Đã xuân rồi!

Họa sĩ Lê Thiết Cương Thứ hai, ngày 23/02/2015 11:25 AM (GMT+7)
Men theo các triền đê khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, đê sông Hồng, sông Đáy, sông Thương, sông Cầu hay gặp các lô cốt từ thời chống Pháp. Đến nỗi mỗi khi tôi hình dung về một con đê thì bao giờ cũng thấy có cái lô cốt.
Bình luận 0

img
Tranh làng quê của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. I.T
Bà nội tôi sinh ra ở một ngôi làng thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Ngay cả khi Hà Tây đã nhập về Hà Nội thì bà vẫn bảo “tôi là nhà quê, tôi người Hà Tây”. Tôi giống bà, năm ngoái chú tôi mua đất xây nhà, bữa cơm tân gia, tôi gọi xe đưa bà đi, bà hỏi ở đâu, xa không, tôi bảo ngay thị xã Hà Đông thôi (dù thị xã Hà Đông đã thành quận Hà Đông từ lâu). Thế có nghĩa là luôn tồn tại song song hai loại hiện thực, một loại hiện thực của giấy tờ, văn bản hành chính, đó là hiện thực đúng và một loại hiện thực khác, ở trong hồi ức, trong nhớ, trong yêu, hiện thực ở trong lòng người, hiện thực ấy đẹp.

img
 Tác phẩm ký họa vùng quê tại xã Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương của cố họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ năm 1959. I.T

Làng nơi bà tôi sinh ra là một ngôi làng cổ điển hình vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có cây đa cổ thụ ngay đầu làng, có đền, có miếu, có đình làng trông ra một đầm sen, thành hoàng làng là một vị tướng thời Hai Bà Trưng. Có cổng làng kiểu tam quan, đường làng lát gạch nghiêng hình sống trâu, mạch bằng đất nện. Cuối làng có một ngôi chùa nhỏ, làng có nghề cổ truyền, đàn ông làm mộc, đóng đồ gia dụng, sửa chữa máy dệt, khung cửi, làm nhà. Phụ nữ thì dệt vải, thêu ren. Làng có 3 xóm thì một xóm theo đạo Công giáo, nên có nhà thờ, nhỏ thôi nhìn buồn bã nhưng đẹp. Nhà chùa và nhà thờ cách nhau một thửa ruộng, tụi trẻ vẫn chơi trốn tìm từ sân chùa sang nhà thờ. Những người theo đạo Phật và những người theo Chúa sống cùng nhau trong làng, họ yêu thương và an lành với nhau trong niềm tin riêng của mình. Chuyện làng tôi cũng là chuyện chung của người Việt, nước Việt. Ở xứ này không có mâu thuẫn tôn giáo.

Làng tôi nằm ven sông Đáy, từ làng ra đến đê chừng non cây số, xuôi theo đường đê về phía Nam là chùa Hương, còn bên kia sông là vùng Chương Mỹ, có chùa Trăm Gian.

Hai lần Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, năm 1968 và 1972, lũ trẻ con thành phố chúng tôi đều phải đi sơ tán. Thế là cả 2 lần, mỗi lần vài năm tôi đều được về quê, sống ở quê. Tuổi thơ của tôi, phía này là bom đạn thì phía bên kia lại đầy niềm vui gắn với quê, với làng, với cánh đồng, với sông Đáy, với con đường dẫn ra đê hai bên trồng phi lao. Chăn trâu ở triền đê, thả diều trên mặt đê, đến trường trên đường đê… và không thể quên được buổi biểu diễn xiếc của Đoàn xiếc lưu động ở Hà Nội về diễn ngay dưới chân đê. Tôi đã từng nhiều lần được bố mẹ cho đi xem xiếc ở rạp xiếc công viên Thống Nhất trước đó, nhưng hôm ấy là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất được xem xiếc ở đê. Người lớn thì đứng trên mặt đê, men theo triền đê thoai thoải là “những hàng ghế” của đám khán giả trẻ con. Sân khấu tròn đặc thù của xiếc bỗng biến thành sân khấu dài dưới chân đê.

Hôm đó là một ngày chớm đông 1972, gió mùa đông bắc cắt da cắt thịt. Buổi diễn bắt đầu lúc 7 giờ sáng để mọi người xem xong còn về đi làm đồng, trẻ con còn đi học nhưng vì 3 lần kẻng báo động máy bay tới nên phải hoãn đến 12 giờ trưa mới bắt đầu. Chúng tôi tranh thủ nhặt quả phi lao khô đốt để sưởi trong lúc chờ đến giờ xem xiếc. Ở dưới chân đê có một cái lô cốt từ thời Pháp. Đó cũng chính là cái hầm trú ẩn của lũ trẻ làng tôi mỗi lần có máy bay Mỹ, mặt lô cốt như một cái sân rộng vừa ngồi trông trâu bò vừa ngồi học bài, vừa là chỗ kẻ ô để chơi lò cò, ô ăn quan…

Như nói ở trên, buổi diễn đó 3 lần bị đứt quãng vì máy bay đến nhưng 2 lần đầu là chuẩn bị đến giờ diễn, lần 3 đang diễn thì kẻng báo động ầm ĩ, thế là các “quý vị khán giả” chen nhau chui luôn vào lô cốt để trú ẩn, chỉ có lũ nhóc có vẻ không sợ hoặc vì đã quen với tiếng kẻng mỗi ngày vài ba bận rồi cứ nán lại… Trong lô cốt hôm đó rất vui, chật cứng người, lần đầu tiên tôi được đứng cạnh một diễn viên xiếc mà lại là một chú hề mặc bộ quần áo xọc thùng thình, đi đôi giầy dài thượt nhọn hoắt giống hình cái mo nang.

Men theo các triền đê khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, đê sông Hồng, sông Đáy, sông Thương, sông Cầu hay gặp các lô cốt từ thời chống Pháp. Đến nỗi mỗi khi tôi hình dung về một con đê thì bao giờ cũng thấy có cái lô cốt. Đương nhiên, cái lô cốt chỉ như một cái xác, cái vỏ, nó đã có một cái nghĩa khác, nghĩa mới, ngược hẳn và thậm chí chả liên tưởng gì với chiến tranh, chết chóc cả. Tôi đã thấy có nơi lô cốt thành điếm canh đê, thành nơi để kẻ khẩu hiệu, mặt lô cốt thành sân phơi thóc, thành quán nước…

Bạn nào yêu thích tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân hẳn còn nhớ những bức tranh ông vẽ triền đê cỏ xanh ngăn ngắt và bao giờ cũng có một cái dốc mầu nâu non chênh chếch, dưới chân đê là một cái lô cốt xám, bên cạnh có một cây xoan cành khẳng khiu, lác đác vài bông hoa xoan tím chấm phá, ấy là đã mùa xuân rồi.

12.2014

Tuổi thơ của tôi, phía này là bom đạn thì phía bên kia lại đầy niềm vui gắn với quê, với làng, với cánh đồng, với sông Đáy, với con đường dẫn ra đê hai bên trồng phi lao. Chăn trâu ở triền đê, thả diều trên mặt đê, đến trường trên đường đê… và không thể quên được buổi biểu diễn xiếc ngay dưới chân đê.    
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem