"Đại gia Gấu" Nga muốn đầu tư dự án lọc hóa dầu ở Việt Nam đang làm ăn thế nào?
"Đại gia Gấu" Nga muốn đầu tư dự án lọc hóa dầu ở Việt Nam đang làm ăn thế nào?
N.Hải (Tổng hợp từ Realnoe Vremya)
Thứ bảy, ngày 25/11/2023 10:59 AM (GMT+7)
Tập đoàn TAIF (Nga) mong muốn được nghiên cứu, đầu tư tổ hợp nhà máy lọc hóa dầu, cảng khí LNG và nhà máy điện khí LNG tại Khu Kinh tế Vân Phong có khối tài sản khoảng 22 tỷ USD. Điều đặc biệt của "đại gia gấu" Nga này là bất chấp lệnh trừng phạt của Phương Tây, doanh nghiệp vẫn ngày càng lớn mạnh.
Tập đoàn TAIF nắm giữ hơn 90% sản lượng dầu khí và sản phẩm hóa dầu ở Cộng hòa Tatarstan
Mới đây trong buổi làm việc tại Khánh Hòa, Tập đoàn TAIF (Nga) bày tỏ mong muốn được nghiên cứu, đầu tư tổ hợp nhà máy lọc hóa dầu, cảng khí LNG và nhà máy điện khí LNG tại Khu Kinh tế Vân Phong. Được biết đây là doanh nghiệp lớn thứ 13 tại Liên bang Nga với tổng tài sản khoảng 22 tỷ USD.
TAIF được thành lập vào năm 1995, có trụ sở tại Cộng hòa Tatarstan (Liên bang Nga), bao gồm 62 công ty con và công ty liên kết, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, trong số đó là 5 lĩnh vực chính: Chế biến dầu khí và hóa dầu; Viễn thông; Công nghiệp xây dựng; Ngân hàng; Đầu tư và Dịch vụ. Các doanh nghiệp đều có mối liên kết chặt chẽ về tài chính, kỹ thuật, công nghệ và quản lý. Theo Forbes, đây là doanh nghiệp lớn thứ 13 tại Liên bang Nga với tổng tài sản khoảng 22 tỷ USD.
Ngoài các tài sản tại công ty, TAIF còn nắm giữ cổ phần kiểm soát tại PAO Nizhnekamskneftekhim (NKNK; hóa dầu), KOS (hóa dầu) và AO TGK-16 (sản xuất điện) nhưng không hoàn toàn sở hữu NKNK và KOS.
Leonid Mikhelson, người đứng đầu và cổ đông lớn của công ty sản xuất khí đốt lớn nhất Nga Novatek, sở hữu 48,5% Sibur. Gennady Timchenko, đối tác kinh doanh của Mikhelson và là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, sở hữu 17% khác, trong khi Sinopec và Quỹ Con đường Tơ lụa của Trung Quốc mỗi bên có 10%. Một số nhà quản lý cũ và hiện tại sở hữu 14,5% công ty.
TAIF đồng thời cũng là nhà cung cấp hơn 90% sản lượng của ngành công nghiệp dầu khí Tatarstan. Theo thống kê, vào cuối năm 2020, TAIF cung cấp 64% sản lượng cao su ở Nga và 28% nhựa.
Năm 2008, tập đoàn nắm giữ 98% sản lượng dầu khí và sản phẩm hóa dầu ở Cộng hòa Tatarstan. Tính tới năm 2015, tập đoàn sở hữu một số công ty con như TAIF-Invest, TAIF-ST, Dịch vụ TAIF, ngân hàng Avers, công ty bảo hiểm Avers, chuỗi công ty truyền hình TVT và Novy Vek, Công ty viễn thông Karsar và TAIF.
Năm 2019, tập đoàn có mặt trong danh sách những tổ chức thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất ở Liên bang Nga.
Vào cuối tháng 4/2021, hai công ty dầu khí lớn nhất Liên bang Nga – Sibur và TAIF đã đưa ra thông báo sát nhập. Qua đó, Sibur-RT JSC (trước đó là TAIF JSC) trở thành một công ty cổ phần tập đoàn dầu khí tại Liên bang Nga, có trụ sở ở Kazan. Phạm vi giao dịch bao gồm Công ty Cổ phần TAIF, Công ty Cổ phần Kazanorgsintez PJSC, Nizhnekamskneftekhim PJSC và Công ty Cổ phần TGC-16. Tất cả các tài sản khác của Tập đoàn, bao gồm lọc dầu và mạng lưới trạm xăng, đều trở thành một phần của Công ty Cổ phần Công ty Quản lý TAIF.
Năm 2022, Công ty Cổ phần Công ty Quản lý TAIF được đổi tên thành Công ty Cổ phần TAIF (TAIFJSC). Sự sát nhập đã đưa sản lượng sản xuất của tập đoàn này lên 8 triệu tấn polyolefin và 1,2 triệu tấn cao su mỗi năm.
Vào cuối tháng 1/2022, TAIFJSC đã minh chứng cho các tham vọng của mình sau sát nhập bằng cách ký kết thỏa thuận với Bộ Năng lượng Liên bang Nga về hiện đại hóa và triển khai các dự án mới tại các địa điểm Nizhnekamskneftekhim, Kazanorgsintez và ZapSibNeftekhim. Tổng chi phí của nhóm dự án được lên kế hoạch thực hiện theo các thỏa thuận đầu tư cho đến năm 2027 ước tính vào khoảng 400 đến 560 tỷ rúp (tương đương 110-150 nghìn tỷ đồng).
"Lệnh trừng phạt khiến TAIF trở nên mạnh mẽ hơn"
Mới đây, TAIFJSC đã tổ chức cuộc họp hội đồng quản trị sơ kết kết quả hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2023 và kết quả kinh doanh của năm 2022 hôm 4/10/2023. Các đơn vị trực thuộc CTCP cũng như lãnh đạo các công ty con đều tham dự cuộc họp. Theo đó, năm 2022 vừa qua là một năm có nhiều thay đổi mạnh mẽ của TAIF về mọi thứ. Các lệnh trừng phạt đã kìm hãm sự phát triển từ tháng này sang tháng khác, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, nền kinh tế và đời sống. Toàn bộ nền kinh tế thế giới và thị trường toàn cầu chuyển sang trạng thái bất ổn và hỗn loạn.
Thế nhưng các doanh nghiệp hiện tại của Tập đoàn TAIF cũng như các doanh nghiệp hợp nhất giữa SIBUR Holding PJSC và TAIF đã nhanh chóng thích ứng thành công với điều kiện kinh tế hiện tại. Việc tập trung vào mục tiêu, nhiệm vụ, huy động mọi năng lượng và nguồn lực đã giúp các doanh nghiệp Tập đoàn TAIF kết thúc năm 2022 với kết quả vượt mức cam kết trong kế hoạch đã được phê duyệt của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn TAIF.
Tổng doanh thu của Tập đoàn TAIF và các công ty hợp nhất với SIBUR Holding PJSC vào năm 2022 đạt hơn 1,1 nghìn tỷ rúp, trong đó 601 tỷ rúp là thu nhập của Tập đoàn TAIF.
“Tất cả các lệnh trừng phạt chỉ nâng cao tính chuyên nghiệp của chúng tôi, giúp chúng tôi phát triển ở các lĩnh vực mới, mở rộng thêm các điểm bán hàng mới. Chúng tôi làm mọi cách để không bị giảm doanh số bán hàng. Kể cả phải tự thuê tàu chở dầu diesel khi bị trừng phạt. Chúng tôi không ngừng thích ứng với tình hình đang thay đổi,” người đứng đầu Bộ phận Sản xuất và Thương mại của TAIF Leonid Yegorshin chia sẻ.
89 tỷ rúp là khoản thuế đã được Tập đoàn TAIF nộp vào ngân sách trong năm 2022, trong đó 46 tỷ rúp thuộc về các công ty thuộc Tập đoàn TAIF. Gấp 1,5 lần so với một năm trước đó.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TAIF-NK thuộc tập đoàn TAIF Maxim Novikov cho biết, hầu hết các dự án đầu tư quy mô lớn của Tập đoàn TAIF bao gồm Khu liên hợp chuyển đổi chất thải nặng đã được hoàn thành thành công và đưa công suất sản xuất vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, công việc mở rộng công suất vẫn tiếp tục . Các quy trình này nhằm mục đích củng cố vị thế dẫn đầu của công ty về tỷ lệ chuyển đổi nguyên liệu dầu và thu hồi các sản phẩm dầu nhẹ chất lượng cao.
Theo TAIF-NKJSC, với tỷ lệ thu hồi sản phẩm dầu nhẹ trung bình 87,4%/tấn vào năm 2022, công ty tự tin là một trong 20 nhà máy lọc dầu công nghệ cao nhất thế giới theo Chỉ số Độ phức tạp Nelson, với hơn 8 triệu nhà máy lọc dầu công nghệ cao nhất thế giới.
Nhìn chung, kết quả hoạt động của TAIF trong 9 tháng đầu năm 2023 không kém kết quả năm 2022.
Hiện nay, tập đoàn TAIF đang muốn tìm kiếm mở rộng đầu tư tổ hợp công nghiệp bao gồm nhà máy lọc hoá dầu, cảng khí LNG, nhà máy điện khí LNG tại các thị trường đang phát triển mạnh như Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, doanh nghiệp mong muốn được nghiên cứu, đầu tư dự án lọc hóa dầu tại khu vực Vân Phong (Khánh Hòa). Nếu được chấp nhận đầu tư, dự án sẽ tạo nên một khu vực công nghiệp liên hoàn với tổ hợp nhà máy lọc hóa dầu, cảng khí LNG và nhà máy điện khí LNG.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.