"Đà Nẵng phải dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục"

Diệu Bình Thứ bảy, ngày 19/03/2022 10:01 AM (GMT+7)
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với UBND TP.Đà Nẵng về định hướng phát triển GDĐT của địa phương và dự án Làng Đại học Đà Nẵng ngày 18/3.
Bình luận 0

Nguồn lực đầu tư cho giáo dục rất lớn

Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: "Hai năm qua, tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19 nhưng ngành giáo dục địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học cũng như đảm bảo được sự an toàn cho giáo viên và học sinh. Địa phương đã và đang triển khai các dự án để đầu tư chất lượng cho giáo dục và đào tạo như xây dựng đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chính sách...".

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GDĐT TP.Đà Nẵng cho hay, năm học 2021-2022 bắt đầu trong điều kiện học sinh không thể đến trường, lễ khai giảng và việc triển khai tổ chức dạy học năm học mới phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

"Đà Nẵng phải dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục"  - Ảnh 1.

Giám đốc Sở GDĐT TP.Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận. Ảnh: D.B

Đội ngũ giáo viên ở Đà Nẵng đã khắc phục khó khăn, có nhiều giải pháp sáng tạo để đảm bảo chất lượng giáo dục khi học sinh phải học trực tuyến trong một thời gian dài.

Đà Nẵng đã thực hiện lộ trình mở cửa trường học, đón học sinh trở lại trường học trực tiếp bắt đầu từ 25/10/2021. Đến nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng như việc chủ động chuyển đổi hình thức trực tiếp - trực tuyến đã được các trường tiến hành có nền nếp, dần ổn định tình hình dạy - học.

"Nguồn lực của thành phố đầu tư cho giáo dục là rất lớn nhưng làm sao để phát huy được hiệu quả là quan trọng. Trong những giai đoạn thành phố khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 thì giáo dục vẫn được đầu tư nhiều. Ngoài chính sách chung, Đà Nẵng có những hỗ trợ riêng cho giáo dục như miễn học phí, hỗ trợ cho giáo viên mầm non bị ảnh hưởng từ gói hỗ trợ của thành phố... Tuy nhiên, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì thành tựu của giáo dục Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn", ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định.

"Đà Nẵng phải dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục"  - Ảnh 2.

Đà Nẵng đã thực hiện lộ trình mở cửa trường học, đón học sinh trở lại trường học trực tiếp bắt đầu từ 25/10/2021. Ảnh: D.B

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Giáo dục Đà Nẵng phải đặt mục tiêu chất lượng, phát triển theo chiều sâu. Trong chiến lược phát triển toàn diện của thành phố nên chú trọng đến quy hoạch phát triển giáo dục, dự báo trước nhu cầu nhân lực trong tất cả các ngành của thành phố trong trung và dài hạn".

Dự án Làng đại học Đà Nẵng không thể chậm trễ hơn nữa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Đà Nẵng cần sắp xếp lại hệ thống trường mầm non, tiểu học... để tính toán nguồn lực. Hệ thống trường lớp, ngoài đáp ứng nhu cầu bình thường còn tính đến phát triển giáo dục mũi nhọn, tài năng, năng khiếu. Giáo dục tài năng, mũi nhọn của Đà Nẵng hiện vẫn còn mờ nhạt.

Trong quy hoạch phải tính đến chuẩn cao hơn mặt bằng chung. Không gian giáo dục không chỉ là trường học mà còn có cả vui chơi, giải trí của học sinh và người dân. Quy hoạch tổng thể liên quan đến hoạt động của giáo dục như bảo tàng, khu vui chơi, mạng lưới các trường đại học...

Ngoài quy hoạch tổng thể, phải dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục mới có thể xứng tầm với vị thế của thành phố động lực miền Trung.

"Đà Nẵng phải dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục"  - Ảnh 3.

Đoàn công tác của Bộ GDĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP.Đà Nẵng về định hướng phát triển GDĐT của địa phương và dự án Làng Đại học Đà Nẵng chiều 18/3. Ảnh: D.B

Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, Đà Nẵng đã làm tốt xã hội hóa ở bậc học mầm non nhưng còn các bậc học khác, các hạng mục khoa học công nghệ ở các trường đại học cũng cần phải tính đến.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án Làng đại học Đà Nẵng 110 ha. Phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho ĐH Đà Nẵng từ năm 2017 là 38,6 ha. Với diện tích còn lại gồm 71,4 ha, đã giải phóng mặt bằng được khoảng 40 ha.

"Đà Nẵng gần như đầu tư tuyệt đối cho dự án này. Với phần diện tích đất sạch đã bàn giao, đề nghị ĐH Đà Nẵng cần khẩn trương thi công, nếu không sẽ bị tái lấn chiếm. Việc thi công chậm trễ sẽ tạo sự bức xúc cho người dân khi phải sớm thực hiện giải tỏa nhưng đất lại không được xây dựng", ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói.

"Đà Nẵng phải dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho giáo dục"  - Ảnh 4.

Làng đại học Đà Nẵng. Ảnh: D.B

Ông Nguyễn Văn Quảng cho rằng, Đà Nẵng xem các vấn đề liên quan đến dự án Làng đại học Đà Nẵng cũng là vấn đề chung của thành phố.

"Chỉ trong 2 năm, địa phương giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến dự án bằng thời gian của 20 năm qua. Thành phố đã thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư", ông Quảng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, không thể chậm trễ hơn nữa với dự án Làng đại học Đà Nẵng. Bộ trưởng mong muốn Đà Nẵng hỗ trợ một số hạng mục có liên quan đến dự án này. Thành phố cũng phải tính đến hạ tầng làm sao đáp ứng được những dịch vụ có liên quan cho hàng ngàn sinh viên khi quy mô của ĐH Đà Nẵng được mở rộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem