Đa số chủ đầu tư xây dựng các dự án nước sạch ở Thái Bình hạn chế kinh nghiệm, năng lực đầu tư

Nguyễn Hoà Thứ bảy, ngày 19/09/2020 18:36 PM (GMT+7)
Tỉnh Thái Bình vừa có kết luận thanh tra dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo kết luận này, hàng loạt vi phạm được chỉ rõ và đáng chú ý, một phần nguyên nhân của những sai phạm đó là do chủ đầu tư hạn chế kinh nghiệm, năng lực đầu tư.
Bình luận 0

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng vừa ký ban hành kết luận thanh tra dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Theo kết luận thanh tra, đến nay, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình đều đã được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn. 100% dân số vùng nông thôn trong tỉnh có cơ hội được sử dụng nước sạch, tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn toàn tỉnh đạt khoảng 97%.

Kết luận thanh tra cũng thể hiện, Thái Bình là tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án nước sạch nông thôn ở địa bàn tỉnh này cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh chưa hoàn thiện.

Việc này tạo ra những khó khăn, bất cập cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Đáng chú ý, đa số các chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về kinh nghiệm, năng lực, thi công xây dựng và quản lý khai thác công trình nước sạch.

Đa số chủ đầu tư xây dựng các dự án nước sạch ở Thái Bình hạn chế kinh nghiệm, năng lực đầu tư - Ảnh 1.

Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Thái Bình về các dự án nước sạch trên địa bàn tỉnh này, đa số các chủ đầu tư xây dựng các công trình dự án, công trình nước sạch nông thôn là doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về kinh nghiệm. (Ảnh minh hoạ)

Đến thời điểm Thái Bình thanh tra các dự án nước sạch, có 32 chủ đầu tư của 59 dự án nước sạch nông thôn.

Trong đó có: 26 dự án đầu tư xây dựng mới; 4 dự án đầu tư nâng cấp mở rộng; 3 dự án đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước; 26 dứa chuyển giao thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý.

Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên, kết luận thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng ký nêu rõ, các dự án nước sạch trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chê.s

Cụ thể, việc chấp hành các quy định về đầu tư xây dựng trong việc lập hồ sơ thiết kế và dự án, việc tổ chức thi công xây dựng, việc nghiệm thu, quyết toán công trình của một số dự án nước sạch chưa được đầy đủ theo quy định.

Một số chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, xây dựng công trình; khó khăn trong việc huy động vốn.

Với một số dự án, đoàn thanh tra nhận thấy còn thiếu thành phần hồ sơ xây dựng. Cá biệt có dự án đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa có các thủ tục về đầu tư và xây dựng; có dự án không có hồ sơ, tài liệu.

Có một số doanh nghiệp đã hạch toán nguyên giá tài sản cố định đối với một số chi phí không có chứng từ kèm theo hoặc chứng từ, hóa đơn không đúng theo quy định.

Đa số chủ đầu tư xây dựng các dự án nước sạch ở Thái Bình hạn chế kinh nghiệm, năng lực đầu tư - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư dự án nước sạch phải công khai 6 nội dung, trong đó phải công khai về mức huy động đóng góp của người sử dụng nước trong việc đầu tư xây dưng công trình. (Ảnh minh hoạ)

Đoàn thanh tra cũng xác định, có dự án, trạm cấp nước chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, chưa có thủ tục hành chính về môi trường, chưa thực hiện quan trắc về môi trường, chưa được cấp giấy phép khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước…

Bên cạnh đó, một số dự án được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt nhưng chưa giám sát, quan trắc lưu lượng nước và nguồn nước khai thác; khai thác tài nguyên nước không có giấy phép.

Đặc biệt, qua thanh tra, Thái Bình nhận thấy việc thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn còn chưa thống nhất về cách tính và chưa đúng thời gian.

Chủ đầu tư chưa theo dõi, hạch toán trên hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp khoản tiền thu ban đầu của người sử dụng nước.

Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do đa số các chủ đầu tư xây dựng các công trình dự án, công trình nước sạch nông thôn là các doanh nghiệp nhỏ, còn hạn chế về kinh nghiệm, năng lực đầu tư dự án, thi công công trình.

Trong khi đó, nhu cầu về nguồn lực để xây dựng công trình nước sạch nông thôn tương đối lớn, hệ thống mạng lưới cấp nước của từng dự án trải rộng ở nhiều xã, khó khăn trong công tác quản lý.

Kết luận thanh tra cho rằng, một phần nguyên nhân cũng do cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh Thái Bình về đầu tư xây dựng các dự án, công trình nước sạch còn có những bất cập, chưa rõ ràng.

Trách nhiệm để xảy ra các tồn tại, hạn chế trên, kết luận thanh tra chỉ rõ trước hết thuộc về các chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục đầu tư dự án theo quy định.

Về phía tỉnh Thái Bình, các sở, ban ngành của tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm trong việc tham mưu cho UBND tỉnh này thực hiện các quy định về ưu đãi đầu tư, quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem