Đến Đồng Tháp, nhắm khô cá lóc, thưởng rượu sen hồng, ăn chuột quay lu cùng cá nướng

N.A Thứ bảy, ngày 28/01/2023 19:07 PM (GMT+7)
Khô cá lóc Đồng Tháp Mười, rượu sen hồng, chuột đồng quay lu và cá lóc nướng cuốn lá sen non được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Hội kỷ lục gia Việt Nam) công nhận thuộc Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (năm 2021 - 2022).
Bình luận 0

Nhắc đến Đồng Tháp, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cánh đồng sen bạt ngàn tỏa hương thơm ngát cùng khung cảnh thanh bình, thơ mộng ít nơi nào sánh được. Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, sông ngòi dày đặc đã tạo ra một vùng đa sinh thái, sản vật dồi dào, nguồn lương thực, thực phẩm phong phú. Không chỉ mang đến những chuyến tham quan đầy ấn tượng, mà “đất sen hồng” Đồng Tháp còn hút hồn du khách với những đặc sản địa phương dân dã mà ngon miệng. Đặc biệt trong số đó chính là những đặc sản lọt top 100 món ăn đặc sản và đặc sản quà tặng Việt Nam.

Ðồng Tháp Mười là vùng đất trũng nhưng lại phù hợp cho loài cây sống trong bùn và vươn lên khỏi mặt nước. Trên con đường khẩn hoang của mình, người dân Ðồng Tháp đã được thiên nhiên bạn tặng loài cây sen và họ đã biết tận dụng cây sen từ vẻ đẹp đến công dụng y học và ẩm thực. Các món ẩm thực từ sen vô cùng hấp dẫn và đa dạng. Từ ngó sen đến hạt sen, tim sen, lá sen đều có thể sử dụng để tạo ra nhiều món ăn với hương vị hấp dẫn khó quên tốt cho sức khỏe.

1. Đặc sản Đồng Tháp: Rượu sen hồng

Sen hồng được xem là biểu tượng của tỉnh Đồng Tháp. Các dịch vụ ngắm cảnh đồng sen hay thưởng thức các món đặc sản từ sen đã góp phần tạo chuỗi giá trị kinh tế cao tại vùng đất này.

Đến Đồng Tháp, nhớ thưởng rượu sen hồng, nhắm khô cá lóc, ăn cá nướng cùng chuột quay lu - Ảnh 1.

Để sản xuất được Rượu Hồng Sen Tửu thành phẩm và mang đậm hương vị sen thì phải qua thời gian ngâm ủ từ 6 đến 16 tháng, thành phần chính của rượu là nếp, men, củ sen, hạt sen và tim sen.

Một trong những đặc sản nổi bật từ sen là rượu sen hồng, vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận thuộc Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (năm 2021 - 2022).

Để làm ra những ly rượu sen thơm ngon, các nguyên liệu đều được chọn lựa và chế biến kỹ càng. Tim sen, củ sen, hạt sen... đều phải được phơi khô qua vài nắng. Sau đó, đem hạt sen xay thành bột để làm men bột rồi đem ủ cùng với tim sen, củ sen, hạt sen theo một công thức bí truyền. Thời gian ủ ít nhất phải trong vòng 6 tháng.

Sau đó, ủ với nhụy sen vào để tăng hương vị. Đặc biệt, phải thu hoạch nhụy sen từ sáng sớm tinh mơ, lúc những giọt sương vẫn còn đọng lại và chưa bị tác động của ánh nắng mặt trời.

Khi nhấm nháp vài ngụm người ta như bị vấn vương bởi men say đặc trưng rất riêng của vùng đất này. Đồng thời, việc ướp cùng nhụy sen sẽ giúp người uống cảm nhận hương sen thoang thoảng khi thưởng rượu.

2. Đặc sản Đồng Tháp: Cá lóc nướng cuốn lá sen non

Cá lóc nướng trui là món ăn dân dã đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi đất phương Nam của dân tộc Việt. Biến tấu từ món cá lóc nướng trui, người dân Đồng Tháp Mười dùng thêm lá sen non tạo ra món ăn đặc sản với tên gọi mộc mạc là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non.

Đến Đồng Tháp, nhắm khô cá lóc, thưởng rượu sen hồng, ăn chuột quay lu cùng cá nướng - Ảnh 2.

Đặc sản Đồng Tháp: Cá lóc nướng cuốn lá sen non

Cá được nướng nguyên con, giữ lại bộ đồ lòng. Sau khi nướng, Cá được bổ đôi dọc sống lưng và rưới lên hành lá trụng qua dầu sôi cùng một ít đậu phộng… Nước chấm được chế biến từ nước mắm cá linh và me chín dốt, nêm thêm ít gia vị, tỏi, ớt sao cho có vị mằn mặn, thơm lừng của nước mắm gốc, vị chua của me, vị ngọt của đường, cay của ớt.

Gắp miếng cá lóc lóc cuốn cùng lá sen non và các đồ ăn kèm, chấm thêm nước mắm me, thực khách cảm nhận đầy đủ vị chua, chát, mặn, ngọt… Da cá lóc vừa béo vừa giòn, thịt cá ngọt, thơm bùi, ruột cá đắng dịu, vị lá sen non chát nhẹ, thoang thoảng mùi hương sen, khiến thực khách khó thể cưỡng lại.

3. Đặc sản Đồng Tháp: Chuột đồng quay lu

Sau mỗi mùa gặt, người dân vùng Cao Lãnh lại bắt đầu săn những con chuột béo múp do ăn nhiều thóc lúa để chế biến thành nhiều món khác nhau như: chuột xào lăn, xé phay, chuột xối mỡ, luộc cơm mẻ, xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng,…nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là món chuột quay lu. Khi nếm miếng thịt chuột đồng có da giòn tan, thịt chín mềm, thơm lừng và đậm đà chẳng kém gì thịt hươu, thịt nai bạn sẽ biết tại sao đây là là một trong những đặc sản nổi tiếng Ðồng Tháp không thể bỏ.

Đến Đồng Tháp, nhắm khô cá lóc, thưởng rượu sen hồng, ăn chuột quay lu cùng cá nướng - Ảnh 3.

Đặc sản Đồng Tháp: Chuột đồng quay lu

Để đem đi quay lu phải là những chú chuột của mùa lúa tháng 9, tháng 10 đã ăn no lúa chín, béo múp. Sau khi làm sạch, chuột sẽ được tẩm ướp gia vị khoảng 15 phút rồi cho vào lu để quay. Sau khi chín, chuột sẽ chín vàng thơm, ngon và cực kì hấp dẫn.

Việc nướng cũng yêu cầu sự khéo léo khi phải vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị. Để sao cho lớp da bên ngoài giòn, vàng óng, không bị khô quá mà bên trong thịt vẫn chín mềm.

Ăn kèm chuột nướng là chén muối tiêu chanh cùng với các loại rau như rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo... Xé một miếng thịt chuột quay lu giòn rụm chấm vào chén muối tiêu chanh. Nhai từ từ trong miệng để cảm nhận độ giòn của thịt chuột, độ béo của mỡ chuột tươm ra, độ ngọt dai của từng thớ thịt, quyện chút nồng của rau răm, chút chát của chuối xanh.

4. Đặc sản khô cá lóc Đồng Tháp Mười

Là vùng đất đầu nguồn sông Tiền, từ xưa đến nay, sản vật ở mảnh đất Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp) vào mùa nước nổi rất phong phú, đặc biệt là cá lóc nhiều vô số. Vì vậy, ngoài việc đánh bắt, nghề làm khô cá ở đây cũng rất phát triển. Khô lóc Tràm Chim được cho là đặc sản danh tiếng vùng đất này với những kỹ thuật tẩm ướp, phơi cá cực kỳ công phu khiến những miếng cá lóc vẫn giữ hầu như nguyên vẹn hương vị tươi ngon của loài cá đồng đất nơi đây.

Đến Đồng Tháp, nhắm khô cá lóc, thưởng rượu sen hồng, ăn chuột quay lu cùng cá nướng - Ảnh 4.

Dù khá phổ biến tại miền Tây, khô cá lóc Đồng Tháp Mười lại mang một hương vị rất riêng. Để làm ra những con khô cá lóc ngon, ngọt và thịt dai nhất, nguyên liệu phải là cá lóc còn sống, tươi ngon.

Để làm khô, cá sẽ được đánh vảy, bỏ nội tạng, đầu mang và vây rồi đem đi rửa sạch và để ráo. Người làm sẽ dùng kéo xẻ dọc mình cá loại bỏ xương sống, cắt mình cá thành 4 đường dọc để cá thấm gia vị đều, nhanh khô và khô đều.

Sau đó, đem cá đi ướp cùng với muối, tiêu hạt đập dập, ớt tươi xay, thêm một chút sả đập nhỏ và chút nghệ cho cá bớt mùi tanh. Để khoảng 2 - 3 tiếng cho gia vị ngấm vào cá thì đem đi phơi.

Phơi là công đoạn khó và đòi hỏi nhiều tỉ mỉ, công phu. Phải canh theo từng cơn nắng để trở bề cho khô cá đạt đủ độ "chín" tới. Nếu để "chín" quá thì sẽ mất ngon, còn chưa đủ "chín" thì dễ bị hôi thối.

Có vô vàn cách chế biến khô cá lóc ngon miệng. Có thể kể đến như gỏi xoài khô cá lóc, khô cá lóc gỏi sầu đâu, khô cá lóc chiên, khô cá lóc nướng, khô cá lóc hấp, canh chua khô cá lóc, khô cá lóc nhúng mẻ, khô cá lóc kho thịt ba chỉ, … Và đương nhiên, món nào cũng ngon miệng và khiến thực khách khó có thể chê được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem