Đại gia tuần qua: Chấp nhận ra khỏi “vùng an toàn”, ông Phạm Nhật Vượng đang chơi lớn với VinFast

Thiên Lý Thứ bảy, ngày 07/12/2019 15:55 PM (GMT+7)
Chịu lỗ cho mỗi chiếc xe bán ra, VinFast đang dồn tổng lực để tạo độ phủ trên thị trường.
Bình luận 0

Vingroup đã góp gần 13.000 tỷ đồng tiền vốn VinFast

Theo thông tin mới đưa ra từ VinFast, doanh nghiệp này đang chấp nhận lỗ gần 300 triệu đồng/xe để khách hàng được mua xe Lux A2.0. Tương tự, mức lỗ 2 mẫu xe còn lại là Lux SA2.0 là 169 triệu đồng và Fadil là 106 triệu đồng.

Lý giải cho mức chi phí sản xuất và kinh doanh xe ô tô Vinfast, đại diện đơn vị này cho rằng, hiện tại gần như tất cả linh kiện cấu thành nên chiếc xe đều nhập khẩu, VinFast cũng chịu các loại thuế như tất cả các hãng xe khác. Vì vậy giá xe cao, nếu không chịu lỗ thì không thể phủ rộng độ nhận diện trên thị trường cũng như mang lại cho khách hàng những sản phẩm với mức giá tốt nhất.

img

VinFast đầu tư lớn xây dựng nhà máy, phát triển sản phẩm.

Bằng việc đầu tư lớn cho VinFast, vừa xây dựng nhà máy, vừa phát triển sản phẩm, Vingroup cũng đang chấp nhận chi một khoản đầu tư khổng lồ. Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/9, Vingroup đã góp gần 13.000 tỷ đồng tiền vốn vào VinFast. Đây là khoản đầu tư lớn thứ 2 của Vingroup, chỉ xếp sau Vinhomes với giá trị gần 23.000 tỷ đồng.

Để người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi, mỗi năm VinFast cũng ước chịu khoảng 11.000 tỷ đồng chi phí khấu hao và chi phí tài chính đầu tư vào nhà máy, các khoản lãi vay đầu tư...

Ông Trịnh Văn Quyết bán 91 triệu cổ phiếu FLC Faros trong 3 tháng

Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros vừa công bố văn bản thông báo giao dịch cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết.

Ông Quyết đăng ký bán 21 triệu cổ phiếu FLC Faros trong thời gian dự kiến từ 6/12/2019 đến 3/1/2020. Mục đích của ông Quyết là muốn giảm tỷ lệ sở hữu. Phương thức giao dịch là thỏa thuận.

Giao dịch nếu thành công sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết từ 55% xuống còn 51,3%. Đây là tỷ lệ đủ để chủ tịch FLC Faros nắm quyền kiểm soát công ty. Hiện số lượng cổ phần FLC Faros ông Quyết sở hữu là 312,2 triệu. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/12, giá cổ phiếu FLC Faros giao dịch ở vùng giá 24.500 đồng. Nếu tính theo giá thị trường, 21 triệu cổ phiếu ông Quyết muốn bán có giá trị hơn 500 tỷ đồng. 

Việc đăng ký bán thêm 21 triệu cổ phiếu FLC Faros của ông Quyết được công bố chỉ 2 tháng sau khi ông bán thành công 70 triệu cổ phiếu công ty, giảm tỷ lệ sở hữu từ 67,3% xuống 55%.

Nếu hoàn tất giao dịch mới, chỉ trong 3 tháng, ông Quyết sẽ bán đi 91 triệu cổ phiếu FLC Faros, tương đương 16% cổ phần doanh nghiệp. 

Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày có 12,4 triệu cổ phiếu FLC Faros được sang tay trên sàn chứng khoán. Đây chính là cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019. 

“Trùm địa ốc” Novaland biệt đãi tướng

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) của ông trùm địa ốc Bùi Thành Nhơn đã thông báo phân phối hơn 18,6 triệu cổ phiếu tương ứng 2% số cổ phần đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động công ty (ESOP).

Với giá cổ phiếu ESOP phát hành là 10.000 đồng (tức chưa bằng 1/5 giá giao dịch của NVL trên thị trường hiện tại), Novaland dự kiến thu về khoảng 186 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Novaland tăng lên gần 9.560 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số này sẽ có 17,8 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và có 808.933 cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng.

Trong số những lãnh đạo cấp cao thực hiện quyền mua ESOP, bên cạnh ông Bùi Thành Nhơn mua 800.000 cổ phiếu thì Tổng giám đốc Bùi Xuân Huy cũng mua 636.000 cổ phiếu, Kế toán trưởng Trần Thị Thanh Vân mua 507.200 cổ phiếu…

Bên cạnh thông tin nêu trên, Novaland còn dự kiến phát hành riêng lẻ cổ phần phổ thông để chuyển đổi cổ phần ưu đãi cổ tức năm 2015 với khối lượng lên tới 20,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ chuyển đổi 1:3, tức 1 cổ phiếu ưu đãi được nhận 3 cổ phiếu phổ thông).

Đối tượng phát hành là ông Trương Ngọc Minh hiện đang sở hữu 1,13 triệu cổ phiếu ưu đãi, sau khi chuyển đổi dự kiến sẽ nắm giữ 3,39 triệu cổ phiếu phổ thông; ông Nguyễn Hiếu Liêm sau chuyển đổi cũng tăng sở hữu cổ phiếu phổ thông lên 17,1 triệu đơn vị.

Công ty Sagri và Tân Thuận - IPC có lãnh đạo mới

Đây là hai tổng công ty thuộc UBND TP HCM, bị xác định có hàng loạt sai phạm dưới thời lãnh đạo cũ, gây thất thoát ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Ông Phạm Phú Quốc (51 tuổi, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TP HCM) được bổ nhiệm giữ chức Thành viên không chuyên trách HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Ông Quốc thay vị trí tại IPC cho Tề Trí Dũng - bị bắt giam 7 tháng trước về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri), ông Trần Ngọc Hổ (49 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV, tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ và làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Trước đó, ông Vân Trọng Dũng (cựu Chủ tịch HĐTV) bị bắt tạm giam trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Sagri. Đến tháng 6, cựu Tổng giám đốc Sagri Lê Tấn Hùng bị bắt về cùng hành vi và thêm tội danh Tham ô tài sản. Thành phố đã bổ nhiệm ông Phạm Thiết Hòa (Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM) thay ông Hùng.

Masan MeatLife (MML) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lên sàn UPCom

Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo đưa cổ phiếu CTCP Masan MeatLife với mã chứng khoán MML lên giao dịch trên sàn UPCom vào ngày 9/12 (thứ 2).

img

CTCP Tập đoàn Masan thuộc sở hữu của đại gia Nguyễn Đăng Quang.

Số lượng cổ phiếu MML đăng ký giao dịch là 324,33 triệu cổ phiếu. Giá chào sàn của MML trong phiên giao dịch đầu tiên là 80.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa khởi điểm Masan MeatLife xấp xỉ 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Cơ cấu cổ đông của Masan MeatLife hiện có 91,68% là cổ đông trong nước và 8,32% là cổ đông ngoại. Công ty hiện có 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần gồm CTCP Tập đoàn Masan (MSN) nắm giữ 79,32%, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan nắm giữ 7,95% cổ phần và Consumer Meat II Pte.Ltd nắm 7,14% cổ phần.

”Bắt tay” tỷ phú Phạm Nhật Vượng, điều gì vừa xảy ra với đại gia nước mắm?

MSN giảm sàn trong ngày công bố sáp nhập Vincommerce và VinEco vào Masan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem