Dạ tiệc quốc gia ở Nhà Trắng: Tốn bao nhiêu tiền?

Chủ nhật, ngày 27/10/2013 07:30 AM (GMT+7)
Chính phủ Mỹ thường không công bố tổng kinh phí chính xác tổ chức dạ tiệc (vốn do ban nghi lễ thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cấp tiền), nhưng các thông tin báo chí khác nhau nêu hóa đơn thường đến nửa triệu USD.
Bình luận 0
Chính phủ Mỹ sau hai tuần “bị đóng cửa” vì hết tiền hoạt động, lại phải tốn tiền cho Nhà Trắng mở dạ tiệc quốc gia để Tổng thống Barack Obama chiêu đãi Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif vào ngày 23.10.

Mất thì giờ ăn tiệc

Chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Pakistan được “lấp chỗ trống”, sau khi nữ Tổng thống (TT) Brazil Dilma Rousseff hủy chuyến thăm Mỹ dù ông Obama đã có lời mời. Bà Rousseff phản đối việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi bà và chính phủ Brazil. Khi chuyến thăm của lãnh đạo Brazil bị hủy, hầu như Nhà Trắng sẽ không tổ chức bữa dạ tiệc quốc gia nào trong năm nay, nên một số người ở Washington gọi bữa dạ tiệc này đang trở thành “của hiếm”, nếu không muốn nói là “bị tuyệt chủng”.
TT Mỹ Obama mở dạ tiệc quốc gia để dãi đồng nhiệm Calderon tại Nhà Trắng ngày 19.5.2010
TT Mỹ Obama mở dạ tiệc quốc gia để dãi đồng nhiệm Calderon tại Nhà Trắng ngày 19.5.2010

Thực tế vài năm qua, số lần tổ chức dạ tiệc quốc gia ở Nhà Trắng giảm đáng kể, các TT Mỹ thường tổ chức “bữa tối chính thức” đãi các lãnh đạo thế giới nhiều hơn, và các “bữa tối” này không buộc phải đầy đủ nghi thức như dạ tiệc quốc gia. Lý do giảm tổ chức dạ tiệc quốc gia nằm ở đây: TT Mỹ có ưng mở dạ tiệc quốc gia? Erik Goldstein - giáo sư khoa Quan hệ đối ngoại và lịch sử ở Đại học Boston, từng viết về tính chính trị của các chuyến thăm cấp nhà nước - nói: “Tổ chức dạ tiệc quốc gia rất mất thì giờ, tốn nhiều sức, nên các TT không ưng tổ chức nhiều”. Ông lưu ý Nữ hoàng Anh (không có trách nhiệm điều hành chính phủ) mỗi năm chỉ tổ chức hai dạ tiệc. Lawrence Dunham - từng là phó trưởng Ban nghi lễ của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1989 - 2005 - nói việc giảm tổ chức dạ tiệc quốc gia do ngày nay lãnh đạo các nước thực tế hơn: “Tôi cho rằng vấn đề là người ta muốn đến Mỹ để bàn công việc nhiều hơn là tiệc tùng”.

Từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng hồi năm 2009, ông Obama đã tổ chức 6 dạ tiệc quốc gia, kém xa 35 dạ tiệc do vợ chồng TT Ronald Reagan mở trong 8 năm họ sống ở địa chỉ 1600 Đại lộ Pennsylvania. Số lần tổ chức dạ tiệc của ông Obama ngang với số lần của tiền nhiệm George Bush, người thích “ăn tối riêng tư” với lãnh đạo các nước hơn là phải mặc áo đuôi tôm thắt nơ ở dạ tiệc quốc gia. TT Bill Clinton thích đàn đúm (chữ của báo Washington Post) tổ chức dạ tiệc 23 lần, TT Bush “cha” tổ chức 21 lần - theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bữa dạ tiệc triệu đô

Hoặc có tiền tổ chức hay không? Năm ngoái, hạ nghị sĩ Darrell Issa thuộc phe Cộng hòa “phê bình” Nhà Trắng về điều ông gọi là “những sự kiện xa hoa quá đáng“. Dẫn chứng việc tổ chức dạ tiệc quốc gia năm 2010 tốn gần 1 triệu USD - tức mỗi khách mặc áo đuôi tôm làm tốn 4.700 USD tiền ngân sách Mỹ, ông nghị Issa nói: “Trong khi dân thường phải kiềm chế tối đa chi tiêu, Nhà Trắng lại làm điều ngược lại”. Khi ấy, ông Obama chiêu đãi TT Mexico lúc đó là Felipe Calderon - người cũng bị NSA theo dõi như thông tin ngày 20-10 cho biết, điều khiến quan hệ Mỹ-Mexico có thể trục trặc. Khoản tiền tổ chức gồm dựng một sân khấu đặc biệt để nữ ca sĩ Beyonce nhảy múa và hát “chào mừng” hai thượng khách là vợ chồng Calderon.

Việc bà Rousseff hủy chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ và không dự dạ tiệc quốc gia có lẽ là độc nhất vô nhị, nhưng không là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà Trắng. Năm 1970, chuyến thăm được “biên đạo kỹ” của TT Pháp Georges Pompidou bị rối, do người Mỹ biểu tình phản đối vụ bán chiến đấu cơ Pháp cho Libya, nên vợ chồng thượng khách không đến Washington, bay đến Chicago.

Giáo sư Goldstein nói: “Ông Pompidou không phản đối chính thức, nhưng rõ ràng ông ấy bớt thiện cảm với người Mỹ, từ đó ảnh hưởng tới thái độ của Pháp với Mỹ trong thời gian cầm quyền còn lại của ông ấy”. Năm 1926 (trước khi chính phủ Mỹ có thuật ngữ chuyến thăm cấp nhà nước), TT Haiti Louis Borno được Mỹ cho biết rằng ông có thể thăm Mỹ chính thức, “nhưng ông ấy phải bỏ tiền túi”, theo giáo sư Goldstein, người nói chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên thời hiện đại là TT Hàn Quốc đầu tiên, ông Syngman Rhee, hồi năm 1954.

Trước khi TT Bush "cha" nhậm chức, chính phủ Mỹ phải “bao” ăn-ở-di chuyển cho đoàn thường khách đi thăm các thành phố Mỹ khác. Năm 1976, TT Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Sunay ở Mỹ 11 ngày, thăm 11 thành phố.
TT Mỹ là người quyết định mời ai thăm Mỹ cấp nhà nước, và hầu hết các chuyến thăm này đều nhằm thể hiện mối quan hệ vững chắc giữa Mỹ với các nước, đánh dấu kết thúc một thời cách biệt giữa hai bên hoặc làm biểu tượng công nhận một quốc gia.

Hầu hết các chuyến thăm cấp nhà nước gồm một bữa tiệc tối, một cuộc lưu trú ở Blair House (Nhà khách, gần Nhà Trắng) và một cuộc gặp giữa hai lãnh đạo. Mở đầu cho tất cả hoạt động tiếp đón này là cuộc tiếp đón trải thảm đỏ ở Nhà Trắng (TT Ireland được đón tiếp trên thảm xanh, theo màu cờ nước này, năm 1959).

Goldstein nói ngay cả cuộc tiếp đón này cũng xảy ra những vụ hiểu lầm: Năm 1957, TT Mỹ Eisenhower quyết hủy cuộc tiếp đón ở Nhà Trắng, dời ra sân bay. Điều này khiến vua Saudi Arabia cảm thấy bị xúc phạm và cũng hủy chuyến thăm. Cuối cùng, Eisenhower phải nhượng bộ, rời Nhà Trắng ra sân bay để đón nhà vua.

Diên Hy (Thế giới & Hội nhập) (Diên Hy (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem