Ngày 6.7, Công ty cổ phần Đức Khải (CT Đức Khải) đã công bố toàn bộ Đề án mua 100 tàu biển bằng vỏ sắt, vật liệu composite, sợi thủy tinh và hợp kim nhôm.
Một số tàu đã được CT đặt mua tại Hàn Quốc.
Đồng thời, theo CT Đức Khải, phía CT vừa ký xong hợp đồng mua 45 tàu đầu tiên với phía đối tác Hàn Quốc. Trong đó, ngày 7.7, đại diện công ty sẽ sang Hàn Quốc bàn với phía đối tác đưa 12 chiếc đầu tiên về Việt Nam. Số còn lại dự kiến sẽ tiếp tục được đưa về Việt Nam trong vòng 40 ngày nữa.
Bên cạnh kế hoạch đưa tàu về nước, theo CT Đức Khải, hiện nay, CT đang lên kế hoạch tuyển dụng ngư dân để đào tạo làm thuyền viên. 12 chiếc tàu đầu tiên về nước sẽ được CT sơn phết lại và chuyển giao cho các thuyền viên đưa ra biển đánh bắt ngay, xem như một bước tập dượt, thử nghiệm cho các thuyền viên.
Về vấn đề tiêu thụ hải sản, hiện CT đã làm việc xong với phía đối tác Nhật, phần lớn hải sản sẽ được tiêu thụ ở Nhật; số còn lại sẽ tiêu thụ trong nước. Tất cả công nghệ đánh bắt, bảo quản hải sản sẽ được phía đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản chuyển giao cho phía CT.
Liên quan vấn đề tàu Trung Quốc thường xuyên uy hiếp, đâm va tàu cá Việt Nam, ông Phạm Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị CT Đức Khải cho rằng, việc này không đáng lo ngại. Bởi theo ông Lâm, phần lớn tàu cá của ông có công suất không thua gì tàu cảnh sát biển. Trong đó, tàu có vận tốc thấp nhất là 12 hải lý/giờ, cao nhất 22 hải lý/giờ.
Đặc biệt, những tàu có vận tốc cao đều là tàu rất lớn. Việc đối đầu với tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc là “chuyện nhỏ”. Bên cạnh đó, tàu trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại: máy định vị, máy tầm ngư, hệ thống thông tin liên lạc và kiểm soát qua internet… có thể phát hiện các tàu lạ từ xa. Vì vậy, nếu phát hiện tàu tuần tra Trung Quốc, tàu của CT có thể chạy vòng tránh từ xa.
Bên cạnh đó, tất cả tàu của CT đều có bảo hiểm đầy đủ. Ngoài ra, CT sẽ đầu tư thêm hai trực thăng sẵn sáng ứng cứu ngư dân khi xảy ra sự cố. Dự kiến, hai trực thăng này sẽ về cùng lúc với hai ụ nổi khoảng 5.000 tấn/ụ và toàn bộ số tàu còn lại vào cuối năm 2015.
Theo kế hoạch công bố của CT Đức Khải, tất cả ngư dân tham gia làm thuyền viên đánh bắt trên tàu của CT sẽ được phân chia thu nhập theo tỷ lệ: ngư dân 65%; công ty 34% (cao hơn mức ăn chia trên tàu của các ngư dân hiện nay khoảng 15%). 1% còn lại sẽ được CT đóng góp cho quỹ kiểm ngư.
Ngoài ra, trong thời gian biển động không đánh bắt được, ngư dân vẫn được hưởng lương tối thiểu đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Ngư dân còn được mua cổ phần của CT. Nếu chịu khó tích góp, dự kiến trong vòng 5 năm, ngư dân có thể mua lại tàu của CT.
Tuy nhiên, theo đại diện CT Đức Khải, cái khó là theo quy định hiện hành, việc nhập khẩu tàu vỏ sắt đã qua sử dụng phải không được quá 8 năm. Trong khi đó, thực tế tàu vỏ sắt có niên hạn sử dụng từ 25 năm – 30 năm. Các tàu vỏ sắt của CT nhập khẩu lại có niên hạn khoảng 12 năm. Vì vậy, CT mong muốn Chính phủ cho phép được nhập khẩu tàu có niên hạn sử dụng dài hơn để giảm chi phí mua tàu. Bởi, tàu mới có chi phí gấp hai, ba lần tàu cũ. Trong trường hợp phải thuê tàu, CT lại tốn thêm chi phí thuê, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế. Hiện CT đã trình Chính phủ xem xét kiến nghị này.
Một số hình ảnh liên quan:
Sơ đồ dự kiến bố trí hoạt động đội tàu cá vỏ sắt của CT Đức Khải
Một số tàu đã được CT đặt mua tại Hàn Quốc.
Một số tàu đã được CT đặt mua tại Hàn Quốc.
(Theo PLO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.