Đại gia tuần qua: VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mở văn phòng đầu tiên ở nước ngoài

Thúy Vy Thứ bảy, ngày 13/06/2020 16:25 PM (GMT+7)
Mục tiêu của VinFast Australia là nghiên cứu - phát triển các dòng xe mới, đồng thời đặt nền móng mở rộng hoạt động ra quốc tế của VinFast trong tương lai.
Bình luận 0

VinFast khai trương văn phòng tại Australia

Ngày 11/6/2020, VinFast chính thức khai trương văn phòng tại Melbourne (Australia). Mục tiêu của VinFast Australia là nghiên cứu - phát triển các dòng xe mới, đồng thời đặt nền móng mở rộng hoạt động ra quốc tế của VinFast trong tương lai.

img

 VinFast khai trương văn phòng tại Australia.

Mục tiêu của VinFast Australia là mở rộng cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế, kết nối với các nhà cung cấp hàng đầu, đón bắt các công nghệ và các xu hướng mới. Trong đó, nghiên cứu và phát triển các dòng xe ô tô mới, bao gồm cả các phiên bản sử dụng xăng và điện, được coi là trọng tâm trong hoạt động của VinFast Australia hiện nay.

Để nhanh chóng triển khai phát triển sản phẩm mới, ngay từ đầu năm 2020, VinFast Australia đã đi vào hoạt động, với nòng cốt là Viện Công nghệ Ô tô 2. Viện có qui mô gần một trăm nhân sự chính thức, là các chuyên gia, kĩ sư chất lượng cao đến từ các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới như GM, Toyota, Ford, Jaguar Land Rover… cùng với hàng trăm nhân sự của các đối tác.

SHB của bầu Hiển sẽ tăng vốn lên 19.300 tỷ

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội vừa trình cổ đông thông qua trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 sắp tới kế hoạch tăng vốn.

Hiện tại, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức 17.558 tỷ đồng. Theo kế hoạch được ban lãnh đạo ngân hàng vạch ra, SHB sẽ tiếp tục trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 19.314 tỷ đồng trong quý III năm nay.

img

SHB của bầu Hiển dự kiến thu về 3.268 tỷ lợi nhuận trước thuế.

Trong đó, số vốn 1.755 tỷ dự kiến tăng thêm được lấy từ nguồn lợi nhuận giữ lại để phân phối cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 10 cổ phiếu mới).

Nếu kế hoạch tăng vốn nói trên hoàn tất, ngân hàng dự kiến tổng tài sản đến cuối năm nay sẽ đạt 408.448 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2019. Các chỉ tiêu tài chính như huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 334.636 tỷ (tăng 16%) và số dư cấp tín dụng đến cuối năm đạt 306.122 tỷ (tăng 15%).

Theo các chỉ tiêu tăng trưởng này, SHB dự kiến thu về 3.268 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng 8% so với số thu thực tế năm 2019.

Đáng chú ý, cùng với kế hoạch tăng vốn khủng, ngân hàng bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển) ngồi ghế chủ tịch cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết phủ nhận bán cổ phần Bamboo Airways cho doanh nghiệp nội

FLC cho biết Bamboo Airways là hãng hàng không trẻ, nhận được nhiều sự quan tâm vì nhà đầu tư muốn tham gia ngay từ quá trình hoạt động ban đầu. Tuy nhiên, FLC chưa từng có ý định bán cổ phần của hãng cho đối tác trong nước. FLC chưa bao giờ có kế hoạch bán cổ phần hãng bay cho bất kỳ đối tác nào tại Việt Nam.

Theo Tập đoàn này, hiện có nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đang quan tâm đến việc đầu tư vào Bamboo Airways.

FLC đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đưa Bamboo Airways lên sàn chứng khoán, thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO).

Trước đó Bamboo Airways cũng phủ nhận tin đồn 49% cổ phần của hãng được bán cho doanh nghiệp Trung Quốc. Theo hãng bay, danh sách cổ đông của Bamboo Airways hiện không có bất cứ nhà đầu tư nào có quốc tịch Trung Quốc, hay bất cứ cổ đông nào là tổ chức có vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Trung Quốc.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang huy động xong 10.000 tỷ đồng trái phiếu sau 3 tháng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan mới đây công bố kết quả chào bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Gần 1.450 tỷ đồng trái phiếu của Masan được 2 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua vào. Hơn 50 tỷ đồng trái phiếu còn lại được phát hành cho 454 nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Sau khi phát hành thành công, Masan đã hoàn tất 4 đợt huy động trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng. Đây là một trong những doanh nghiệp niêm yết chào bán trái phiếu với khối lượng phát hành lớn nhất trong năm nay. 

Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu sẽ được Tập đoàn Masan góp thêm vào vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (5.000 tỷ đồng); cấp khoản vay cho Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (3.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam (1.000 tỷ đồng); thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (1.000 tỷ đồng).

Tập đoàn Masan huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong bối cảnh mở rộng đầu tư trong năm nay. Năm 2020, Masan bắt đầu vận hành hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart và nông trại VinEco của Vingroup. Công ty cũng mở rộng danh mục sản phẩm khi mua lại hãng bột giặt NETCO trong quý I.

Nũ đại gia Mai Kiều Liên lên kế hoạch lãi 10.960 tỉ đồng, mở rộng chuỗi Hi - Café

Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Sữa Việt Nam, Vinamilk dự kiến bổ sung 5 nhóm ngành nghề mới, bao gồm: Sản xuất dường; Dịch vụ phục vụ đồ uống; Bán lẻ; Buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu; Buôn bán kim loại và quặng kim loại.

Trong đó, Vinamilk có kế hoạch phát triển các sản phẩm thương mại có chức năng chuyên biệt như đường dành cho người bệnh tiêu đường, người theo chế độ ăn kiêng,…

Bên cạnh đó, trong năm nay và những năm tiếp theo, công ty sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo mang thương hiệu "Hi - Café". Trong năm 2019, công ty đã mở một cửa hàng tại trụ sở chính.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem