Đặc sản Hà Nội, hồng xiêm Xuân Đỉnh, bí quyết chiết "10 cành đẹp cả 10" của nghệ nhân 90 tuổi ở Xuân Đỉnh

Nguyễn Tùng Thứ ba, ngày 11/04/2023 18:48 PM (GMT+7)
Ông Phạm Kim Tần ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã gắn bó với nghề chiết cây giống hồng xiêm Xuân Đỉnh hơn nửa đời người. Năm nay ông Tần đã 90 tuổi và thôi làm nghề, người làng vẫn nhớ ông lão với đôi tay chiết thứ cây giống cho quả là đặc sản Hà Nội.
Bình luận 0

Nghệ nhân chiết hồng xiêm Xuân Đỉnh đặc sản

Phóng viên Báo Điện tử Dân Việt ghé thăm Xuân Đỉnh trong tiết trời mát mẻ cuối tháng ba. Dừng chân gặng hỏi về vị nghệ nhân chuyên chiết hồng Xuân Đỉnh, tôi được các vị cao niên trong làng vui vẻ chỉ đường đến nhà ông Phạm Kim Tần.

Ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ 335. Đường Xuân Đỉnh tuy nhiều ngã rẽ, khó đi nhưng may thay người dân nơi đây hầu như đều thân thuộc hoăc ít nhất từng nghe danh vị nghệ nhân đặc biệt này.

Bí quyết chiết giống hồng xiêm Xuân Đỉnh "10 cành ưng ý cả 10" của nghệ nhân 90 tuổi ở Xuân Đỉnh - Ảnh 1.

Ông Phạm Kim Tần bên gốc hồng xiêm Xuân Đỉnh hơn 50 năm tuổi. Ảnh: Nguyễn Tùng:

"Ông Tần trông vậy mà có tuổi hơn tôi nhiều. Người dân Xuân Đỉnh, đặc biệt những gia đình từng trồng hồng xiêm quanh đây ai mà không biết đến ông ấy. Có khi hai phần ba số cây hồng xiêm của làng đều do một tay ông Tần chiết", ông Phạm Mạnh, một người dân sống hơn 70 năm tại Xuân Đỉnh xởi lởi khi được hỏi đường đến nhà ông Tần.

Gặp gỡ ông Tần, tôi ngạc nhiên khi được biết tuy năm nay ông đã ngoài 90 nhưng vẫn vô cùng nhanh nhẹn và minh mẫn. Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nông, song kinh nghiệm và kỹ năng chiết cành hồng xiêm của ông Tần lại chủ yếu nhờ học hỏi ở nhiều nơi, tích luỹ lâu ngày mà thành.

"Năm nay tôi 90 tuổi. Tôi bắt đầu nghề chiết hồng xiêm này từ những năm 1968, đến nay đã làm khoảng 55 năm. Hồi đó đi bộ đội phải hành quân ở nhiều nơi, sang cả Lào nên tôi có nhiều cơ hội được gặp mặt và trò chuyện với các nghệ nhân giàu kinh nghiệm trong việc chiết cành. Ngày đó làm gì có sách vở gì đâu, nghe nhiều, làm nhiều rồi tự khắc thành thạo", ông Tần bồi hồi kể lại.

Bí quyết chiết giống hồng xiêm Xuân Đỉnh "10 cành ưng ý cả 10" của nghệ nhân 90 tuổi ở Xuân Đỉnh - Ảnh 2.

Nhà ông Tần tuy không có đất vườn nhưng trước sân nhà luôn rợp bóng những cây hồng xiêm do chính tay ông chiết khi mới làm nghề. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Ban đầu, mỗi lần chiết chỉ có giá 25.000 đồng/cành nhưng cũng là một số tiền không nhỏ thời đó. Theo thời gian, kinh nghiệm của ông Tần ngày càng hoàn thiện thì càng nhiều người nghe danh về vị nghệ nhân chiết hồng nổi tiếng làng Xuân Đỉnh, giá cả cũng từ đó tăng lên 40.000-50.000 đồng/cành, thậm chí 150.000-200.000 đồng/cành. Đặc biệt, những cành chiết to bằng bắp chân, mất thời gian chăm sóc 2-3 năm được nhiều người trả giá hơn 10 triệu đồng.

Bí quyết chiết giống hồng xiêm Xuân Đỉnh "10 cành ưng ý cả 10" của nghệ nhân 90 tuổi ở Xuân Đỉnh - Ảnh 3.

Không số điện thoại, không biển hiệu, phía trước nhà ông Tần chỉ có vỏn vẹn vài dòng chữ ngắn ngủi nhằm thông báo cho những vị khách ghé thăm. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Nếu trước đây cụ Đỗ Đình Nhượng được biết đến là "ông tổ" của hồng xiêm Xuân Đỉnh thì ông Tần chính là người có công bảo vệ và lan toả những giá trị của thức quà ngọt ngào bậc nhất Hà Thành này. Vài chục năm trước, phải đến 2 phần 3 số cây hồng xiêm quanh khu vực làng Xuân Đỉnh do chính tay ông chiết hoặc hướng dẫn chiết.

"Cây hồng xiêm trông vậy nhưng không phải lúc nào cũng chiết được và phải chọn cành. Muốn chiết nhanh thì dùng thuốc nhưng rất dễ làm giảm chất lượng của cây nên tôi không thích. Tốt nhất nên chiết vào mùa xuân, nhiệt độ khoảng 36-37 độ C và đặc biệt phải chọn cành nằm ở hướng Đông-Tây vì hấp thụ nhiều ánh sáng", ông Tần chia sẻ thêm.

Ngoài hồng xiêm, ông Phạm Kim Tần cũng có nhiều kinh nghiệm trong chiết, ghép nhiều loại cây khác như ổi, bưởi, cam, xoài…

Sẵn sàng hướng dẫn từ cách chiết, cách ghép giống hồng xiêm Xuân Đỉnh

Mặc dù đến với nghề nhờ cơ duyên và tài năng, lý do lớn nhất giúp ông Tần nổi danh, được nhiều người ủng hộ chính nhờ sự khiêm tốn, tận tâm và uy tín của một người nghệ nhân yêu nghề:

"Chiết xong tôi không bao giờ bán ngay mà cứ chờ khoảng 6 tháng - 1 năm để sau khi người ta mang về trồng không bị chết cành. Nếu vừa ra rễ đã bán ngay sẽ không thể đảm bảo được chất lượng. Như vậy người ta mất tiền, mình cũng mất uy tín".

Tiếng lành đồn xa, đã có nhiều thợ trồng cây, nguời yêu cây ở nhiều nơi như Thanh Hoá, Nghệ An,... không quản đường xa đến Hà Nội chỉ để một lần được gặp mặt và trò chuyện cùng người nghệ nhân đặc biệt này.

"Họ đọc trên báo hoặc nghe bạn bè kể về tôi, sau khi đến Xuân Đỉnh thì chỉ đích danh muốn gặp ông Phạm Kim Tần. Ngày đó, có nhiều ông cụ trên 70 tuổi đến vẫn thưa cháu, xưng con với tôi như thường", ông Tần vui vẻ kể.

Cảm thấy lợi nhuận đáng kể từ công việc chiết cành giống hồng xiêm Xuân Đỉnh, trước đây có vài người muốn thử sức, đến xin học hỏi kinh nghiệm làm nghề từ ông Tần nhưng hiếm ai có thể trụ được quá lâu. Nhiều người cảm thấy lý thuyết đơn giản nhưng đến khi thực sự bắt tay vào làm mới thấy công việc này khó khăn vất vả như thế nào.

Bí quyết chiết giống hồng xiêm Xuân Đỉnh "10 cành ưng ý cả 10" của nghệ nhân 90 tuổi ở Xuân Đỉnh - Ảnh 5.

Ông Phạm Kim Tần ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã gắn bó với nghề chiết hồng xiêm Xuân Đỉnh hơn nửa đời người. Dù đã ngoài 90 tuổi và không còn trực tiếp hành nghề, người ta vẫn nhớ đến hình ảnh ông lão với đôi tay chiết hồng “độc nhất vô nhị làng Xuân Đỉnh”.

"Làm việc gì cũng vậy, nếu không rút kinh nghiệm thì khó mà giữ được lâu. Ban đầu, tôi chiết 10 cành chỉ cùng lắm được 7-8 cành. Sau này đúc kết dần dần và quen tay rồi thì chiết 10 cành ưng ý cả 10. Có vài cậu kỹ sư nông nghiệp tuy thuần thục kiến thức trong sách vở nhưng vẫn phải đến xin học hỏi kinh nghiệm của tôi. Quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì cùng cái tâm", ông Tần nhận định.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nghệ nhân Phạm Kim Tần vẫn vô cùng trân trọng cái nghề mà bản thân đã gắn bó hơn nửa đời người. Nhiều khi ông nhớ nghề, muốn chiết thử vài cành nhưng vì sợ khiến con cháu lo lắng cho sức khoẻ của mình nên đành thôi.

Bí quyết chiết giống hồng xiêm Xuân Đỉnh "10 cành ưng ý cả 10" của nghệ nhân 90 tuổi ở Xuân Đỉnh - Ảnh 6.

Nhìn những cành hồng xiêm Xuân Đỉnh bản thân đã chiết trưởng thành cây cao, kết trái chín mọng luôn khiến ông Tần cảm thấy vui vẻ, thoả mãn. Hồng xiêm Xuân Đỉnh là một trong những đặc sản Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Cũng như nhiều người dân Xuân Đỉnh, diện tích trồng hồng xiêm ngày càng giảm cũng là nỗi bận tâm rất lớn của ông. Thay vì lựa chọn "giấu nghề", khát khao của ông Tần lại là được lan toả, phổ biến những kỹ thuật bản thân đã tích luỹ cả đời cho thế hệ trẻ.

"Tôi không giấu nghề. Người ta đến hỏi tôi sẵn sàng hướng dẫn từ cách chiết, cách ghép đến cách trồng và chăm sóc. Có mấy người khuyên tôi bán nghề nhưng chút tiền đấy tôi không tham. Giờ xã hội không như ngày xưa nữa, tôi muốn nhân rộng, phổ biến cho càng nhiều người người càng tốt để sau này nhỡ mình không còn thì nghề vẫn còn đó", ông Tần chia sẻ, "Uy tín của mình là do bản thân tạo ra chứ không ai đem đến cho, biết nghề là phải chia sẻ thì mới được trường tồn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem