Đà Nẵng: Bỏ ghế Phó Giám đốc về làng làm mây tre, doanh thu tiền tỷ mỗi năm

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ bảy, ngày 16/05/2020 18:46 PM (GMT+7)
Từ bỏ công việc ổn định với thu nhập cao, anh Huỳnh Bá Vũ lựa chọn về quê hương Hòa Vang, TP.Đà Nẵng để phát triển nghề làm mây tre. Đến nay, những sản phẩm mây tre được sản xuất từ lũy tre làng của anh đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và doanh thu mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng.
Bình luận 0

Bỏ ghế Phó Giám đốc về làm mây tre

Tại cơ sở mây tre nội thất Nhân Hòa (thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) có gần 10 công nhân đang tích cực cho công việc quen thuộc là phơi tre, đo đếm, cưa tre, khoan đục, lắp ráp…

Bỏ ghế Phó Giám đốc về làm sản phẩm từ tre, doanh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Anh Huỳnh Bá Vũ, chủ cơ sở mây tre nội thất Nhân Hòa (thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để về quê giữ lửa làng nghề.

Được biết, chủ cơ sở là anh Huỳnh Bá Vũ (46 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đã từ bỏ chức vụ Phó Giám đốc nhà máy sản xuất dây cáp điện (thuộc Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam) để về quê hương Hòa Vang phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Năm 2012, khi còn làm chức Phó Giám đốc, anh Vũ có mức lương 15 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khiến nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, sau nhiều năm thử sức với nhiều công việc, anh vẫn luôn trăn trở với sự sống còn của nghề mây tre đan được truyền qua 4 thế hệ của gia đình anh.

Bỏ ghế Phó Giám đốc về làm sản phẩm từ tre, doanh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm là mẫu bàn, ghế, đồ gia dụng tại cơ sở được các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn đặt làm với số lượng lớn.

Hai năm đầu khởi nghiệp, anh Vũ cùng cha gây dựng lại nghề làm mây tre một thời vang bóng. Bằng ngọn lửa yêu quý nghề truyền thống, anh vượt qua nhiều khó khăn và thất bại để tiếp tục niềm đam mê của mình. 

Sau 8 năm, cơ sở ngày càng được mở rộng và cần thêm nhiều nhân công. Đến nay, các sản phẩm của anh đã bắt đầu có thương hiệu, uy tín và thị trường ổn định.

Bỏ ghế Phó Giám đốc về làm sản phẩm từ tre, doanh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất, anh Vũ nhập thêm mây tre và tầm vong từ Thái Nguyên về.

“Khi bắt tay vào sản xuất, tôi nghĩ làm đồ thủ công thì đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao. Tuy nhiên, chính vì sản phẩm thủ công nên đòi hỏi người làm phải có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm và kỹ thuật chính xác. Trong những năm đầu, dù liên tục vấp phải thất bại, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ niềm đam mê phát triển sản phẩm mây tre của quê hương mình.” -anh Vũ hào hứng nói.

Bỏ ghế Phó Giám đốc về làm sản phẩm từ tre, doanh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Các sản phẩm sản xuất từ tre của anh Vũ đã bắt đầu có thương hiệu, uy tín và thị trường ổn định.

Những sản phẩm được cơ sở mây tre Nhân Hoà sản xuất chủ yếu là đồ nội thất: bàn, ghế, giường, tủ, xích đu…. Anh Vũ miệt mài nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm tiện dụng, mẫu mã đa dạng, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mới của khách hàng. 

Nhờ vào chất liệu quen thuộc, gần gũi, giá cả hợp lí và kỹ thuật lành nghề mà sản phẩm mây tre dần mở rộng được thị trường tiêu thụ. Theo đó, những sản phẩm của cơ sở được nhiều resort, khách sạn ở Đà Nẵng, Hội An, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội,… tin tưởng đặt hàng với số lượng lớn.

Doanh thu 2 tỷ/năm

Anh Huỳnh Bá Vũ tự hào chia sẻ thêm, cơ sở sản xuất của anh có thể đạt doanh thu lên đến 2 tỷ đồng/năm, nếu trừ đi chi phí anh lãi không nhiều, nhưng điều đáng mừng là anh đã không để nghề truyền thống bị mai một, cũng như giữ được cái tâm tình sâu đậm với quê hương. 

Bên cạnh việc mưu sinh và nuôi dưỡng niềm đam mê, thì anh cũng mong muốn gìn giữ và tôn vinh nghề truyền thống.

Bỏ ghế Phó Giám đốc về làm sản phẩm từ tre, doanh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Không chỉ anh Vũ mà công nhân tại xưởng cũng tâm huyết với sản phẩm mây tre đan lát.

Ông Huỳnh Bá Tú (68 tuổi, cha anh Vũ) vui vẻ cho biết, những sản phẩm đan lát từ mây tre là biểu tượng cho văn hóa và nếp sống chân quê của người nông dân. Khi xưa, hầu như nhà nào ở ven sông Túy Loan cũng biết đan lát các món vật dụng sinh hoạt như thúng, rổ, mủng, cổng rào... thì nay chỉ còn cha con ông vẫn cố gắng gìn giữ và mở rộng đầu ra cho sản phẩm truyền thống của quê nhà.

Bỏ ghế Phó Giám đốc về làm sản phẩm từ tre, doanh thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 6.

Anh Vũ miệt mài nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm tiện dụng, mẫu mã đa dạng, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mới của khách hàng.

Anh vũ chia sẻ thêm, những thất bại ban đầu từ chọn nguyên liệu phù hợp, yêu cầu kỹ thuật cao, độ lâu bền của sản phẩm đến chật vật tìm đầu ra… khiến niềm đam mê của anh gặp rất nhiều gian nan. 

Nhưng với tình yêu với mây tre, với quê hương là động lực luôn thôi thúc anh tìm tòi, học hỏi để phát triển hơn. Đặc biệt, đồ mây tre dễ bị mối mọt nên cần phải chú trọng trong khâu chuẩn bị nguyên liệu và đo đạc. 

Chính sự uy tín và tâm huyết đã mang lại những sản phẩm đạt chất lượng cao. Từ đó, mây tre Nhân Hoà từng bước ổn định để xuất bán ra nhiều thị trường lớn hơn.

Được biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm và ủng hộ phát triển mạnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre. Điều đó cũng là sự động viên lớn cho gia đình anh Vũ và nhiều công nhân tiếp tục phát huy, quảng bá rộng rãi nét văn hóa dân tộc, giúp ích cho cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem