Đà Lạt: Biến những vườn rau hoa ế ẩm thành địa điểm du lịch, selfie

Chủ nhật, ngày 23/04/2017 16:23 PM (GMT+7)
Mất mùa, mất giá, nhưng các vườn rau, hoa đến kỳ thu hoạch không bị phá bỏ mà được tiếp tục chăm sóc và tạo thành điểm đến cho khách du lịch thăm thú, chụp ảnh. Dù không đạt lợi ích kinh tế như kỳ vọng một mùa rau, hoa bội thu, nhưng cách làm này đã giúp nhà vườn thoát khỏi cảnh trắng tay cả một vườn rau, hoa như trước kia.
Bình luận 0

Vườn hoa cải trắng đang sốt rần rần ở Đà Lạt gần 1 tháng nay là của gia đình chị Tươi, ở thôn 2, xã Tà Nung. Hơn 3 tháng trước, gia đình chị trồng 5kg hạt giống củ cải trên diện tích 2,5 sào. Nhưng thời tiết lạnh kéo dài, khiến cải không tạo củ tốt - báo hiệu năng suất rất kém, hơn nữa giá rau, củ đột nhiên giảm mạnh. Gia đình chị Tươi quyết định không thu củ mà để cải trổ bông và cho khách vào tham quan, chụp ảnh. Chị Tươi cho biết, giá vào vườn chỉ là 10 ngàn đồng, thường đông khách vào những ngày cuối tuần, được khoảng vài trăm ngàn, dù mất công và mất thời gian hơn so với thu củ cải như bình thường. Nhưng mùa năm nay thất thu, giải pháp cho khách vào chơi cũng vớt vát được một phần. 

img

Các thiếu nữ thích thú chụp ảnh "tự sướng" bên một vườn cải... bỏ đi.

Lại nhớ hơn 2 tháng trước, 2 chị em Thanh Lan cũng ở xã Tà Nung trồng 3 sào hướng dương, tổng cộng chi phí cho phân tro và giống hết 20 triệu đồng. Vườn hoa lên khoảng 19 ngàn bông hướng dương, nếu thu đúng lứa có thể bán giá 3 ngàn/bông. “Nhưng vì hoa có thể cắt bán cận Tết quá (28 âm lịch), nên không có ai thu mua. Qua tết, hoa nở quá lứa mất rồi!”. Hai chị em quyết định giữ lại cho đẹp và để bảng mời khách tự do vào chụp hình, ai mua bông thì bán, không thì tùy khách “lì xì”.  Cách làm du lịch này có vẻ bất đắc dĩ, nhưng, thật đáng yêu! Khách vào vườn hoa thấy thích thú. Chủ nhà cũng vui mừng. Chủ và khách đều hoan hỉ…

Ngay cạnh vườn cải nhà chị Tươi là gần 1 ha đất của gia đình anh chị Hoài - Hằng. Cả năm nay, gia đình anh chị trồng luân phiên 3 lứa hoa hướng dương. Đến khi hoa nở, cắt bớt, còn để lại cho khách vào vườn chơi. Lứa hoa hướng dương hiện nay đang nở đẹp, có thể giữ đến 30/4, sau đó lại có một lứa khác chuẩn bị ra nụ. Ngoài 3 lứa hoa hướng dương đang gối đầu liên tiếp, anh chị còn dành một phần đất xuống giống cẩm tú cầu. 

Ở Tà Nung còn có một điểm du lịch hoa khác là chùa Vạn Đức. Vào mùa Phật Đản năm trước, sư trụ trì đã trồng thành công hoa tam giác mạch thu hút rất đông phật tử và du khách đến chiêm ngưỡng. Từ đó, chùa Vạn Đức liên tục trồng tam giác mạch, hết lứa này đến lứa khác. Hiện nay, tam giác mạch ở chùa cũng đang được chăm sóc chuẩn bị thêm cảnh sắc tươi thắm cho mùa Phật Đản năm nay. Không chỉ các vườn hoa ở Tà Nung, nhiều nhà vườn khác như vườn hướng dương ở Trại Mát, cẩm tú cầu ở Đạ Sar… chủ vườn tự trồng hoa và chủ động mời khách vào chơi, nhiều nhà vườn còn trang bị thêm ghế sắt cao để người chụp hình đứng cao hơn chụp được toàn cảnh vườn hoa, hoặc cho mượn dù nhiều màu sắc tăng thêm vẻ sinh động cho bức ảnh và người chụp ảnh… Kiểu nhà vườn làm du lịch hoa như thế này rộ lên vài năm nay ở Đà Lạt. Không biết chính xác là từ đâu.

Nhưng, rộn ràng nhất có lẽ là từ vườn hoa hướng dương của Công ty Dalat Milk 2 năm trước. Cả 2 hecta hướng dương làm người người ngất ngây, có ngày thu hút cả ngàn du khách rồng rắn vào chụp ảnh, đồng thời cũng tạo nên cơn sốt chụp ảnh hoa hướng dương suốt mấy tuần liền. Sau đợt hoa hướng dương, nông trang này trồng tiếp hoa tam giác mạch vào năm ngoái cũng thu hút rất đông khách đến Dalat Milk.

img

"Tự sướng" bên cánh đồng hoa hướng dương.

Khi nhà vườn chủ động mời khách, nhà vườn cũng tạo ra các lối đi trong vườn hoa, đủ rộng để khách không phải giẫm đạp hư cây và di chuyển thuận lợi. Và những hư hỏng, gãy nát trong một vườn hoa rộng - thật ra không đáng kể. Anh Lê Tiến Thành (Vạn Thành - Đà Lạt) lần đầu tiên cho khách vào vườn xem hoa oải hương, sau đó đã đóng cửa vườn một thời gian. Anh cho biết, không phải do khách phá làm hư hại hoa, mà do lối đi trong vườn không đúng khoảng cách phục vụ khách chụp hình, nên việc di chuyển của khách đã làm đổ ngã khá nhiều cây. Anh đã đóng cửa vườn một thời gian và nhanh chóng khắc phục, đồng thời phục hồi cây trong vườn để đáp ứng nhu cầu chụp ảnh, tham quan của du khách... 

Tuy nhiên, khác với các nhà vườn chủ động trồng hoa mời khách, nhiều nhà vườn trồng rau, hoa chỉ với mục đích sản xuất, việc du khách phát hiện - đổ bộ và tấn công vào vườn rau… đã khiến họ bức xúc thật sự. Nhiều vườn có hàng rào, biển cấm… nhưng vì không có người canh nên vẫn bị “phá”… Dù vậy, có một thực tế là sức hút của những vườn hoa được trồng trên một diện tích rộng. Ví dụ như vườn hoa dọc đường Nguyễn Văn Cừ nối dài được thay đổi các loài hoa liên tục từ cánh bướm, đến xác pháo, hồng ri, tam giác mạch… đã tạo nên một điểm nhấn, một ấn tượng rất riêng cho Đà Lạt.

Còn nhớ, nhiều năm trước, trong lần đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa vào năm 2005, có một hội thảo quốc tế về du lịch hoa ở Đà Lạt. Nhiều cách làm du lịch hoa đã được giới thiệu, nhưng có lẽ không có cách làm du lịch hoa nào giống cách mà nhà vườn Đà Lạt đang làm hiện nay. Với du lịch hoa, du khách chỉ có nhu cầu đến chiêm ngưỡng, ngắm nghía, chụp ảnh…; chứ không vào vườn hoa để giận dỗi, cãi vã, đánh mắng nhau… Và dù là đi với ai, trong tâm trạng nào thì vào đến những vườn hoa ấy, người ta cũng chỉ có một cảm giác là miên man theo màu hoa, dập dìu từng bước chân theo hoa… mà thôi.

Tiểu Vân (LĐO)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem