Đại biểu Quốc hội: Nhà nước cần quản lý để tránh tiêu cực như Nhà xe Thành Bưởi
Đại biểu Quốc hội: Nhà nước cần quản lý để tránh tiêu cực như Nhà xe Thành Bưởi
Quỳnh Nguyễn
Thứ sáu, ngày 10/11/2023 12:20 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại hình vận tải mới, cần có sự quản lý của Nhà nước để tránh dẫn đến những tình trạng tiêu cực, như những tiêu cực của Nhà xe Thành Bưởi, đã được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây.
Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật đường bộ sáng 10/11, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng rất lớn. Vì vậy, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ để thúc đẩy việc huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng vận tải, phục vụ việc di chuyển của người dân và sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại hình vận tải mới, cần có sự quản lý của Nhà nước để tránh dẫn đến những tình trạng tiêu cực, như những tiêu cực của Nhà xe Thành Bưởi, đã được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây.
Cho rằng mọi loại hình kinh doanh vận tải đều phải theo hợp đồng, theo bà Yên, việc có một loại hình gọi là "kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng" trong các loại hình kinh doanh vận tải hành khách có thể sẽ gây hiểu lầm.
"Một hành khách bước lên xe buýt và mua vé, đó là một hình thức giao kết hợp đồng giữa nhà xe và hành khách đó. Một hành khách vẫy một chiếc taxi, lên xe và bảo tài xế di chuyển đến một địa điểm nhất định, đó cũng là một hình thức giao kết hợp đồng", bà Yên nói.
Nữ đại biểu đoàn Điện Biên đề nghị loại hình kinh doanh vận tải hành khách này được gọi tên chính xác hơn là "kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện cho thuê riêng".
Phải có chế tài xử lý mạnh hơn, nhất là phạt nguội
Đại biểu Nguyễn Tiến Thiện (Thượng toạ Thích Đức Thiện) chia sẻ nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra về hai dự thảo luật đường bộ và TTATGT.
"Chúng ta thường chúc nhau thượng lộ bình an, điều đó cho thấy ai cũng may mắn khi tham gia giao thông", đại biểu chia sẻ.
Song, Thượng toạ đề nghị cơ quan soạn thảo Luật đường bộ, mặc dù tách Luật TTATGT nhưng không thể không tính đến vấn đề ATGT trong bộ luật này vì chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông ảnh hưởng lớn tới ATGT. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tính đến góc độ ATGT ở mặt kỹ thuật.
Dẫn lại chỉ đạo của Thủ tướng về việc phân kỳ xây dựng cao tốc 4-6 làn làm ví dụ, Thượng toạ cho rằng việc này chính là để đảm bảo ATGT. Điều đó cho thấy chúng ta quan tâm an toàn là trên hết.
Về luật TTATGT, đại biểu nhấn mạnh ý thức của người tham gia giao thông là quan trọng nhất.
Tất cả thống kê ATGT cho thấy, đa phần TNGT đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.
"Mỗi năm có 9.000 người chết vì TNGT. Đây là con số vô cùng đau thương nhưng dường như chưa tác động mạnh tới ý thức của người tham gia giao thông dẫn tới chưa chuyển hoá thành hành động" – Thượng toạ nói.
Dẫn lại sự kiện tổng kết ATGT trong học sinh, sinh viên do Thủ tướng chủ trì, Thượng toạ chỉ ra số lượng TNGT liên quan tới học sinh, trẻ em đang có chiều hướng tăng lên.
Thượng toạ đề nghị cơ quan soạn thảo luật TTATGT cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành trong giáo dục ý thức ATGT đối với học sinh sinh viên; đưa việc giáo dục ý thức về ATGT với hàm lượng nhiều hơn nữa; đưa thêm trách nhiệm của Bộ Giáo dục trong trong nâng cao ý thức, văn hoá ATGT và đặc biệt là sự tham gia của toàn xã hội.
Thông tin thêm, Thượng toạ Thích Đức Thiện cho biết, thời gian qua Giáo hội phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Uỷ ban ATGT quốc gia trong tuyên truyền ý thức, sắp tới sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì TNGT với thông điệp "Tưởng nhớ người ra đi và vì người ở lại".
Giáo hội cũng ký kết với Bộ Công An để thực hiện các hoạt động tập trung vào đối tượng học sinh sinh viên; phối hợp với CSGT các tỉnh để truyền thông thông điệp, hướng dẫn kỹ năng, nâng cao ý thức.
Trong khi đó, đại biểu Tráng A Tủa (đoàn Điện Biên) cho biết, về kiểm soát giám sát hành trình vận tải hành khách, hiện nay tình trạng vi phạm liên quan tới loại xe này thường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt xe chạy đêm, ở vùng cao.
Do đó, đại biểu cho rằng cần phải có chế tài xử lý mạnh hơn, nhất xử lý nguội theo giám sát hành trình. Cần theo dõi xem lái xe đã vi phạm bao nhiêu lần trong hành trình để xử lý nguội.
Về đấu giá biển số xe, đại biểu Tủa cho rằng, hiện nay đang được thí điểm và đã cho thấy rất hiệu quả, thu về hơn 600 tỷ nộp ngân sách nhà nước.
"Từ nay đến sang năm, chúng ta tổng kết và bổ sung điều luật này vào chương 8 về quản lý nhà nước trong luật là phù hợp", đại biểu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.