Vinfast tung xe điện V9, lộ mẫu VinFast Lux V8 ở Việt Nam
Tuần qua, trong sự kiện nội bộ VinFast tại nhà máy ở Hải Phòng, hãng này đã trưng bày một mẫu xe điện mới có tên gọi V9.
Theo hình chụp, xe có yên khá cao cùng nhiều đường nét thiết kế góc cạnh chứ không mềm mại như Klara. Thị trường cho rằng, đây có thể là mẫu xe được phát triển ưu tiên hướng tới phái mạnh.
Nguồn tin từ VinFast cho biết V9 sẽ là mẫu xe điện có động cơ mạnh nhất và đạt tốc độ cao nhất khi bán ra thị trường.
VinFast đã lần đầu trưng bày mẫu xe điện mới V9 và mẫu ô tô VinFast Lux V8.
Cũng trong sự kiện này, mẫu ô tô VinFast Lux V8 cũng bất ngờ được trưng bày. Đây là lần đầu tiên, mẫu này xuất hiện tại thị trường Việt Nam sau khi có mặt tại Triển lãm ô tô Geneva Motor Show 2019 (Thụy Sỹ) hồi đầu tháng 3. Dự kiến, VinFast Lux V8 sẽ được sản xuất với số lượng hạn chế và bán ra thị trường trong năm 2020.
Chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam tuần qua, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy cho biết thêm, Vinsmart sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, TV, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.
Quốc Cường Gia Lai trả 228 tỷ đồng cho bà Nguyễn Thị Như Loan
CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 trong đó đáng chú ý là số tiền gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho QCG vay hiện chỉ là hơn 71 tỷ đồng. So với khoản vay gần 300 tỷ đồng năm 2018, QCG đã trả 76% nợ cho bà Loan.
Theo báo cáo trong quý đầu năm, doanh thu của QCG bất ngờ lên mốc 377 tỷ đồng, cao hơn quý 1 năm ngoái (quý 1 năm ngoái là 350 tỷ đồng). Tuy vậy, giá vốn bán hàng của QCG quý 1 lên tới 356 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp ghi nhận từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với mức hơn 61 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai qua đó xuống mức rất thấp, chỉ là gần 7,5 tỷ đồng, sụt mạnh so với mức gần 47 tỷ đồng quý 1 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 5,5 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị hàng tồn kho của công ty tính đến cuối tháng 3/2019 là 7.382 tỷ đồng.
Doanh thu vận tải hàng không Vietjet tăng khủng
Trong quý 1 năm nay, doanh thu vận tải hàng không Vietjet đạt 10.071 tỷ đồng, tăng trưởng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 2.647 tỷ đồng tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hàng không Vietjet đạt 10.071 tỷ đồng, tăng trưởng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua đó, doanh thu hợp nhất đạt 13.636 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 1.463 tỷ đồng tăng tương ứng gần 9% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau 3 tháng, hãng hoàn thành 23,4% kế hoạch doanh thu nhưng hoàn thành tới 26,5% kế hoạch lợi nhuận.
Tính tới 31/3/2019, vốn chủ sở hữu đạt hơn 15.507 tỷ đồng, tăng 34,6% so với quý 1/2018 và tăng 10,5% so với năm 2018.
Trước đó, Vietjet đã quyết định chi trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 55%, cao hơn kế hoạch 50% thông qua tại đại hội cổ đông thường niên năm trước.
Yeah1 đặt kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ, có thể mất 6 tháng vượt qua sự cố
Trong tuần, CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Yeah1 đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế năm nay dự tính 180 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái và ứng với biên lãi ròng 9%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với những năm trước.
Trước đó, theo báo cáo, tổng doanh thu năm 2018 của Yeah1 ở mức 1.677 tỷ đồng, tăng 99,5% so với năm 2017. Qua đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức hơn 163 tỷ đồng, tăng hơn 98% so với một năm trước đó.
Yeah1 đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018.
Theo kế hoạch tới 31/3, Youtube chấm dứt hoạt động với Yeah1 nhưng phía Yeah1 cho biết, HĐQT vẫn đang làm việc để kháng cáo quyết định. Kết quả hiện vẫn chưa có.
Chủ tịch Yeah1, Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thì đánh giá, Youtube đã cho Yeah1 một bài học. Theo ông, đây là bài toán lớn mà Yeah1 có thể phải mất 6 tháng để vượt qua.
"Vua cá tra" muốn bán đứt 1 công ty sau nỗi buồn POR14
Hội đồng quản trị CTCP Hùng Vương (HVG) đã thống nhất về việc thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Hùng Vương Sông Đốc (31,13 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 51%). Đây là công ty có trụ sở tại tỉnh Cà Mau, hoạt động chính là chế biến bột cá biển.
Năm 2018, HVG phải giải thể CTCP Địa ốc An Lạc, chuyển nhượng cổ phần tại Thực phẩm Sao Ta, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, bán Kho lạnh 2 Tân Tạo...
Trước đó, HVG đã gặp không ít khó khăn khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với CTCP Hùng Vương là 3.87 USD/kg (tăng mạnh so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).
Theo báo cáo tài chính quý 2 (từ 1/10/2018 đến 31/3/2019) vừa được HVG công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HVG đã giảm tới 43,2% (tương ứng 992 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu thế giảm điểm cùng thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.