Đà Nẵng chi gần 1.000 tỷ thu hút nhân tài nhưng hàng loạt xin rút

Thứ năm, ngày 28/12/2017 15:00 PM (GMT+7)
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ bổ sung chế tài đối với sinh viên được thành phố cử đi học ở nước ngoài nếu không về làm việc, hay làm việc không đủ thời gian quy định.
Bình luận 0

Trong cuộc họp UBND TP.Đà Nẵng thường kỳ tháng 12.2017, Chủ tịch UBND thành phố, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố đã bỏ ra kinh phí gần 1.000 tỷ đồng đề đào tạo học viên thuộc đề án thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, những ngày qua, ông nhận và ký khá nhiều đơn xin rút.

img

Một phiên tòa xử về việc nhân tài đi học ở nước ngoài không trở về.

“Các em làm được một thời gian đến khi gà đẻ trứng vàng thì lại ra đi. Vì thế, cần nghiên cứu lại để nguồn lực này không bị mai một”, ông Thơ nhấn mạnh.

Theo vị chủ tịch, trong thời gian tới, thành phố cần mời chuyên gia giỏi nước ngoài ở một số lĩnh vực liên quan đến chuyên môn như giáo dục đào tạo, quy hoạch kiến trúc, giao thông công chính, xây dựng, y tế… Thành phố quyết tâm dứt bỏ câu chuyện làm được thì làm, không được thì xin nghỉ.

Liên quan đến vấn đề này, sở Nội vụ TP.Đà Nẵng đề xuất một số vấn đề liên quan đến sửa đổi, điều chỉnh nội dung về chế độ tuyển dụng, đãi ngộ đối với các chuyên gia trong thời gian họ thực hiện công việc theo yêu cầu và có đóng góp tại thành phố.

Ngoài ra, sở cũng đề nghị bổ sung về chế tài đối với sinh viên được thành phố cử đi học ở nước ngoài trở về, nếu không làm việc hoặc làm việc không đủ thời gian quy định của thành phố, ngoài hoàn trả 100% kinh phí, còn bị phạt vi phạm hợp đồng, tối thiểu 10%, do vi phạm hợp đồng đã cam kết khi tham gia đề án.

Trong khoảng thời gian qua, chính sách thu hút nhân tài bằng cách đưa đi học nước ngoài rồi về công tác, phục vụ tại địa phương được xem là một trong những chính sách đúng đắn, được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách này, có một số điều khiến không ít người trăn trở.

Nhiều nhân tài đi học xong không quay trở về. Một số nhân tài khác, đi học về, công tác tại địa phương thời gian ngắn, cảm thấy không hợp thì quyết định tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chính điều này đã khiến nhiều nhân tài vướng kiện tụng với chính quyền thành phố và đến nay vẫn chưa dứt điểm.

Đề án 922 được TP.Đà Nẵng triển khai từ năm 2004, nhằm hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước. Trong hợp đồng quy định, sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các học viên phải về làm việc cho thành phố tối thiểu 7 năm.

Nguyễn Duy Cường (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem