Từ một chàng trai hiền lành, chịu khó, đi theo tiếng gọi của vàng, anh đã biến thành một đại ca có số má ở các bãi vàng Hà Giang, Tuyên Quang. Liên tục trúng quả, có tiền, anh sớm sa ngã vào "nàng tiên nâu" và bị ma túy hạ gục, cướp đi tất cả những gì đã có. 19 năm nghiện ngập, bao nhiêu lần cai không được, thế mà chỉ một bìa đậu phụ “điểm đúng huyệt”, anh đã thức tỉnh lương tri.
Người mà chúng tôi đang nói đến là anh Nguyễn Ngọc Văn, còn gọi là Văn "nghiện" hay Văn "cá", ở tổ dân phố 27, phường Minh Xuân (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Tôi tình cờ biết anh trong một lần ăn trưa tại nhà hàng "Sông Lô cá".
Niềm nở bắt tay khách lạ, Văn vừa rót nước mời khách, vừa cười xòa: “Hôm nay chỉ uống rượu thôi, không viết lách gì nhé. Mà chuyện của tôi có hay ho gì đâu, viết lên báo người ta cười cho”.
|
Anh Văn kể lại chuyện đời mình |
Vàng và ma túy
Văn bảo, anh sinh năm 1961, là con trai thứ tư trong một gia đình cách mạng. Bố anh từng chiến đấu ở Quảng Trị, còn mẹ anh là thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ba người chị của anh cũng đều tham gia cách mạng. Ấy thế mà số phận lại đưa đẩy anh đến với vàng và thuốc phiện - thứ thuốc độc người ta vẫn gọi bằng cái tên mỹ miều là “nàng tiên nâu”.
Văn kể, sau một thời gian theo bố mẹ chài lưới trên sông Lô, năm 1981, anh xin vào làm việc ở một công ty trong tỉnh nhà. Năm 2003, anh lấy vợ. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn khi đứa con trai đầu lòng ra đời. Lúc đó, ở Hà Giang đang rộ phong trào đào vàng sa khoáng, nhiều người kiếm được cả bơ vàng. Trong bóng tối nghèo đói bủa vây, nghe tin đồn “lấp lánh” ấy, Văn đã quyết ra đi tìm vận may với hy vọng đổi đời.
Những hình ảnh không bao giờ quênAnh Văn bảo: “Những lúc tỉnh táo, nhìn cảnh vợ con khổ sở, nheo nhóc, tôi đã nhiều lần quyết tâm cai nghiện. Nhưng khi lên cơn, tôi bất chấp tất cả miễn sao có thuốc để được sống trong cảm giác lâng lâng như trên mây, trên gió. Không có thuốc, tôi lăn lộn, vật vã, đau đớn, gào thét trong gian nhà nhỏ. Những lúc như thế, 3 mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Hình ảnh đó tôi không bao giờ quên được”.
“Phải nói số tôi cũng đỏ nên liên tục trúng “vỉa vàng”. Nhưng sống ở nơi chỉ có “luật rừng”, mình kiếm được thì những kẻ khác cũng không để mình yên. Trúng vỉa mà để lộ ra là bị các đại ca bưởng lớn “nuốt” mất ngay.
Con giun xéo mãi cũng quằn, bị chúng ăn hiếp mãi, tôi chiêu quân lập đội để chống lại. Muốn thể hiện đẳng cấp và dũng khí đương đầu với các bưởng khác thì phải chơi ma túy. Dùng một, hai lần thành quen, tôi nghiện lúc nào không hay” - Văn rít một điếu thuốc lào, ngửa cổ nhả khói rồi kể tiếp.
Ngày nào Văn cũng kiếm ra vài cây vàng, có khi cả chục cây, nhưng tất cả đều đổ vào nhậu nhẹt, hút hít. Nghiệp đào vàng không ai đỏ mãi, những ngày đào không ra vàng liên tiếp đến với anh.
Tiền trả công phu, tiền cho “nàng tiên nâu” đã thiêu rụi tất cả khiến anh trở nên thân tàn ma dại. Năm 1996, sau bao lời khuyên can của gia đình và chính quyền địa phương, anh mới chịu về đi cai nghiện. Hơn 2 tháng, anh đã cắt được cơn.
Tưởng rằng cuộc đời sẽ sang một trang mới, nhưng khó khăn và thất nghiệp một lần nữa đẩy anh đi theo tiếng gọi của vàng. Lần này, anh quyết lên Bãi Nẻ, huyện Na Hang (Tuyên Quang) “kiếm ít” rồi về. Mặc dù không muốn, nhưng liên tục tiếp xúc với “nàng tiên nâu”, rồi được đàn em “chăm sóc” nên anh đã không cưỡng lại được sự quyến rũ của thứ thuốc đầy mê hoặc ấy. Giấc mơ đổi đời không thành, anh ngày càng lún sâu vào con đường nghiện ngập.
|
Anh Văn vinh dự được nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đến thăm vào ngày 24/6/2008 |
Bìa đậu thức tỉnh lương tri
Lần từ Na Hang trở về cai nghiện ở phường Minh Xuân, anh hứa hẹn và ân hận nhiều lắm. Sau 2 tháng cai giai đoạn 1, Văn đã cắt được cơn và chuyển về Nông trường 06 ở thị xã Tuyên Quang (nay là TP.Tuyên Quang) để cai giai đoạn 2. Tại đây, anh vừa lao động, vừa cai nghiện. Mỗi ngày anh phải khoan mìn nổ đá đủ cho 20 người đập với tổng số lượng lên tới 20m3/ngày. Mặc dù lao động vất vả, nhưng anh vẫn tăng từ 52kg lên 61kg.
Một buổi trưa khi nghỉ giải lao, đứa con trai 10 tuổi lếch thếch xách lên cho anh một bìa đậu phụ, trong khi ba mẹ con ở nhà chỉ ăn muối vừng. Nhìn đứa con thơ, anh rưng rưng nước mắt. Văn bảo, lúc ấy anh đã tự thề với bản thân phải đoạn tuyệt với ma túy và làm gì đó để bù lại những thiệt thòi mà gia đình anh phải gánh chịu.
Có lẽ miếng đậu phụ đã giúp anh nhận ra giá trị cuộc sống, giá trị sức khỏe và giá trị đồng tiền nếu biết dùng đúng chỗ. Điều anh dằn vặt và đau khổ nhất là cả hai đứa con đều học dở dang. Chúng học thế nào được khi gia cảnh quá éo le, cơm không đủ no, bố thì nghiện ngập. Ra đường, đến trường luôn phải nhận những ánh mắt dè bỉu, xa lánh của bạn bè.
Cuối năm 2002, Văn đã tạm cai được giai đoạn 2 và trở về gia đình cai nốt giai đoạn cuối. Ngày được gặp lại vợ con, anh mừng rơi nước mắt. Trong vại còn ít gạo, chị Loan - vợ anh - bảo con đổ ra nấu hết rồi chạy vội ra chợ mua thêm mớ rau với vài bìa đậu để mừng ngày đoàn tụ. “Khi tôi về, nông trường còn trả cho 2,6 triệu đồng tiền công. Ngồi ăn cơm rau và đậu nhưng tôi thấy hạnh phúc vô cùng”.
19 năm gánh vác thay chồngChị Loan tâm sự: “19 năm anh ấy nghiện, mọi việc đều mình tôi gánh vác. Tôi vừa phải làm mẹ, vừa phải làm bố. Nhìn 2 đứa con bị bạn bè, hàng xóm xa lánh mà ruột gan quặn thắt. Nhưng ông trời vẫn còn thương, được như ngày hôm nay, vợ chồng tôi biết ơn lãnh đạo phường Minh Xuân, Hội LHPN phường và Nông trường 06 nhiều lắm”.
Trả nghĩa với đời
Sau 2 đêm trằn trọc nghĩ cách làm ăn, cuối cùng vợ chồng Văn chọn mở quán ăn để mưu sinh. Anh bảo chọn mở quán ăn là có nguyên cớ, vì gia đình có truyền thống đánh bắt cá trên sông, loại cá nào ngon, chế biến thế nào anh rất rõ.
Có trong tay 2,6 triệu đồng, anh vay thêm ngân hàng 20 triệu. Vợ anh được Hội LHPN phường cho vay 7 triệu. Anh sửa lại 2 gian nhà cấp bốn làm quán ăn. Lúc đầu ít vốn nên quán chỉ làm hai món bún cá và cháo cá.
Chưa từng qua lớp đào tạo nấu ăn nào, Văn cứ vừa làm vừa học. Anh nấu ăn với tất cả tình cảm, tâm huyết của người đầu bếp, nên món bún cá, cháo cá của anh nhanh chóng được khách hàng yêu thích. Thấy sông Lô có nhiều loại cá ngon như anh vũ, cá tầm, cá chiên, cá lăng, ba ba…, anh chuyển sang kinh doanh những món đặc sản này và đặt tên cửa hàng là “Sông Lô cá”. Anh tự tay mày mò chế biến tới gần chục món khác nhau. Khách đến nhà hàng của Văn không chỉ vì những món cá ngon khó cưỡng, giá cả phải chăng mà còn vì sự hiếu khách, sự giao lưu rất chân tình của người chủ quán giang hồ từng một thời lầm lỡ.
|
Trực tiếp bắt cá vào bếp nấu nướng phục vụ khách |
Năm 2008, anh cất ngôi nhà 2 tầng khang trang và chia ra làm 8 phòng lạnh phục vụ khách. Nhờ đó mà lượng khách ngày một đông lên. Dù rất bận với công việc kinh doanh nhưng anh Văn vẫn tranh thủ thời gian tham gia các phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và từ thiện ở địa phương. Dù không nhiều, nhưng hễ có cuộc quyên góp cho quỹ khuyến học hay các hoạt động tập thể nào là anh có mặt.
Không chỉ vậy, với bản lĩnh và khả năng ăn nói của mình, anh đã giúp rất nhiều người cai nghiện thành công và trở thành người có ích cho xã hội. Anh Tạ Phi Hùng ở TP.Tuyên Quang là một điển hình với thâm niên hơn 10 năm nghiện. Với Hùng, Văn "cá" không chỉ là người anh, người bạn tốt mà còn là ân nhân. Văn đã giúp đỡ Hùng cai nghiện thành công rồi sau đó còn lo chuyện xin việc.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, năm 2008, Nguyễn Ngọc Văn đã được chọn là một trong những tấm gương điển hình của Tuyên Quang và vinh dự được Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm - đến động viên, thẳm hỏi. Đây là một trong những món quà quý giá mà Văn được nhận trong cuộc hành trình vượt lên số phận và tìm lại chính mình.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.