Mua nhà giá rẻ
Theo tờ South China Morning Post, Abhinav Maheshwari, làm việc trong ngành tài chính tại Hồng Kông, cho biết vừa cùng vợ chi 2 triệu Đôla Hồng Kông (gần 6 tỷ đồng) để mua một căn hộ rộng 87m2 tại TP.HCM. “Chúng tôi mua là để đầu tư. Với sự ổn định chính trị, Việt Nam có khả năng phát triển như Trung Quốc ”, Maheshwari nói.
Maheshwari nhận định: "Về lâu dài, chúng tôi cảm thấy việc đầu tư này đã mang lại cho chúng tôi sự đa dạng hóa, thay vì chỉ giữ tài sản bằng đồng tiền Hồng Kông được định giá bằng đồng đô la Mỹ. Tôi có thể nghĩ về các thành phố khác ở Việt Nam, có lẽ là Đà Nẵng, nơi một số bạn bè của tôi đã mua biệt thự".
Chen Lian Pang, CEO của CapitaLand Việt Nam, cho biết, khách hàng đến từ Hồng Kông vẫn tiếp tục là nguồn khách nước ngoài lớn nhất của công ty kể từ khi công bố một dự án lớn ở TP.HCM năm 2016. Ông nhận xét, với mức giá tại dự án này, khách hàng chỉ có thể mua nhà ở do chính phủ xây dựng tại Singapore.
Carrie Law, giám đốc điều hành đại lý bất động sản trực tuyến Juwai.com, đánh giá, mức giá tương đối rẻ tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc , bất chấp các biện pháp kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài.
Theo ông Law, nhu cầu mua bất động sản Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc trong quý 1/2018 đã tăng hơn 300% so với quý đầu năm ngoái. Dù vẫn nằm ở top dưới trong danh sách ưu tiên so với Thái Lan hay Malaysia, nhu cầu tại thị trường này đang tăng nhanh.
Kingston Lai, người sáng lập và giám đốc điều hành của Asia Bankers Club, một công ty tại Hồng Kông, cho hay các nhà đầu tư sẽ phải trả tổng chi phí giao dịch là 2% giá bán khi họ bán căn hộ của họ tại Việt Nam. Nhưng họ sẽ kiếm được 6-8% lợi nhuận từ cho thuê tại thành phố Hồ Chí Minh, so với mức thấp hơn 2% ở Hong Kong.
Ông Chen so sánh TP.HCM với khu vực Pudong của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) 10 năm trước. Giá nhà đã tăng chóng mặt khi hệ thống tàu điện ngầm, sân bay đi vào hoạt động. Theo ông, giá nhà ở TP.HCM có thể sẽ giống như Pudong, có thể tăng 4-5 lần trong vòng 10 năm tới.
Theo dữ liệu của Jones Lang LaSalle, tại TP.HCM, giá căn hộ mới đã tăng 6,9% trong quý I/2017 và 7,3% ở Hà Nội.
Những dự án tỷ đô
Theo số liệu của CBRE Việt Nam, người mua từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông năm ngoái chiếm 25% tổng số giao dịch tại các quốc gia Đông Nam Á trong số những người mua nước ngoài, tăng từ 21% trong năm 2016.
Bên cạnh việc mua bất động sản, các đại gia lớn cũng âm thầm thâu tóm dự án. Năm ngoái, các quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited - VOF (thuộc VinaCapital) công bố đã thoái toàn bộ vốn tại dự án Đại Phước Lotus (Đồng Nai) với tổng số tiền thu về khoảng 1.479 tỷ đồng.
Bên mua là một công ty thuộc Tập đoàn China Fortune Land Development Co., Ltd. (CFLD). Tập đoàn này được thành lập năm 1998, chuyên phát triển các thành phố công nghiệp tại Trung Quốc.
Sunwah là tập đoàn quốc tế đa ngành đến từ Hong Kong (Trung Quốc) công bố dự án Sunwah Pearl tại Sunwah Galleria. Sunwah Pearl được ví như một "Hong Kong thu nhỏ" tọa lạc tại số 90 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Đây sẽ là dự án bất động sản lớn thứ ba của Sunwah tại Việt Nam sau tòa nhà Sun Wah Tower (quận 1) và Saigon Pearl (quận Bình Thạnh). Để nắm phần vốn chi phối ở dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ này, Sunwah đã mua lại vốn góp của một doanh nghiệp trong nước.
Gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đặc biệt đổ tiền vào nhiều dự án casino và nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Việt Nam, quy mô những dự án này có khi lên đến hàng tỷ USD. Đơn cử, thương vụ quy mô nhất là Tập đoàn nghỉ dưỡng và casino lớn nhất Macau Suncity Group Holdings mua dự án song bài Nam Hội An từ năm 2014 và đang đầu tư giai đoạn 1. Suncity nắm giữ 34% cổ phần của dự án
Báo chí gần đây cũng thông tin, dự án Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happy Land) tại Long An hiện cũng đang được một Công ty TNHH Summerfield (Hong Kong) thể hiện mong muốn được tham gia đầu tư vào dự án.
D.Anh (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.