"Đặc sản" hiếm hoi xứ Gò Công: Con đường siro đỏ mọng la liệt trái

Chủ nhật, ngày 01/09/2019 14:21 PM (GMT+7)
Là vùng đất nổi tiếng thơ mộng sản sinh ra những phụ nữ danh tiếng như Nam Phương Hoàng hậu, Thái hậu Từ Dũ… Gò Công tiếp tục thu hút khách thập phương vì cảnh sắc tươi đẹp của mình. Trong đó có con đường nổi tiếng với hàng cây siro chín đỏ mọng rất đẹp.
Bình luận 0

img

Hàng cây si rô xứ Gò Công

Mỗi ngày có hàng trăm bạn trẻ từ nhiều nơi, nhất là TPHCM ghé tới tham quan, chụp hình kỷ niệm cũng như tìm hiểu về loài cây siro còn ít người biết đến này. Được biết, hàng cây siro này thuộc địa phận xã Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang).

Nhắc đến Gò Công, nhiều người thường liên tưởng tới trái sơ ri, được coi như đặc sản, được chọn làm hình ảnh du lịch quảng bá cho vùng đất này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Gò Công còn được nhiều người biết đến nhờ vào những hàng cây siro chín đỏ.

Siro là loại cây không thông dụng, ít được trồng. Nhưng nhiều người dân ở ấp Giồng Lãnh 1 (xã Tăng Hoà) lại chọn lựa cây siro để trồng quanh vườn, làm hàng rào trước nhà. Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, nơi này bỗng chốc trở thành con đường siro chín đỏ, được nhiều người tìm đến để “check in”.

Theo bà Nguyễn Thị Ba, 67 tuổi, một người dân ở đây, cây siro được người dân trồng từ lâu, nhiều gia đình có hàng chục cây. “Trái của chúng tuy ăn không ngon ngay cả khi đã chín nhưng nếu nấu lên, trái siro có thể làm nước cốt pha uống rất mát, vị ngọt thanh thanh chua chua. Đặc biệt trái siro có thể lên men để làm rượu, quy trình như một số loại rượu vang khác. Vị rượu vang siro gần giống với vị rượu sim rừng. Khi trái chín, mình hái rồi rửa sạch, bỏ vào ngâm với đường cát, tuỳ tỷ lệ. Khoảng hơn một tháng, siro cho ra nước cốt, gọi là mật siro. Đem mật này tiếp tục ủ cùng rượu gạo trắng khoảng bốn năm tuần là bắt đầu cho ra rượu vang siro. Còn nếu sử dụng mật siro để uống thì không cần cho rượu trắng vào. Ở đây, nhà nào cũng có mấy hũ mật hay rượu si rô, thường là chuẩn bị cho dịp cuối năm”, bà Ba cho biết.

Theo bà Ba, cây siro chỉ cao chừng 3-4 mét và tán không rộng nhưng lại cho rất nhiều trái. “Nhà tôi trồng 6 cây trước nhà, mỗi vụ chia thành nhiều đợt hái, mỗi đợt hái được khoảng mấy chục kí. Năm ngoái nhà tôi thu được vài trăm ký trái. Trái chín bỏ vô lu ướp đường lấy nước xài dần. Ủ càng kỹ, nước càng thơm ngọt chứ không hư”.

img

Rất đông bạn trẻ tới chụp hình con đường này

Ông Long, hàng xóm của bà Ba, người cũng trồng siro trước nhà cho biết, ngoài tác dụng cho trái, cây siro nhìn rất đẹp vì trái chín màu đỏ tươi. “Từ ngày con đường này được nhiều người biết tới, có rất nhiều báo, tivi về đưa tin, quay phim. Nghe nói có cả kênh truyền hình nước ngoài nữa. Dịp cuối tuần, nơi này luôn nhộn nhịp các bạn trẻ tới ghé thăm, chụp hình. Dạo gần đây có cả mấy đôi uyên ương tới chụp hình cưới nữa. Nhìn quen thì vậy, chứ khi lên hình, trông đẹp lung linh”, ông Long vừa cười vừa kể.

Ghé nhà ông Long, chúng tôi uống thử một chén nước siro ướp đá mát lạnh còn thơm mùi trái chín và được ông kể thêm: “So về giá trị kinh tế thì cây siro này chẳng là gì với những nhãn, mít hay ổi, táo, sơ ri nhưng rất lạ là nhiều người dân ở đây lại chọn để trồng. Ban đầu chỉ trồng chơi chơi thôi, không ngờ bây giờ nó lại được nhiều người biết đến vậy. Dù khách tham quan, chụp hình nhiều nhưng người dân ở đây không lấy tiền của ai. Ai có nhu cầu mua mật siro, rượu vang siro thì họ bán thêm mà thôi.

Từ con đường huyện lộ dẫn tới thị trấn Vàm Láng, rẽ vào con đường nhỏ xuyên qua ấp Giồng Lãnh 1 này chỉ khoảng gần hai cây số, chúng tôi bắt gặp tới hàng chục gia đình trồng cây siro trước cửa nhà. Cây có tán lá màu xanh ngọc um tùm nhưng không che khuất được những trái chín màu đỏ như đốm lửa.

Trái siro dù bị nhiều người nhầm lẫn với trái sơ ri nhưng thực ra đây là hai loại cây khác nhau rất nhiều. Trái của chúng cũng khác nhau, từ màu sắc bên ngoài cho tới công dụng thực sự. Và thực tế, trái siro cũng ít thông dụng hơn so với trái sơ ri. Chính vì nó ít thông dụng, giá trị kinh tế không nhiều nên khi nhiều người dân ở đây cùng trồng loại cây này khiến nó trở nên đặc biệt.

Cả một vùng quê yên bình nằm ven biển Vàm Láng bỗng chốc sôi động vì những bạn trẻ từ khắp nơi đổ về. Có ngày cuối tuần, hàng trăm bạn trẻ đi xe máy chật kín cả con đường quê nhỏ bé chỉ vì hàng cây siro này.

Và có thể, theo thời gian, sẽ có thêm nhiều cây siro hơn nữa, biến những con đường quê bình thường trở thành “đặc sản” hiếm hoi, riêng biệt của xứ Gò Công thơ mộng.

Đoàn Xá (Giáo dục thời đại)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem