Với trên dưới 20 năm hoạt động, Trần Anh là một nhà phân phối lớn và có tiếng trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy. Khởi đầu của Trần Anh là một cửa hàng kinh doanh máy tính và linh phụ kiện được thành lập vào năm 2002 tại Hà Nội.
Tại thời điểm đó, thị trường phân phối thiết bị tin học, máy tính đang phát triển rất sôi động, thậm chí giá linh kiện máy tính còn được cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Bởi những năm đầu thế kỷ 21 là thời gian lên ngôi của máy tính và tin học. Trần Anh nổi lên là một thương hiệu đình đám, ông lớn trên thị trường điện máy miền Bắc.
Tăng tốc thị phần, lợi nhuận "teo tóp"
Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng cải tiến, thị trường điện thoại thông minh bắt đầu phát triển như vũ báo với lợi nhuận hấp dẫn. Nhiều nhà bán lẻ rời bỏ mảng tin học, linh kiện điện tử những năm sau đó. Không ngoại lệ, Trần Anh từ mô hình cửa hàng đơn lẻ, đã chuyển hoạt động sang chuỗi siêu thị. Công ty này đánh dấu sự tham gia vào thị trường điện máy với 2 siêu thị trên rộng hàng ngàn m2 tại 292 Tây Sơn và 1174 Đường Láng, Hà Nội.
Đại gia điện máy Trần Anh hiện tại đang phải chật vật với lỗ
Từ năm 2013, với sự tham gia của cổ đông đến từ Nhật Bản Nojima, Trần Anh bắt đầu “bành trướng” hệ thống bán hàng. Mỗi năm trung bình Trần Anh mở thêm hàng chục siêu thị điện máy mới trong giai đoạn 2014-2016. Từ 4 siêu thị điện máy ban đầu vào năm 2013, đến nay hệ thống của Trần Anh đã mở rộng lên 34 siêu thị tại 20 tỉnh thành.
Nhưng đi cùng với sự mở rộng để chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng trong thời gian ngắn, chi phí phát sinh quá lớn trong quá trình tăng trưởng nóng đã ngốn hết lợi nhuận do hệ thống này tạo ra. Từ năm 2013, lợi nhuận của Trần Anh bắt đầu teo tóp. Trong khi năm 2011 lãi gần 60 tỷ thì năm 2013 lãi vỏn vẹn 1,43 tỷ. Năm 2017, sau nhiều năm làm ăn có lãi thì Trần Anh đã báo lỗ ròng gần 63 tỷ đồng.
Bán mình và tiếp tục thua lỗ
Đầu năm 2018, Công ty CP Thế giới di động đã quyết định mua 23,6 triệu cổ phần của Trần Anh, tương đương 95,2% vốn điều lệ. Số cổ phần này được chuyển nhượng từ một loạt nhân sự cấp cao và người nhà chủ tịch của Trần Anh, trong đó có cả cổ đông lớn đến từ Nhật Bản là Nojima với 33,95% cổ phần. Sau đó, Thế giới di động tiếp tục mua vào cổ phần của Trần Anh từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hiện tại MWG đã nuốt trọn Trần Anh khi nắm giữ tới 99,33% vốn của đại gia điện máy đình đám một thời này.
Tuy nhiên, sau khi bán mình cho Thế giới di động, tưởng như tình hình của Trần Anh sẽ sáng sủa hơn, nhưng báo cáo tài chính Quý I giai đoạn 1/4 – 30/6/2018 niên độ 2018-2019 vừa công bố lại gây nhiều thất vọng cho nhà đầu tư.
Theo đó, doanh thu của Trần Anh đạt 976 tỷ đồng giảm 7% so với cùng kì năm trước, lãi gộp thu về 107 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng quá lớn, cộng thêm chi phí tài chính, Trần Anh lỗ ròng 5,8 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 4 liên tiếp, trong khi cùng kì năm trước lãi được 2,6 tỷ đồng. Kết này đã nâng lỗ lũy kế của Trần Anh lên 59,5 tỷ đồng.
Hiện tại trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TAG của Trần Anh đã bị đưa vào diện cảnh báo và dừng ở mức 34.900 đồng.
Giới doanh nghiệp Việt Nam chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ đến bất ngờ của các đại gia hàng đầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.