Đại gia 8X Nguyễn Văn Tuấn mất hơn 1.100 tỷ đồng trong tuần Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt

Hoàng Nam Thứ bảy, ngày 09/04/2022 06:35 AM (GMT+7)
Cùng với đà lao dốc của thị trường chứng khoán sau thông tin Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt, khối tài sản của đại gia 8X người Hà Nam Nguyễn Văn Tuấn cũng đã ghi nhận mức giảm tới hơn 1.100 tỷ đồng.
Bình luận 0

Trong tuần giao dịch từ 4 đến 8/4, thị trường chứng khoán tiếp tục đón nhận thông tin tiêu cực từ việc Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt, liên quan đến sai phạm trong việc phát hành khối trái phiếu trị giá 10 ngàn tỷ đồng. Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đang rà soát, đánh giá tác động của việc hủy phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.  

Ở phiên giao dịch cuối tuần (8/4), thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đỏ lửa khi VN-Index giảm 20,35 điểm, kết phiên ở mức 1.482 điểm; HNX-Index giảm 9,59 điểm, xuống mức 432,02 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 34,44 điểm (-2,27%); HNX-Index giảm 22,08 điểm (-4,86%).

Cùng với đà giảm mạnh của chỉ số  VN-Index, các mã cổ phiếu "họ Gelex” cũng đã trải qua một tuần sóng gió. So với đầu tuần (ngày 04/04), cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn Gelex giảm 17%, VGC (Viglacera) sụt 19%, IDC (Tổng Công ty IDICO) lao dốc 20%, VIX (Chứng khoán VIX) giảm 16% và PXL (CTCP Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn) lao dốc hơn 21%.

img

Khối tài sản của ông Nguyễn Văn Tuấn bị thổi bay hơn 1.160 tỷ đồng trong một tuần

Cùng với đà giảm sâu của GEX và VIX khối tài sản của đại gia 8X người Hà Nam Nguyễn Văn Tuấn cũng ghi nhận giảm mạnh. Theo đó, chỉ riêng phiên giao dịch cuối tuần, khối tài sản của ông Tuấn tiếp tục ghi nhận mức giảm hơn 577 tỷ đồng khi cả hai mã cổ phiếu đại gia này nắm giữ là GEX và VIX đều nằm sàn.

Trong tuần giao dịch vừa qua, cả hai mã cổ phiếu này đã có tới 4 phiên giảm và chỉ có 1 phiên tăng.

Tổng cộng, trong tuần giao dịch từ ngày 4 đến 8/4, khối tài sản của ông Nguyễn Văn Tuấn ghi nhận mức giảm hơn 1.160 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, doanh nhân 8X người Hà Nam chỉ còn sở hữu khối tài sản trị giá hơn 7.730 tỷ đồng.

Dù khối tài sản giảm mạnh trong tuần vừa qua tuy nhiên GEX của ông Nguyễn Văn Tuấn vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng mạnh trong năm 2022. Cụ thể GEX đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng trưởng 26% và 27% trong năm 2022, tương ứng 36 ngàn tỷ đồng và 2.618 tỷ đồng.

Sắp tới, GEX sẽ tiếp tục M&A các đơn vị phù hợp với các mảng kinh doanh cốt lõi. Ngoài ra, Công ty có thể sẽ tiến hành niêm yết/đăng ký giao dịch và tăng vốn đối với 2 công ty con là GELEX Hạ tầng và GELEX Electric khi cần thiết, trên cơ sở GELEX vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối đồng thời bổ sung nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược.

Đánh giá về phiên giao dịch ngày 8/4, các chuyên gia của Chứng khoán SSI cho biết phiên thứ hai liên tiếp chỉ số V30 thoái lui từ vùng kháng cự 1.565 - 1.588 điểm, và cũng đã khiến chỉ số VN-Index mất 1,35% so với phiên trước. Mặc dù vậy, KLGD liên tục sụt giảm nên tín hiệu thị trường chưa quá tiêu cực. Sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm, chỉ số VN-Index đang được hỗ trợ quanh vùng 1.470 điểm và hỗ trợ mạnh nằm tại vùng 1.440 – 1.425 điểm.

Dự báo về xu hướng của VN30-Index các chuyên gia của SSI cho rằng sau khi đã điều chỉnh khá mạnh từ vùng 1.565 - 1.588 điểm, chỉ số VN30 hiện đang được hỗ trợ tại vùng 1.525 – 1.515 điểm và hỗ trợ mạnh tiếp theo tại 1.465 - 1.450 điểm.

Các chuyên gia của Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) nhận định tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index chuyển xuống mức tiêu cực, tương đồng với tín hiệu của VNMidcap, VNSmallcap và HNX-Index. VN30 vẫn là chỉ số diễn biến khả quan nhất khi có tín hiệu ngắn hạn ở trạng thái trung tính.

Dự báo trong phiên giao dịch tới, các chuyên gia của VCSC nhận định thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục để chỉ số VN-Index kiểm định lại các đường MA20 và MA50 ngày vừa đánh mất tại 1.492 điểm. Nếu lực mua đủ mạnh giúp VN-Index đóng cửa trên mốc 1.492 điểm, tín hiệu của chỉ số này sẽ được cải thiện lại, qua đó có thể thúc đẩy VN-Index tăng lên vùng 1.503 điểm (MA10) hoặc cao hơn là 1.510 – 1.515 điểm.

Ngược lại, nếu lực mua yếu khiến VN-Index không thể chinh phục lại được mốc 1.492 điểm, chỉ số có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm điểm với mục tiêu là 1.440 điểm (đáy tháng 3) và thấp hơn là 1.420 điểm (MA200 ngày).

Các chuyên gia của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định với tín hiệu thận trọng này, thị trường có khả năng vẫn còn trớn giảm và tiếp tục lùi về các đường hỗ trợ dưới để kiểm tra ý chí của dòng tiền hỗ trợ trước khi tăng trở lại. Dự kiến, nhịp giảm sẽ dừng lại khi VN-Index về lại vùng 1.455-1.465 điểm. Mức độ lùi bước sẽ thấp hơn đối với VN30 khi hỗ trợ gần là 1.515 điểm. Do vậy, Quý nhà đầu tư nên chậm lại, có thể cân nhắc giá điều chỉnh để giải ngân tại một số cổ phiếu có nền tích lũy tích cực và đang thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem