"Tôi rất vinh dự và vui mừng được là Đặc sứ Khoa học và Công nghệ của Mỹ năm 2015 đến Việt Nam và các nước láng giềng. Qua chuyến thăm đầu tiên, tôi mong muốn tìm hiểu thêm về sự nghiệp khoa học ở đất nước tuyệt vời này nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, đồng thời hỗ trợ xây dựng và củng cố quan hệ đối tác giữa hai quốc gia chúng ta trên các lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ mới", Tiến sĩ Geraldine L. Richmond, Đặc sứ Khoa học Mỹ nói.
Tiến sĩ Geraldine L. Richmond, Đặc sứ Khoa học và Công nghệ của Mỹ năm 2015. Ảnh: chemistry.uoregon.edu
Trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày, bà Richmond sẽ thăm Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, bà sẽ gặp gỡ đại diện cộng đồng khoa học, học thuật và kinh doanh để thảo luận phương hướng xây dựng, tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học và kỹ sư của Mỹ và Việt Nam.
Tiến sĩ Richmond là Chủ tịch khoa Hóa tại Đại học Oregon, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ. Nhà hóa học này từng được vinh danh với nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nghị trình khoa học của Mỹ thông qua hoạt động tại nhiều hội đồng khoa học và nhóm tư vấn. Bà hiện giữ chức chủ tịch đắc cử của Hiệp hội Mỹ vì Sự tiến bộ Khoa học (AAAS), là người được tổng thống chỉ định tại Hội đồng Khoa học Quốc gia.
Đặc sứ cũng là người sáng lập, chủ tịch Uỷ ban vì sự tiến bộ của các nhà hóa học nữ (COACh), một tổ chức cơ sở cung cấp chương trình đào tạo và mạng lưới chuyên môn cho hơn 12.000 nhà khoa học nữ ở Mỹ và các nước phát triển.
Chương trình Đặc sứ Khoa học là một nhân tố cốt lõi trong cam kết của chính phủ Mỹ về sự gắn kết toàn cầu trong khoa học và công nghệ. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chương trình này ở Cairo, Ai Cập hồi tháng 6/2009. Từ khi chương trình bắt đầu cho đến nay, các đặc sứ đã đến thăm 25 quốc gia.
(Theo VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.