Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành nghị quyết thành lập ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Theo đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương được giao trách nhiệm làm trưởng ban soạn thảo. Ông Trí cũng chính là người đề xuất dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Nhiệm vụ phó trưởng ban được giao cho Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.
Các ủy viên có 15 người, trong đó có Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết...
Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp được yêu cầu hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí trong quá trình soạn thảo dự án luật, tổ chức lấy ý kiến, tài liệu, dịch vụ nghiên cứu, thông tin tuyên truyền, các điều kiện đảm bảo khác khi được yêu cầu trong quá trình soạn dự luật.
Trước đó, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã đồng ý bổ sung dự án Luật Chuyển đổi giới tính do ông Trí đề xuất vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Đề xuất 4 nhóm chính sách liên quan đến chuyển đổi giới tính
Theo tờ trình xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, đối tượng điều chỉnh chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và ngược lại.
Dự thảo Luật quy định 4 nhóm chính sách trọng tâm, bao gồm: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.
Liên quan điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính, Dự án Luật được điều chỉnh theo hướng giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Cùng với đó bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.
Về chính sách thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân, tờ trình nhấn mạnh, thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới thì công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.