Đại biểu Quốc hội: Đánh thuế phân bón tạo gánh nặng cho người nông dân
Đại biểu Quốc hội: Đánh thuế phân bón tạo gánh nặng cho người nông dân
Quỳnh Nguyễn
Thứ hai, ngày 02/09/2024 13:00 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội đánh giá, nếu đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% có thể giải quyết bất cập cho doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón, tác động đến sản xuất nông nghiệp, đời sống người nông dân.
Áp 5% thuế VAT với phân bón là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua.
2 luồng ý kiến phương án áp thuế VAT 5% với phân bón
Theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai phương án được đưa ra để lấy ý kiến.
Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) như quy định hiện hành. Vì thuế VAT là thuế gián thu, người chịu thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế VAT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Quan điểm thứ hai thống nhất với cơ quan soạn thảo, chuyển nhóm ngành hàng này vào diện chịu thuế VAT 5%. Việc áp dụng thuế suất VAT 5% sẽ tác động tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần), đồng thời làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (đang chiếm 73,% thị phần), vì toàn bộ thuế VAT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí, mà được khấu trừ vào thuế đầu ra. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và ngân sách nhà nước sẽ không tăng do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước.
Với phương án này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán, nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, giá bán thực tế trên thị trường trong nước còn phụ thuộc vào giá phân bón thế giới - đang trong xu thế giảm dần do nguồn cung của thế giới đã dần phục hồi.
Áp thuế, chắn chắn làm tăng giá phân bón
Góp ý vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 5% có thể xử lý bất cập hoàn thuế VAT đầu vào cho doanh nghiệp nhưng chắn chắn làm tăng giá phân bón. Điều này sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống người nông dân.
Dẫn báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, có ý kiến cho rằng nếu đánh thuế doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ giảm giá thành, nhưng ông Mai nhận định, không thể bảo đảm giá phân bón giảm "diễn ra hay không".
Theo ông, kinh doanh của doanh nghiệp vận hành theo thị trường. Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp giảm giá thành phân bón. Từ đó, đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, không chịu thuế VAT.
Theo ông Nguyễn Trường Giang (Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật), VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Giá thành và giá bán là khác nhau. Có thể giá bán dưới giá thành, nhưng bối cảnh kinh tế thị trường, giá bán phải phù hợp với quốc tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, ngân sách có thêm 5.700 tỷ đồng, doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỷ đồng mỗi năm khi áp thuế 5% với phân bón. Tức là, ngân sách vẫn dư 4.200 tỷ đồng nếu mặt hàng này được áp thuế VAT. Nhưng ông Giang cho hay, các chuyên gia kinh tế đánh giá ngân sách không hoàn toàn thu được khoản như vậy.
Vì thế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát luật đề nghị cần đánh giá chính xác việc đánh thuế 5% thì doanh nghiệp được hoàn lại bao nhiêu, ngân sách thu được bao nhiêu, người dân bị ảnh hưởng thế nào.
"Vừa qua, để phục hồi kinh tế, chúng ta cố gắng giảm 2% VAT để kích thích tiêu dùng, nay lại đánh thuế VAT 5% để giảm giá bán phân bón là không phù hợp", ông Giang nói, đề nghị không áp thuế VAT với phân bón, tức giữ như hiện hành.
"Việt Nam không có ngành sản xuất phân bón đàng hoàng, đĩnh đạc là không ổn"
Ở góc nhìn khác, ông Trịnh Xuân An (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh) cho rằng không nên căn cứ việc giá cao hay thấp, tăng giá hay không, mà cần đánh giá tác động tổng thể, giữa được - mất khi tính toán áp dụng chính sách.
"Một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam mà không có ngành sản xuất phân bón trong nước, chính sách cứ phải chỉnh lên, xuống là không ổn", ông An nói.
Ông nhấn mạnh, Việt Nam cần có một ngành sản xuất phân bón hiện đại, bình đẳng với thế giới, không thể phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. "Nếu ngành sản xuất phân bón tốt thì người dân được lợi, xã hội được lợi, ngành nông nghiệp được lợi", theo nhận định của ông An.
Ông đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính Ngân sách, là nếu áp thuế VAT 5%, các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán, tức là không phải giảm giá ngay. Cùng đó là cơ hội thu thuế của doanh nghiệp nhập khẩu.
"Nếu cứ đi vào câu chuyện áp thuế tăng giá hay giảm giá thì không bao giờ xử lý được vấn đề này. Nếu để lại như vậy, câu chuyện của ngành sản xuất phân bón vẫn diễn ra như cách đây 10 năm, vẫn phụ thuộc vào thế giới", ông An nói và đề nghị, hết sức cân nhắc, đánh giá cái được, cái mất và nhìn tổng thể.
Để hài hoà lợi ích doanh nghiệp, nông dân, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế đề nghị đưa phân bón vào diện mặt hàng chịu thuế, áp thuế suất 0%, để doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế, khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Tranh luận lại, ông Trịnh Xuân An cho hay, thuế suất 0% chỉ áp cho hàng xuất khẩu, theo quy định của Luật Thuế VAT. Chưa kể, nếu áp thuế 0% để doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế thì phải bỏ ngân sách ra để hoàn là vô lý.
"Ngân sách lấy từ đâu để hoàn khi không có khoản thu ghi nhận", ông An đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế, thuế suất 0%.
Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.