệnh nhóm A chuyển sang nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch tễ sẽ có rất nhiều nội dung cần phải điều chỉnh về giám sát, xét nghiệm, quản lý ca bệnh… Các giải pháp ứng phó không nghiêm ngặt như nhóm A nữa. 

Ông Phu phân tích, hiện nay bệnh cúm mùa Việt Nam vẫn giám sát nhưng không phải giám sát toàn bộ, chỉ giám sát trọng điểm để tính toán, đánh giá tình hình dịch. Với Covid-19, khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B cũng không xét nghiệm toàn bộ như Covid-19 hiện nay. Cũng không đếm ca bệnh mà chỉ ước lượng số mắc một năm để đánh giá.

Chuyển Covid-19 sang “bệnh nhóm B” phải căn cứ vào những yếu tố nào khi mỗi ngày vẫn còn hơn 100.000 ca mắc? - Ảnh 4.

Một trường hợp nhiễm Covid-19 nặng chờ được chuyển lên bệnh viện tầng trên taị Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Khi Covid-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, có rất nhiều chính sách về y tế, an sinh xã hội thay đổi. Cụ thể, người bệnh Covid-19 không được Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí điều trị nữa, mà người dân phải trả tiền hoặc hưởng Bảo hiểm y tế như khám chữa bệnh thông thường. Vì vậy, khi chuyển sang nhóm B cần phải căn cứ vào việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương.

Theo quy định hiện nay, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như với các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

"Cần phải có chính sách sao cho phù hợp. Chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng khi thấy cần phải quan tâm thì vẫn nên có chính sách nào đó, ví dụ có chính sách về phí khám bệnh, tiêm vaccine cho người nghèo", ông Phu nói.

"Sớm đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, trở lại "bình thường cũ".

Bên cạnh đó, chính sách về cách ly, khai báo y tế cũng phải thay đổi. Người cân phải cách ly, nhưng không phải bắt buộc cách ly cộng đồng như nhóm A, nhưng có khuyến cáo cách ly. Nếu Covid-19 là nhóm B, người dân có thể không phải khai báo y tế nữa. Các chính sách phải xây dựng sao cho phù hợp vì Covid-19 có quá nhiều tính chất đặc thù và phức tạp.

Chuyển Covid-19 sang “bệnh nhóm B” phải căn cứ vào những yếu tố nào khi mỗi ngày vẫn còn hơn 100.000 ca mắc? - Ảnh 5.

Bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hồi tháng 1 vừa qua. Ảnh: GIa Khiêm

"Theo tôi khi nghiên cứu để chuyển Covid-19 sang nhóm B cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các bộ, ngành, các cấp, Bộ Y tế và cần phải có lộ trình. Bộ Y tế nghiên cứu về dịch bệnh, còn các ngành, các cấp phải cùng nghiên cứu về chính sách. Nghiên cứu và các chính sách cần sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế, đáp ứng khác nhau", ông Phu nói. 

Trước sự phức tạp của đại dịch Covid-19, ông Phu cho rằng, một số bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn phải công bố dịch trên toàn quốc. Với Covid-19 khi chuyển sang nhóm B thì tùy theo tính chất, mức độ của dịch để có quyết định công bố dịch hay không. 

Chuyển Covid-19 sang “bệnh nhóm B” phải căn cứ vào những yếu tố nào khi mỗi ngày vẫn còn hơn 100.000 ca mắc? - Ảnh 6.

Phòng trung tâm tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hồi tháng 1 vừa qua. Ảnh: GIa Khiêm

Về vấn đề này, bác sĩ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cũng đề xuất sớm đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, chuyển từ nhóm A sang nhóm B và trở lại "bình thường cũ". 

Theo ông Hiếu, hiện sức ép điều trị ca nặng ở các bệnh viện khác trên toàn quốc cũng đã giảm rõ rệt so với tuần đầu tháng 3. Như vậy dự đoán của giới chuyên môn về việc Việt Nam sẽ vượt qua đỉnh dịch vào giữa tháng 3 đã đúng.

"Chúng ta không chủ quan. Nhưng các dữ liệu về tiêm chủng (Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới), về khả năng phòng vệ với Covid-19 của các cơ sở y tế và thái độ của người dân…, đều cho thấy đã đến lúc cần có cách tiếp cận khác với Covid-19", ông Nguyễn Lân Hiếu phân tích. 

Cũng theo vị này, cần sớm đẩy nhanh việc chuyển Covid-19 ra khỏi bệnh nhóm A sang nhóm B ngay trong tháng 3. Vì hiện ngành Y tế đã hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận, điều trị Covid-19 như một bệnh lý chuyên khoa. Nghĩa là một bệnh nhân mắc Covid-19 cũng như những bệnh về tiêu hóa, tim mạch hay tai, mũi, họng… Họ sẽ tìm đến chuyên khoa Covid-19 ở các bệnh viện để khám và điều trị.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng nêu rõ, việc có kế hoạch đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là chuyển biến tốt, đây cũng là xu hướng hiện nay trên thế giới. Điều này không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và gây chết người, nhưng nó không còn "tối nguy hiểm" nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem