Đại biểu QH nêu tình hình Biển Đông để góp ý dự Luật cảnh sát biển

Ngọc Lương Thứ sáu, ngày 08/06/2018 14:45 PM (GMT+7)
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định như dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam để tránh hiểu cảnh sát biển là lực lượng quân sự, dẫn đến bất lợi trong ứng xử giữa lực lượng chấp pháp của các quốc gia khác với cảnh sát biển trên khu vực Biển Đông, không để các thế lực thù địch lợi dụng, khiêu khích, tạo xung đột vũ trang.
Bình luận 0

img

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội).

Sáng nay (8.6), Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật cảnh sát biển Việt Nam. Nhiều đại biểu khi góp ý đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sớm ban hành Luật cảnh sát biển.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay nước ngoài tăng cường diễn tập, hoạt động chấp pháp, nghiên cứu tôn tạo đảo, sử dụng tàu công vụ tổ chức xua đuổi ngăn cản, thậm chí sử dụng biện pháp cứng rắn làm tổn thất tài sản, gây thương vong cho ngư dân các nước và Việt Nam.

“Gần đây nước ngoài nâng cấp tàu du lịch đưa khách du lịch nước ngoài thường xuyên hơn ra Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều điểm khác trên Biển Đông. Hoạt động tội phạm vi phạm pháp luật trên biển như cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản”, đại biểu Bình nói.

Đại biểu Nguyễn Đình Cúc (Bà Rịa –Vũng Tàu) cũng đề cập tới vấn đề Biển Đông khi góp ý vào dự thảo Luật, Ông nói, tình hình trên biển diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển vẫn diễn biến phức tạp do chiến lược tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực; các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển. “Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng nặng nề hơn”, đai biểu Cúc nói và cho rằng việc xây dựng Luật cảnh sát biển là cấp bách.

Góp ý cụ thể vào điều luật, đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) đề nghị quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam như sau: Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng thường trực của Quân đội Nhân dân Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và sự ổn định vùng biển. “Quy định như trên vừa ngắn gọn, rõ vị trí, rõ chức năng”, đại biểu Được nói.

Phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật cho biết: Về quản lý nhà nước đối với cảnh sát biển một số ý kiến đề nghị làm rõ chủ thể quản lý nhà nước đối với cảnh sát biển trong dự thảo luật.

“Bộ Quốc phòng xin báo cáo, việc quy định vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với cảnh sát biển như dự thảo luật đảm bảo phù hợp với các khoản, các điều quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các điều quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.

Vẫn theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, dự thảo luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với cảnh sát biển nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong quản lý điều hành hoạt động của cảnh sát biển.

“Quy định như trên tránh hiểu cảnh sát biển là lực lượng quân sự, dẫn đến bất lợi trong ứng xử giữa lực lượng chấp pháp của các quốc gia khác với cảnh sát biển trên khu vực Biển Đông, không để các thế lực thù địch lợi dụng, khiêu khích, tạo xung đột vũ trang, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem