Tổng đàn gà toàn huyện là khoảng 1,02 triệu con; trong đó đàn gà thịt là 479,656 con tập trung chủ yếu ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn. Quy mô chăn nuôi từ 500-600 con gà thịt/hộ. Gà đồi Sóc Sơn được biết đến khác với gà ở các vùng khác bởi chất lượng thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Giá bán ra thị trường là khoảng 80.000 – 90.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 – 40.000 đồng so với gà thường.
Gà đồi Sóc Sơn. Ảnh minh họa
Để tạo ra được những con gà “sạch” như vậy, đa số các hộ chăn nuôi đều áp dụng mô hình chăn nuôi sạch từ tuyển chọn con giống, khâu chăn nuôi đến khâu tiêu thụ. Gà được phân thành từng khu theo độ tuổi để có chế độ chăm sóc phù hợp. Gà được thả vườn với thức ăn cho gà thường được tận dụng từ thiên nhiên hoặc các phụ phế phẩm nông nghiệp như ngô, cám, rau xanh để đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuồng trại được vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Trước khi gà xuất chuồng 2 tháng sẽ ngừng việc tiêm vaccin để gà đào thải hết các chất tồn dư và cũng để chất lượng gà ngon, sạch và an toàn cho người tiêu dùng hơn.
Từ năm 2013, UBND huyện Sóc Sơn phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, thực hiện ở xã Nam Sơn và Bắc Sơn.
Với lợi thế là vậy nhưng trước đây, một trong những khó khăn lớn nhất còn tồn tại đó là đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, giá trị kinh tế từ chăn nuôi mang lại chưa thỏa đáng với công sức bỏ ra. Người chăn nuôi vẫn phải tự tiêu thụ qua thương lái nên vẫn còn tình trạng bị ép giá, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn thấp nên chưa thể kết nối được với hệ thống siêu thị, khách sạn cao cấp.
Để giải quyết vấn đề trên, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi, các hộ ấp nở và kinh doanh gia cầm cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, với sự tư vấn và hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn và các ban ngành liên quan, đầu năm 2015, Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn đã được thành lập. Hiện Hội có 29 hội viên, phấn đấu đến năm 2016 số hội viên đạt khoảng 100 hộ, tương đương với khoảng 0,5 – 0,6 triệu con gà, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn thịt gà sạch.
Có thể nói đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy tình hình chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn theo chuỗi liên kết trên địa bàn huyện cũng như mổ rộng ra các địa phương khác. Hội sẽ là đầu mối để liên kết và thực hiện nhiệm vụ quản lý chặt chẽ quy trình chăn nuôi, tư vấn, hướng dẫn phát triển hệ thống chăn nuôi, xây dựng thương hiệu”gà đồi Sóc Sơn” nhằm cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm sạch, chất lượng và an toàn. Với sự ra đời của Hội, lượng tiêu thụ gà ra thị trường đã tăng đáng kể, đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt.
Để ngày một nâng cao giá trị kinh tế cũng như chất lượng sản phẩm, Hội đang tiến tới xây dựng một quy trình chăn nuôi thống nhất, kiểm soát dịch bệnh thường xuyên đồng thời hỗ trợ về con giống để giảm chi phí đầu vào. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, xây dựng lò mổ đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Có như vậy, sản phẩm gà đồi Sóc Sơn mới đứng vững được trên thị trường và dần đi vào các siêu thị, khách sạn, bếp ăn một cách có hệ thống, không phải qua trung gian phân phối, người chăn nuôi sẽ có thu nhập “xứng đáng” với công sức bỏ ra.
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đang triển khai một số hoạt động hỗ trợ Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn trong việc xúc tiến thương mại như: Tập huận tăng cường liên kết nhóm và khả năng nắm bắt thị trường cho các hộ sản xuất; đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông để giới thiệu sản phẩm; Hội thảo nhận diện sản phảm an toàn chất lượng cho người tiêu dùng và tìm kiếm các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn để kết nối cho tiêu thụ sản phẩm cho Hội… Hy vọng với sự lớn mạnh của sản phẩm gà đồi Sóc Sơn trong thời gian tới, người tiêu dùng Thủ đô sẽ được thưởng thức món thực phẩm đặc sản độc đáo đồi gò.
Hồng Huệ (XTTMNNHN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.