Tình hình tài chính, kinh doanh của dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn rất đáng lo ngại

Hoàng Thành Thứ sáu, ngày 11/11/2022 17:40 PM (GMT+7)
Giám sát bước đầu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, tình hình tài chính và sản xuất, kinh doanh của dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện rất đáng lo ngại.
Bình luận 0

Thông tin trên được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về nội dung này, chiều 11/11.

Hết năm 2023 phải bù giá hơn 15.700 tỷ đồng

Theo báo cáo này, quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ thực hiện đúng các quy định của Nghị quyết 42/2021/QH15 đối với khoản bù giá bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, làm rõ căn cứ xây dựng dự toán khoản chi bù giá này.

Một số ý kiến nhất trí với phương án Chính phủ trình, bố trí dự toán cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thực hiện bù giá bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tờ trình của Chính phủ có thống kê số liệu phải bù giá đến hết năm 2023 khoảng 15.727 tỷ đồng và đề nghị bố trí dự toán năm 2023 khoảng 8.257 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, Chính phủ chưa thuyết minh đầy đủ cơ sở tính toán khoản dự toán này, chưa thuyết minh lý do chưa bố trí đủ dự toán theo số liệu Chính phủ tính toán, đặc biệt là chưa thuyết minh rõ việc xác định số tiền bù giá này đã đồng bộ với các cam kết khác theo đúng thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ theo yêu cầu của Nghị quyết 42.

Tài chính và sản xuất, kinh doanh của dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện rất đáng lo ngại

Tình hình tài chính, kinh doanh của Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn rất đáng lo ngại - Ảnh 1.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. Ảnh: QH

Đồng thời, giám sát bước đầu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho thấy tình hình tài chính và sản xuất, kinh doanh của dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện rất đáng lo ngại (liên tục thua lỗ năm sau lớn hơn năm trước, âm vốn chủ sở hữu, phía Việt Nam thiếu quyền kiểm soát) … và là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong năm 2022 vừa qua, trong khi dự án đang được hưởng những ưu đãi lớn, nhất là về cơ chế bao tiêu.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước tổ chức triển khai kiểm toán và thanh tra các nghĩa vụ thuế, chuyển giá, số vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án… để đánh giá tổng thể thực trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của dự án, trong đó bao gồm cả các nội dung về bao tiêu.

Cho đến nay, các nội dung này vẫn chưa được triển khai và ngày 24/10/2022, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 85/2022/NĐ-CP hướng dẫn về thanh toán bù giá cho cơ chế bao tiêu này. 

Vì vậy, để bảo đảm về trình tự, thủ tục, căn cứ xây dựng dự toán khoản chi bù giá này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Chính phủ rà soát, tính toán chính xác kinh phí bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo đúng quy định của Nghị quyết 42/2021/QH15 của Quốc hội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. 

Đồng thời, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả, tiến độ thực hiện thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến các khoản bù giá trong bao tiêu đã thực hiện thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem