Hoàng Ba Đình
Thứ ba, ngày 16/08/2022 09:32 AM (GMT+7)
Gò Vấp có riêng một món đặc sản không nơi nào có được. Đó chính là... máy bay đáp liên tục từng giờ. Cứ đứng ngay khu vực ngã tư Nguyễn Oanh – Phan Văn Trị sẽ thấy những chiếc máy bay nhìn từ xa như chuồn chuồn đập cánh...
Kể về các điểm đặc sắc ở các quận, hầu như quận nào cũng có. Có mỗi quận Gò Vấp hơi chán thì phải. Cô Vân (phường 12, Gò Vấp) từng nhận xét: "Quận này đa phần chỉ để làm chỗ ở. Trung tâm giải trí, di tích… không nhiều. Đôi lúc muốn tìm một cái bể bơi cũng không thấy".
Nhưng anh Huy mía (ngụ Tân Bình) cho rằng: "Gò Vấp có riêng một món 'đặc sản' không nơi nào có được. Đó chính là máy bay đáp từng giờ liên tục. Cứ đứng ngay khu vực ngã tư Nguyễn Oanh – Phan Văn Trị sẽ thấy những chiếc máy bay nhìn từ xa như chuồn chuồn đập cánh...".
Còn anh Đức Thịnh (quận 10) lại kể: "Có lần em đi ngang ngã tư này, tự nhiên nghe một tiếng gầm như tiếng sấm trên bầu trời. Kèm theo đấy là một cái bóng rất lớn vụt nhanh qua. Đến lúc ngước lên nhìn thì ra là chiếc máy bay đang lao nhanh về phía sân bay".
Chị Hà từng ở trong ký túc xá của Đại học Công nghiệp nhớ lại: "Lúc tôi vào ký túc xá là hồi đầu mấy năm 2000. Ký túc xá lúc đó thuộc hàng những tòa nhà cao nhất của Gò Vấp. Chiều chiều nhìn máy bay đáp liên tục mà thầm sợ rằng không biết có ông nào đột ngột chuyển hướng bay về hướng này hay không".
Với anh Bảo Hiếu (phường 17) lại có trải nghiệm khác. Anh Hiếu kể: "Tôi thường đi đá banh. Mỗi khi máy bay bay ngang, lâu lâu lại nổi máu trẻ thơ, bèn hô lên "máy bay ném bom, nằm xuống bay ơi"… là cả bọn bỏ bóng nằm sát xuống đất, y như mấy bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh. Xong cả bọn nhìn nhau cười hềnh hệch.
Tiếng máy bay vơi nỗi nhớ quê nhà
Máy bay hạ cánh liên tục, đối với những người sống và làm việc lâu năm ở đây đã trở nên quá quen thuộc. Anh Minh Hải (40 tuổi) làm việc tại một công ty gần ngã tư Nguyễn Oanh – Phan Văn Trị, kể: "Quê tôi ở dưới miền Tây. Lên Sài Gòn làm, tôi nhớ đến khắc khoải cái tiếng ghe bầu chạy đêm đêm trên sông. Nhưng cũng may, nhờ có tiếng máy bay bay qua bay lại liên tục, làm tôi cũng vơi nỗi nhớ quê nhà".
Clip một máy bay đang hạ cánh
Còn với chú Thiện (bảo vệ một công ty trên địa bàn) lại cho biết: "Từ quê lên Sài Gòn làm, công việc cũng vất vả. Bởi đặc thù nghề nghiệp, nên chẳng có buổi trưa nào được ngồi ăn uống trong nhà cửa mát mẻ đàng hoàng, mà phải ngồi ngoài vỉa hè để ăn cơm và trông xe cho khách hàng.
Nhưng tôi có thể tự hào khẳng định rằng, tôi là một trong những người ăn trưa có view đẹp nhất Sài Gòn. Người ta có view biển, view núi, view cao ốc… Riêng tôi, vừa ăn vừa ngắm máy bay đáp. Nghe đâu có ông bỏ ra cả đống tiền để được vừa đánh golf vừa ngắm máy bay. Riêng tôi, chẳng tốn xu nào vẫn ngắm máy bay liên tục".
Chú Thiện tiếp lời: "Có một điều tôi khá thắc mắc, chẳng hiểu vì sao hễ máy bay đáp là lại đáp ở hướng Gò Vấp, mà lại không ở hướng khác? Rõ ràng bốn phương tám hướng, đáp từ hướng nào không được, sao cứ phải đáp từ hướng này".
Điểm "land" đặc biệt
Về điều này, chị Kelly Xie (từng làm tiếp viên hàng không giải thích): "Mỗi sân bay sẽ có một điểm "land" riêng biệt. Tức là không biết máy bay từ đâu đến, muốn đáp xuống sân bay đó, phải đến một điểm đã được quy định sẵn, từ đó nhắm thẳng đúng một đường để đáp xuống sân bay. Với sân bay Tân Sơn Nhất, điểm "land" được quy định ở khu vực hồ Trị An (Đồng Nai), từ đó mới đáp xuống sân bay. Cho nên từ hướng Trị An đáp xuống, thì kiểu gì kiểu, cũng phải bay ngang khu vực Gò Vấp".
Rồi chị nói thêm: "Ngoài ra, sân bay Tân Sơn Nhất cũng quy định luôn hướng cất cánh là hướng về Tân Bình, bay ra hướng đường Trường Chinh. Khi lấy đủ độ cao, máy bay mới điều chỉnh hướng bay về điểm đến".
Anh Huy Mía thắc mắc: "Tôi làm hướng dẫn viên du lịch. Bay đi Phú Quốc cũng nhiều, nhưng lần nào cũng thấy chuyến bay đi lại nhanh hơn hẳn chuyến bay về. Té ra là tại cái điểm "land" này. Theo đó, khi bay đi Phú Quốc, máy bay bay về hướng Trường Chinh, cùng hướng đi Phú Quốc. Đến khi bay về, lại phải đánh thêm một vòng ra hướng hồ Trị An rồi vòng lại, nên bị mất thêm một ít thời gian.
Tìm điểm ngắm máy bay
Đã gọi là "đặc sản", thì không lẽ lại cứ đứng ngoài đường ngó lên trời để ngắm. Thành thử hiện tại đã có một số quán cà phê trên đường Quang Trung mở ra để mọi người vào uống nước, ngắm máy bay.
Anh Quang Tùng (quận Bình Tân) chia sẻ: "Tôi có nhiều bạn bè ở các địa phương khác. Khi họ đến chơi, tôi thường dẫn họ đi uống cà phê tại các quán cà phê sân bay.
Đơn giản vì cà phê nơi nào cũng có, nhưng vừa uống cà phê vừa ngắm máy bay, thì không phải nơi nào cũng có như Sài Gòn. Nên đi vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối, chứ đi buổi trưa thì khá nắng. Bởi vì để ngắm máy bay nên các quán không có phòng lạnh hay mái che gì cả".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.