Đại An (Đại Lộc): Khởi sắc nhờ nông thôn mới

Đoàn Hồng Thứ sáu, ngày 18/07/2014 06:03 AM (GMT+7)
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống người dân ở xã Đại An (Đại Lộc, Quảng Nam) đã thay đổi rõ rệt. Diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày.
Bình luận 0

Thay da đổi thịt

Theo ông Huỳnh Sáu - Chủ tịch UBND xã Đại An, xã được chia tách từ xã Đại Hòa cũ có tổng diện tích 664ha, chủ yếu là đất hoa màu và đất lúa; dân số hơn 7.650 người và 10 thôn. Đại An có vị trí địa lý khá thuận lợi, cách trung tâm huyện Đại Lộc chừng 3km...

Đặc biệt, Đại An có đất đai phù sa và hàng năm được 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia bồi đắp màu mỡ, thích hợp cho việc gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để Đại An bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM.

“Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay, Đại An đặc biệt chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó hạ tầng về nông nghiệp được địa phương ưu tiên số một. Ngoài ra, Đại An đã ưu tiên phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng thiết yếu. Hiện nay, có sở vật chất tương đối được đầu tư đồng bộ, trường học, trạm y tế, đường giao thông đã đạt chuẩn…”- ông Sáu chia sẻ.

Ông Sáu thông tin thêm, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và người dân, đến nay sau hơn 3,5 năm xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở nhiều vùng quê của Đại An đã “thay da đổi thịt” nhanh chóng. Hiện nay xã đã đạt 14/19 tiêu chí và có 3-4 tiêu chí gần đạt. Mục tiêu phấn đấu của xã là đến năm 2015 hoàn thành xã NTM.

Tăng thu nhập cho nông dân

Cái được lớn nhất của Đại An chính là xây dựng được đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng NTM, vì vậy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa đang được địa phương này đẩy mạnh. Trong đó, trọng tâm của đề án là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo ông Sáu, thời gian qua được sự hỗ trợ của các cấp và ngành nông nghiệp huyện, địa phương đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình trồng đậu xanh; Mô hình cánh đồng sản xuất rau xanh tại Bàu Tròn với trên 47ha. Nông dân có thu nhập khá cao từ các cánh đồng này, bình quân 180-200 triệu đồng/1ha. Hiện nay, cánh đồng Bàu Tròn đã được đăng ký thương hiệu và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại An (Đại Lộc) cho biết, ngoài việc làm “bà đỡ” cho các hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, đơn vị đã tham gia tích cực trong xây dựng NTM.

Trong đó, đơn vị đã mạnh dạn mở rộng các dịch vụ để phục vụ tốt cho bà con. Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, HTX liên kết với doanh nghiệp cung ứng giống đậu xanh cho bà con sản xuất. Hiện tại, việc đưa cây đậu xanh vào trồng tại các cánh đồng cũng cho thu nhập khá cao, bình quân mỗi ha cho thu nhập gần 700 triệu đồng... Nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

“Trên những cánh đồng của Đại An, nông dân đang khá giả lên. Bà con tham gia sản xuất hoa màu tại các cánh đồng mẫu lớn có thu nhập ổn định, với giá trị kinh tế tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đây…”- ông Sáu khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem